Thủ tướng: Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về phòng chống dịch tả heo châu Phi
Chăn nuôi nhỏ nhẻ lớn gây khó khăn cho phòng chống dịch tả heo châu Phi
"Nếu không có những biện pháp đồng bộ thì rất khó khăn chăn dịch bệnh. Hiện nay, dịch tả heo đã lan tới 7 tỉnh thành, chúng ta xem được không? Tôi tới đây vì tôi thấy đây là vấn đề bức bách.
Tôi đã ban hành Chỉ thị số 04/CT-TTg về việc triển khai đồng bộ các giải pháp cấp bách khống chế bệnh dịch tả heo châu Phi. Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và Thủ tướng về kết quả phòng chống dịch tại địa phương", Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị triển khai các giải pháp cấp bách khống chế dịch tả heo châu Phi (ASF) sáng 4/3.
Tính đến thời điểm hiện tại, đã có 7 tỉnh thành/thành phố phát hiện dịch tả heo châu Phi bao gồm Hưng Yên, Thái Bình, Thanh Hóa, Hà Nam, Hà Nội, Hải Dương, Hải Phòng.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT), ngành chăn nuôi nước ta vẫn đang đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức trong đó có việc chăn nuôi nhỏ lẻ còn chiếm tỉ trọng lớn, chất lượng và an toàn thực phẩm chưa ổn định.
Chăn nuôi nhỏ lẻ phân tán, mật độ chăn nuôi cao, xen lẫn trong các khu dân cư càng làm cho công tác kiểm soát dịch bệnh thêm khó khăn, phức tạp, Bộ NN&PTNT nhận định.
Tại Hội nghị trực tuyến triển khai các giải pháp cấp bách khống chế dịch tả heo châu Phi, ông Nguyễn Văn Sửu, Phó Chủ tịch thành phố Hà Nội cho biết trên địa bàn thành phố có 2 triệu con heo và hơn 100.000 hộ sản xuất chăn nuôi, nhỏ lẻ chiếm 60%. Bên cạnh đó, thành phố giáp 8 tỉnh thành, có nhiều trục lộ vào thành phố nên việc kiểm soát cần phối hợp chặt chẽ.
Cũng tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết đặc điểm nuôi heo Việt Nam khác các nước.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị triển khai các giải pháp cấp bách khống chế dịch tả heo châu Phi
Theo đó, số lượng hộ chăn nuôi nhỏ lẻ là 2,5 triệu hộ với 13,8 triệu con, chiếm 49% tổng đàn; sản lượng thịt heo hơi xuất chuồng từ chăn nuôi nông hộ chiếm khoảng 42% sản lượng thịt heo hơi của cả nước.
Bất cập trong triển khai phòng chống dịch bệnh
Theo Bộ NN&PTNT, công tác phòng chống dịch tả heo châu Phi còn nhiều khó khăn. Từ cuối năm 2018 đến nay, nhiều địa phương đã thực hiện việc sáp nhập cơ quan thú y cấp tỉnh thành trung tâm dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp.
Cơ quan thú y cấp huyện được sáp nhập thành trung tâm dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp nhưng việc tổ chức triển khai các nhiệm vụ phòng, chống dịch bệnh động vật bị trì trệ, không hiệu quả.
Nhiều tồn tại, bất cập như không tổ chức chủ động giám sát, kịp thời nắp bắt thông tin và báo cáo tình hình dịch bệnh; không tổ chức thực hiện việc vệ sinh, tiêu độc khử trùng; không triển khai tiêm phòng vắc xin; không thực hiện các biện pháp kiểm dịch xuất, nhập vào địa bàn cấp tỉnh; không xử lý các trường hợp vi phạm,...
Về hóa chất phòng, chống dịch bệnh, việc tổ chức đấu thầu thường mất nhiều thời gian, nhất là khi có dịch bệnh xảy ra ở phạm vi rộng, dẫn đến sử dụng hết lượng hóa chất dự phòng của các địa phương, cần phải đấu thầm mua hóa chất mới.
Nhiều địa phương không bố trí kinh phí trả thù lao hoặc có bố trí nhưng mức trả rất thấp so với chi phí thực tế, nên dẫn đến tình trạng ngại hoặc không tham gia triển khai các hoạt động phòng, chống, nhất là khi cần phải thực hiện trong thời gian dài.
Nguồn nhân lực bị cắt giảm cơ học do tinh giản biên chế của hệ thống thú y các cấp, dẫn đến tình trạng vừa không đủ người, vừa không có đủ công chức để thực hiện việc kiểm dịch động vật, cũng như các hoạt động thú y khác.
Các trang thiết bị, phương tiện đi lai của nhiều địa phương và các cơ quan chuyên môn đã bị hỏng, không còn hoạt động hiệu quả vì sau nhiều năm được dùng để phòng, chống các loại dịch bệnh động vật khác.