|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

'Cân não' với bài toán hỗ trợ heo tiêu hủy vì dịch tả heo châu Phi

21:48 | 04/03/2019
Chia sẻ
Trước tình hình dịch tả heo châu Phi xâm nhập vào Việt Nam, Bộ NN&PTNT đề xuất cần hỗ trợ 80% giá thị trường đối với heo con, heo thịt và tăng gấp 1,5 - 1,8 lần đối với heo nái và heo đực giống buộc phải tiêu hủy. Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng cần thay đổi trong cách làm để việc hỗ trợ phù hợp hơn.

Hỗ trợ heo tiêu hủy chưa hợp lí, người dân bán chui heo bệnh

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT), từ ngày 1/2 đến ngày 3/3, bệnh dịch tả heo châu Phi xảy ra tại 202 hộ, 64 thôn, 33 xã, 14 huyện của 7 tỉnh, thành phố bao gồm Hưng Yên, Thái Bình, Hải Phòng, Thanh Hóa, Hà Nội, Hà Nam và Hải Dương.

Tổng số lợn bị mắc bệnh và tiêu hủy là 4.231 con, với tổng trọng lượng tiêu hủy hơn 297 tấn.

Hưng Yên là tỉnh đầu tiên phát hiện ổ dịch và cũng là tỉnh có số lượng heo bị tiêu hủy lớn nhất với 2.323 con.

Cân não với bài toán hỗ trợ heo tiêu hủy vì dịch tả heo châu Phi - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Bộ NN&PTNT cho biết căn cứ Nghị định 02/2017, giá hỗ trợ hộ chăn nuôi có heo buộc phải tiêu hủy theo quy định hiện nay là 38.000 đồng/kg heo hơi, thấp hơn so với giá thị trường; nhiều nơi chỉ hỗ trợ khoảng 27.000 đồng/kg.

Thời gian hỗ trợ kéo dài nhiều tháng; thủ tục hỗ trợ vướng vì quy định người chăn nuôi phải đăng kí và có xác nhận của chính quyền, nhưng thực tế các nội dung này không khả thi, vì hiện cả nước có hàng triệu hộ chăn nuôi heo đan xen trong các khu dân cư và hầu hết hộ chăn nuôi không khai báo, đăng kí khi nuôi heo.

Thủ tục hỗ trợ mất nhiều thời gian, người dân bán chạy heo bệnh, heo nghi bệnh, không báo cho chính quyền và cơ quan thú y.

Tại cuộc họp báo diễn ra vào chiều ngày 1/3, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết đây cũng chính là một trong những nguyên nhân khiến người dân bán chạy, bán chui heo.

Vấn đề quy định cũ về hỗ trợ heo bị tiêu hủy do dịch bệnh cũng được đề cập tại Hội nghị trực tuyến triển khai các giải pháp cấp bách khống chế dịch tả heo châu Phi.

Ông Nguyễn Văn Tùng, Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng, nhận định mức hỗ trợ 38.000 đồng/kg tương đối ổn khi so sánh với mức giá trên thị trường hiện nay khoảng 43.000 đồng/kg.

Tuy nhiên, ông Tùng cho rằng quy định trướ chưa tách hỗ trợ với lợn nái. Theo thống kê của thành phố, heo nái khoảng 10% tổng đàn heo. Trong khi giá của heo nái hiện nay lên tới 150.000 đồng/kg.

"Đề nghị Bộ NN&PTNT và Chính phủ nên bổ sung thêm tiêu chí này để hỗ trợ cao hơn đối với thịt heo nái", ông Tùng kiến nghị.

Bất cập trong hỗ trợ heo bị tiêu hủy do dịch

Mới đây, Bộ NN&PTNT đề xuất cần hỗ trợ 80% giá thị trường đối với heo con, heo thịt và tăng gấp 1,5 - 1,8 lần đối với heo nái và heo đực giống buộc phải tiêu hủy.

Bộ cũng đề xuất bỏ điều kiện phải khai báo và có xác nhận của UBND cấp xã khi nuôi heo vì không khả thi; kinh phí lấy từ quỹ phòng, chống thiên tai của địa phương. Trong quá trình triển khai phải đảm bảo tính công khai, minh bạch và kịp thời hỗ trợ cho người chăn nuôi.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, cho biết đề xuất này đang được Chính phủ xem xét nhằm khuyến khích người dân tự giác báo heo bệnh và tiêu hủy.

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai nhận định việc hỗ trợ heo bị tiêu hủy tính theo trọng lượng nảy sinh một số bất cập, nhất là trong vấn đề nhân công, tính công bằng và minh bạch.

"Giả dụ một con heo thịt nặng 10 kg có giá khoảng 450.000 đồng tính theo giá heo hơi thị trường hiện nay là 45.000 đồng/kg. Nếu mức hỗ trợ mới được thông qua, người dân sẽ chỉ nhận về 360.000 đồng, ít người chịu hợp tác.

Trong khi đó, với một con heo nái thải loại, trọng lượng 300 kg lại được hỗ trợ lên tới cả chục triệu thì lại càng không hợp lí".

Bên cạnh đó, ông Công cho rằng việc cân heo khi tiêu hủy sẽ mất thời gian và khó quản lí về tính minh bạch, dễ xảy ra tình trạng gian lận khi báo cáo.

Ông Công đề xuất để dập dịch nhanh, gọn và đảm bảo sự công bằng cao nhất, nên hỗ trợ người dân theo nguyên tắc "2 - 4 - 6". Theo đó, heo con hỗ trợ 2 triệu đồng - heo thịt 4 triệu đồng - heo nái 6 triệu đồng.

"Người ta không thể nào khai báo gian lận về số lượng đầu heo do số liệu này đã được gửi ngay từ đầu năm nhưng lại rất dễ gian lận về số cân của heo bị tiêu hủy. Đồng thời cách làm này cũng rất nhanh, không phải mất thời gian khiêng heo đi cân", ông Công chia sẻ.

Hiện nay, dịch tả heo châu Phi mới được phát hiện ở quy mô hộ dân và tạm dừng ở 7 tỉnh. Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai cho rằng, nếu có mức hỗ trợ thỏa đáng, người dân sẽ sẵng sàng hợp tác trong việc thông báo heo bệnh, không vận chuyển heo chết sang các vùng khác. Điều này đồng thời giúp tiết kiệm chi phí nhà nước.

"Thà hỗ trợ ở mức hợp lí khi dịch đang ở quy mô nhỏ, tổng số tiền hỗ trợ không lớn. Nếu không kiểm soát được dịch mà phải tiêu hủy tới hơn 1 triệu con, số tiền hỗ trợ lên tới 150 triệu USD".

Bất cập nếu "cào bằng" mức hỗ trợ giữa doanh nghiệp và nông hộ

Ông Công nêu ý kiến nếu "cào bằng" mức hỗ trợ như giữa nông hộ và doanh nghiệp lại càng bất công.

Trong khi chi phí sản xuất của các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ lên tới 35.000 - 38.000 đồng/kg thì doanh nghiệp lớn chỉ ở mức 30.000 đồng/kg nhờ quy trình chăn nuôi khép kín, áp dụng khoa học kĩ thuật hiện đại...

Giả sử áp quy định cũ là hỗ trợ 38.000 đồng/kg thì người dân hòa vốn trong khi doanh nghiệp vẫn lãi 8.000 đồng/kg.

Do vậy, Chủ tịch Chăn nuôi heo đề xuất mức hỗ trợ của doanh nghiệp bằng 50% so với giá của các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ.

Thủ tướng: Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về phòng chống dịch tả heo châu PhiThủ tướng: Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về phòng chống dịch tả heo châu Phi Báo động dịch tả heo châu Phi: không hỗ trợ phù hợp sẽ lây lan rất caoBáo động dịch tả heo châu Phi: không hỗ trợ phù hợp sẽ lây lan rất cao Dịch tả heo châu Phi đã lan tới Hà NộiDịch tả heo châu Phi đã lan tới Hà Nội

Đức Quỳnh

Đề xuất ưu đãi thuế tiêu thụ đặc biệt cho xe ô tô hybrid, không áp thuế với điều hoà
Đại biểu Nguyễn Văn Mạnh đề xuất, bổ sung quy định dòng xe điện hybid không có sạc ngoài được hưởng ưu đãi thuế suất thuế TTĐB với mức thuế suất bằng 70% mức thuế suất của dòng xe xăng dầu.