Tây Ban Nha và Áo tăng cường mua khí đốt của Nga
Số liệu do công ty năng lượng Tây Ban Nha Enagas công bố cho thấy Nga đã trở thành nhà cung cấp khí đốt lớn nhất của Tây Ban Nha trong tháng 6/2023. Cụ thể, khí đốt từ Nga chiếm 26,8% tổng lượng khí đốt nhập khẩu của Tây Ban Nha, nhiều hơn vị trí thứ hai và ba là Algeria (An-giê-ri) với 21% và Mỹ với 18,5%.
Tổng cộng, trong 6 tháng đầu năm 2023, Tây Ban Nha đã mua 41.145 GWh khí đốt tự nhiên hóa lỏng từ Nga, tăng gần gấp đôi so với con số 22.948 GWh trong cùng kỳ năm 2022.
Các nhà chức trách Tây Ban Nha cho biết việc công ty Naturgy của Tây Ban Nha và Novatek PJSC của Nga vừa từ chối thỏa thuận kéo dài hợp đồng cung cấp khí đốt dài hạn là không có lợi về mặt kinh tế cho đất nước. Hợp đồng này được ký năm 2018 và xác định giá khí đốt dưới mức giá thị trường.
Trước đó có thông tin cho biết Tây Ban Nha đã đầu tư hơn 19,5 tỷ USD vào hoạt động sản xuất khí hydro xanh từ các nguồn năng lượng tái tạo. Đây được xem là “nỗ lực tham vọng nhất” trong các nước thành viên châu Âu nhằm giải quyết vấn đề thiếu hụt năng lượng và tiến tới thúc đẩy nền kinh tế xanh.
Trong một thông tin liên quan, trả lời phỏng vấn Thời báo Tài chính (FT), ông Alfred Stern - người đứng đầu công ty OMV của Austria (Áo) cho biết doanh nghiệp này sẽ tiếp tục mua lượng lớn khí đốt của Nga vào mùa Đông 2023 -2024. Trước đó, năm 2018, OMV đã ký hợp đồng dài hạn với tập đoàn khí đốt Gazprom của Nga để cung cấp khí đốt kéo dài đến năm 2040. Ông Stern khẳng định miễn là Gazprom đồng ý cung cấp, OMV sẽ tiếp tục nhập khẩu.
OMV hiện đang đáp ứng khoảng 30% nhu cầu của thị trường khí đốt trong nước. Đề cập đến các lệnh trừng phạt đối với khí đốt của Nga, người đứng đầu OMV nhận định việc loại bỏ một số nguồn cung nhất định sẽ dẫn đến tăng giá. Tuy nhiên, hiện khí đốt của Nga chưa bị phương Tây trừng phạt và OMV sẽ tiếp tục sử dụng những nguồn này, trong điều kiện chúng được chấp nhận về mặt pháp lý.
Ông Stern cũng tiết lộ OMV đã phê duyệt chi 2 tỷ euro (2,19 tỷ USD) để vận hành mỏ khí đốt Neptun Deep ở Biển Đen vào năm 2027. Đây là một phần trong hợp tác liên doanh giữa OMV với Romgaz của Romania (Ru-ma-ni), đem lại cơ hội cung cấp 100 tỷ m3 khí đốt cho thị trường châu Âu.