Báo động dịch tả heo châu Phi: không hỗ trợ phù hợp sẽ lây lan rất cao
Xe heo biển số Thanh Hóa (36), nhưng giấy kiểm dịch ghi heo nguồn tại Đồng Nai. Trong ảnh: cán bộ thú y Trạm kiểm dịch động vật Thủ Đức phun tiêu độc, khử trùng - Ảnh: NGUYỄN TRÍ chụp chiều 28/2
Dù đã triển khai nhiều biện pháp phòng chống dịch, nhưng Bộ NN&PTNT thừa nhận rằng nếu chính sách hỗ trợ không phù hợp, người chăn nuôi và thương lái không hợp tác, các lực lượng chức năng không tích cực tham gia... thì nguy cơ dịch tả heo châu Phi lan rộng sẽ rất cao, thiệt hại không chỉ với ngành chăn nuôi mà cả nền kinh tế.
Cần có sự thay đổi trong mức đền bù, hình thức đền bù để người dân yên tâm khai báo dịch bệnh.
Ông NGUYỄN TRÍ CÔNG (chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai)
"Phù phép" cho heo vùng dịch
Rạng sáng 28/2, đoàn kiểm tra liên ngành TP HCM đã tạm giữ và lập biên bản xử lý xe heo chở 181 con từ Thái Bình vào Vĩnh Long tiêu thụ do thiếu thông tin kiểm dịch, dù trước đó xe này "lọt" qua 6 trạm kiểm dịch và 1 trạm thực hiện việc tiêu độc khử trùng.
Cụ thể, theo một cán bộ Chi cục Thú y TP HCM, giấy kiểm dịch do Chi cục Thú y tỉnh Thái Bình cấp cho xe heo này có số lượng heo là 190 con nhưng xe chở 181 con, biển số xe cũng không đúng so với giấy vận chuyển đã cấp.
"Theo khai nhận của tài xế, xe vẫn "lọt" qua 6 trạm kiểm dịch các tỉnh và chỉ 1 trạm thực hiện tiêu độc khử trùng theo quy định. Ngoài ra, việc xe di chuyển qua nhiều tỉnh nhưng che chắn rất sơ sài.
Do đó, nguy cơ phát tán virút dịch tả heo châu Phi thông qua chất thải heo rất cao" - vị này nói, đồng thời cho biết nhiều khả năng có sự tráo heo trong quá trình vận chuyển.
Theo đại diện Trạm kiểm dịch động vật Thủ Đức, lượng heo sống qua trạm này khoảng 4.000 con/ngày, chưa kể lượng heo đã mổ khoảng 50 xe nhưng theo giấy tờ, phần lớn số heo này không phải từ phía Bắc.
Thế nhưng ghi nhận tại trạm kiểm dịch này vào ngày 28/2 cho thấy khá nhiều xe heo mà biển số xe thuộc các tỉnh như Thanh Hóa (36), Thái Bình (17)... vận chuyển heo vào TP.HCM hoặc xuống miền Tây.
Giải thích về hiện tượng này, ông Lê Việt Bảo - chi cục trưởng Chi cục Thú y TP.HCM - cho rằng có khả năng thương lái huy động heo ngoài Bắc nhưng sau đó đổ heo xuống Đồng Nai, Bình Dương... "trộn" với số ít nguồn heo tại chỗ để lấy giấy chứng nhận kiểm dịch của địa phương, "đổi hộ khẩu" cho heo nhằm lách sự kiểm tra của cơ quan chức năng cũng như đánh lừa các lò mổ miền Nam hiện không tiếp nhận mổ heo có nguồn từ miền Bắc.
Một cán bộ Chi cục Thú y Long An cho rằng công tác che chắn, vệ sinh nhiều xe chở heo từ Bắc vào Nam hiện khá sơ sài, nguy cơ phát tán virút dịch tả heo châu Phi thông qua chất thải heo rất cao.
"Với tình hình dịch tả heo châu Phi phức tạp như hiện nay, việc thiếu trách nhiệm của các đơn vị cấp giấy kiểm dịch tại vùng dịch hoặc đơn vị kiểm dịch các trạm thú y để phúc kiểm càng gia tăng nguy cơ lây lan dịch bệnh vào Nam" - vị này khuyến cáo.
Xe chở heo bị cơ quan chức năng tạm giữ và xử lý được che chắn và vệ sinh khá sơ sài - Ảnh: Chi cục Thú y TP HCM
Nguy cơ lây lan rất cao
Ông Trần Mạnh Hà (huyện Thống Nhất, Đồng Nai), chủ trang trại trên 1.000 con heo, cho hay ngay khi nhận được tin dịch tả heo châu Phi bên Trung Quốc áp sát biên giới, gia đình đã chủ động thực hiện các biện pháp vệ sinh khử trùng và vệ sinh trang trại.
Tuy nhiên, việc làm này chủ yếu để phòng chống, chứ không đảm bảo tránh hoàn toàn sự lây lan với điều kiện chăn nuôi và vận chuyển buôn bán như ở VN hiện nay.
"Cơ quan chức năng đã vào cuộc quyết liệt, nhưng một vế quan trọng là cơ chế hỗ trợ bồi thường thiệt hại cho đàn heo bị tiêu hủy nếu phát hiện dịch. Nếu không làm người dân an tâm, rất khó nói họ thành thực khai báo" - ông Hà nhận định.
Theo ông Hà, mức giá bồi thường mà các cơ quan chức năng đưa ra là 38.000 đồng/kg heo hơi, không phân biệt các loại heo to nhỏ hay heo nái với heo thịt.
Trong khi đó, giá trên thị trường heo hơi ở phía Nam là trên 50.000 đồng/kg. "Giả sử thấy heo bệnh, với mức chênh lệch như vậy, nhiều người sẽ tìm cách bán chạy heo chứ không khai báo. Nguy cơ lây lan từ phía người dân không chủ động hợp tác với cơ quan chức năng là rất cao" - ông Hà cho biết.
Ông Nguyễn Trí Công, chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi tỉnh Đồng Nai, nói: "Chưa có cơ quan nào chính thức công bố mức giá đền bù cho heo mắc bệnh bị tiêu hủy.
Nếu căn cứ vào nghị định 02/2017, mức bồi thường 38.000 đồng/kg là quá thấp so với giá thị trường, chưa kể thủ tục sẽ còn nhiêu khê nên người dân chưa tin tưởng. Cần có sự thay đổi trong mức đền bù, hình thức đền bù để người dân yên tâm khai báo dịch bệnh".
Một cán bộ Cục Thú y khu vực phía Nam thừa nhận việc kiểm soát vận chuyển heo giữa các địa phương cực kỳ khó khăn. Với tập quán kinh doanh nhỏ lẻ, việc vận chuyển heo không chỉ bằng xe lớn qua quốc lộ mà còn theo các xe nhỏ ở đường quê nên không thể kiểm soát hết.
Chưa kể vận chuyển heo ở VN đa số bằng xe hở nên nguy cơ phát tán, lây lan dịch bệnh ra môi trường rất cao, trong khi lực lượng cán bộ thú y rất hạn chế.
Thủ tướng: Sớm khoanh vùng, dập dịch
Trong phiên họp Chính phủ ngày 1-3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã lưu ý các bộ, địa phương sớm khoanh vùng, dập dịch tả heo châu Phi đang diễn ra tại 6 tỉnh thành trên cả nước.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết đến ngày 27-2, cả nước đã xảy ra 96 vụ dịch tả heo châu Phi tại 33 thôn, 20 xã, 13 huyện thuộc 6 tỉnh, thành phố (gồm Hưng Yên, Thái Bình, Hải Phòng, Thanh Hóa, Hà Nội và Hà Nam) với tổng số heo mắc bệnh, đem đi tiêu hủy 2.439 con, tổng sản lượng trên 172 tấn thịt.
Theo ông Tiến, dịch tả heo châu Phi không chỉ lây truyền qua đàn heo mà còn lây truyền qua đường vận chuyển, tiếp xúc, qua đường thức ăn, nước uống, vật tư chăn nuôi... Trong khi đó, do VN có đường biên giới dài, nhiều đường mòn, lối mở vùng biên giới nên việc kiểm soát dịch rất khó khăn.
BẢO NGỌC
Ông NGUYỄN MINH QUANG (phó chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên):
Nhiều hộ chăn nuôi bán heo chạy... dịch
Ngay khi phát hiện dịch xuất hiện trên địa bàn, địa phương đã thành lập ban chỉ đạo ở tất cả các cấp, tập trung vận động tuyên truyền, yêu cầu ký cam kết đến từng hộ chăn nuôi, giết mổ, chế biến; tổ chức tổng vệ sinh tiêu trùng, khử độc trong vùng, thành lập 10 trạm kiểm soát ở tất cả các đầu mối ra vào tỉnh.
Đến nay, chúng tôi đã xuất kho trên 15.000 liều thuốc tiêu trùng, kiểm tra tại tất cả các huyện, xã chứ không làm ở phạm vi các huyện có dịch, đồng thời chỉ đạo khi phát sinh ổ dịch ở hộ nào thì tổ chức chôn ngay để tránh lây lan.
Tuy nhiên, việc ngăn chặn dịch vẫn còn gặp nhiều khó khăn do lực lượng thú y mỏng, mức hỗ trợ còn thấp nên người dân bán chạy, nhiều hộ chăn nuôi nhỏ lẻ nên kiểm soát rất khó khăn.
Ông CHU PHÚ Mỹ (giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội):
Khoanh vùng, ngăn chặn dịch lây lan
Ngay sau khi phát hiện ổ dịch ở quận Long Biên, chúng tôi đã tổ chức tiêu hủy, khử trùng, khoanh vùng có dịch. Đến nay đã qua 7 ngày, Hà Nội chưa phát hiện thêm ổ dịch mới.
Tuy nhiên, chúng tôi cũng đã báo cáo TP Hà Nội lập các chốt, các đoàn kiểm tra ngăn chặn heo, sản phẩm từ heo từ các địa phương, đặc biệt là các địa phương có dịch như Hưng Yên, Hà Nam.
Các quận, huyện chưa xuất hiện dịch cũng đã tuyên truyền người dân khử trùng, tiêu độc, vệ sinh khu vực chăn nuôi. TP, sở cũng thành lập các đoàn kiểm tra tại các quận, huyện về công tác phòng chống dịch, chuẩn bị sẵn sàng vôi bột để tiêu hủy nếu phát sinh thêm.
CHÍ TUỆ