Canada có tiềm năng vượt Nga trong xuất khẩu khí gas hoá lỏng
Trung Quốc và các quốc gia khác ở châu Á đang có xu hướng chuyển sang sử dụng khí đốt tự nhiên hóa lỏng như một giải pháp thay thế cho than đá để đáp ứng nhu cầu năng lượng. Điều này khiến sự quan tâm hướng tới ngành công nghiệp LNG non trẻ trên bờ biển Thái Bình Dương của Canada, theo Nikkei Asia.
Trong khi Canada chưa bao giờ xuất khẩu khí LNG, Liên minh Khí đốt Quốc tế và hiệp hội các công ty trong ngành đã chọn Vancouver - thành phố lớn nhất ở bờ biển phía tây tỉnh British Columbia của Canada - để tổ chức hội nghị LNG2023 vào tháng 7 bởi Canada có tiềm năng trở thành một nhà sản xuất lớn.
“LNG của Canada có thể sẽ trả lời cho câu hỏi về nguồn cung khí đốt trong bối cảnh căng thẳng Nga và Ukraine vẫn phức tạp”, ông Timothy Egan, chủ tịch Hiệp hội Khí đốt Canada cho biết.
Canada rất giàu tài nguyên khí đốt tự nhiên. Tuy nhiên, một loạt các dự án LNG đã không thành hiện thực do các quy định nghiêm ngặt về môi trường của tỉnh bang British Columbia và những khó khăn trong việc đàm phán các thỏa thuận sử dụng đất với các cộng đồng bản địa.
Khoảng một thập kỷ trước, đã có những kế hoạch xây dựng hàng chục nhà máy LNG ở miền tây Canada, nhưng hầu hết chưa bao giờ thành hiện thực. Dự án năng lượng LNG Canada do Shell đứng đầu là dự án duy nhất đi đến quyết định đầu tư cuối cùng.
Shell cho biết các cơ sở khai thác LNG của Canada bắt đầu hoạt động vào giữa những năm 2020. Giai đoạn đầu, sản lượng dự kiến là 14 triệu tấn/năm. Hiện tập đoàn này cũng có kế hoạch tăng gấp đôi sản lượng vào khoảng năm 2030. Các bên liên quan đang nghiên cứu chi phí và tính khả thi của dự án.
Giám đốc điều hành Shell Wael Sawan trả lời phỏng bên lề hội nghị LNG2023: “Chúng tôi đang chờ xem liên doanh đưa ra những gì trong đầu tư giai đoạn 2”.
Tập đoàn kỹ thuật Nhật Bản JGC Holdings đang tìm cách giành được hợp đồng thiết kế và xây dựng các cơ sở mở rộng thông qua một liên doanh riêng.
Cùng với Shell, một loạt công ty châu Á có cổ phần trong LNG Canada JV, bao gồm công ty thương mại Nhật Bản Mitsubishi Corp., PetroChina, Kogas của Hàn Quốc và công ty năng lượng lớn Petronas của Malaysia.
Các công ty sẽ bán LNG cho các doanh nghiệp châu Á hoặc nội địa. Có một số doanh nghiệp liên doanh ví như Petronas hiện đang nắm quyền khai thác khí đốt tại Canada đồng thời sẵn sàng để xuất khẩu.
Khu vực Châu Á có 3 nhà nhập khẩu LNG hàng đầu thế giới, lần lượt là Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc. Theo công ty nghiên cứu châu Âu Rystad Energy, Đông Á tiêu thụ một nửa lượng LNG của thế giới.
Nhật Bản và Hàn Quốc nhập khẩu LNG từ vùng viễn đông của Nga, nhưng căng thẳng ở Ukraine đã buộc họ phải tìm kiếm LNG của Bắc Mỹ.
Các quốc gia Đông Nam Á như Việt Nam và Philippines đã bắt đầu nhập khẩu LNG khi họ tìm nguồn cung năng lượng thay thế cho than đá. Nhu cầu LNG của Đông Nam Á đang trên đà tăng lên 77 triệu tấn vào năm 2030, tương đương gấp 4 lần so với khối lượng vào năm 2022.
Mặc dù Canada không xuất khẩu LNG, nhưng công suất của các nhà máy khai thác LNG đã đước cấp phép có thể vượt quá 40 triệu tấn.
Điều này có thể khiến Canada trở thành nhà xuất khẩu LNG lớn hơn Nga, quốc gia đang đứng thứ 4 thế giới vào năm ngoái với 33 triệu tấn.
Ngoài LNG Canada, các dự án khác đang mọc lên để đón đầu nhu cầu của châu Á. Dự án Woodfibre LNG ở British Columbia, do Pacific Energy của Singapore đứng đầu, đã chọn nhà thầu Mỹ McDermott để thiết kế và xây dựng nhà máy hóa lỏng.
Nhà máy này sẽ bắt đầu hoạt động vào năm 2027 với công suất hàng năm là 2,1 triệu tấn. BP sẽ mua phần lớn LNG để bán ở châu Á.
Theo Dulles Wang, giám đốc công ty nghiên cứu Wood Mackenzie của Anh, bờ biển phía Tây của Canada có lợi thế về mặt địa lý gần với châu Á.
Mất khoảng 20 ngày để các tàu LNG đến Đông Bắc Á từ Vịnh Mexico qua Kênh đào Panama. Ngược lại, chuyến đi từ Canada sẽ chỉ mất khoảng 8 ngày. Ngoài ra, kênh đào Panama là một nút thắt năng lượng dễ bị tắc nghẽn.