|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Cần liều vắc-xin cho doanh nghiệp vừa và nhỏ

07:29 | 18/03/2020
Chia sẻ
Các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) đang cần gấp những liều thuốc giảm đau giúp tăng thanh khoản, nhưng bước đi lâu dài để phòng "dịch" vẫn cần đến những liều vắc-xin (vaccine).
Cần liều vắc-xin cho doanh nghiệp vừa và nhỏ - Ảnh 1.

Hàng hóa ế ẩm trong mùa dịch Covid-19. Ảnh: H.T

Cần bơm “ô xy”

Bà Nguyễn Hiếu Thảo, chủ doanh nghiệp phân phối hàng ba lô, túi xách IFresh cho biết sẽ đóng 2 trên 4 cửa hàng đang đặt tại các trung tâm thương mại lớn ở TPHCM, đi kèm theo đó là giảm tương ứng một nửa nhân sự. 

“Doanh thu giảm tới 85% trong khi chi phí thì vẫn vậy. Với tình hình này thì đang lỗ rất sâu, vô cùng căng thẳng. Bạn bè của mình cũng đang đóng cửa rất nhiều, có thể nói các doanh nghiệp vừa và nhỏ hiện vô cùng khó khăn”, bà chủ của IFresh bày tỏ.

Đóng cửa hàng, giảm nhân viên là phương án mà phần lớn doanh nghiệp trong nước lựa chọn tại thời điểm hiện nay, nhằm gắng gượng vượt qua giai đoạn khó khăn do dịch bệnh Covid-19.

Theo khảo sát của Ban Phát triển kinh tế Tư nhân (trên 1.200 doanh nghiệp, trong đó 75% là doanh nghiệp có quy mô lao động dưới 100 người), các biện pháp phản ứng hiện nay là cắt giảm lao động (39%), chi phí (21%), cho nhân viên nghỉ không lương (4%) và tạm dừng kinh doanh (4%).

Từ trước đến nay, các doanh nghiệp vừa và nhỏ vốn gặp khó trong việc tiếp cận dòng vốn ngân hàng, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 ngày càng phức tạp thì lại càng khó khăn hơn khi nguồn cung và nhu cầu xã hội đều sụt giảm.

“Doanh nghiệp vừa và nhỏ là nhóm có khả năng bị tổn thương cao nhất trong các nhóm doanh nghiệp, bởi nguồn vốn của họ có hạn, dòng tiền cũng không đủ dồi dào để dự trù cho một quãng thời gian dài ngắt quãng kinh doanh”, ông Đào Gia Hưng, Phó giám đốc khối SME, ngân hàng VPBank, bình luận.

Một ước tính mới đây của VIB cho biết hiện ngân hàng có khoảng gần 6.500 khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, trong đó có khoảng 86 doanh nghiệp lớn và vừa, còn lại là doanh nghiệp siêu nhỏ và khách hàng cá nhân.

Trong khi đó, TS Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính cũng nhận định, vấn đề quan trọng nhất hiện nay của các doanh nghiệp là hỗ trợ thanh khoản. Khảo sát của Ban Phát triển kinh tế Tư nhân cũng cho thấy yêu cầu bức thiết hiện nay là các biện pháp hỗ trợ về thanh khoản như tăng tiền chảy vào (vay tiền lãi suất ưu đãi), hoặc giảm tiền đi ra (giãn, hoàn nộp thuế, phí, lãi suất, bảo hiểm,…).

Cần liều vắc-xin cho doanh nghiệp vừa và nhỏ - Ảnh 3.

Nguồn: Ban Phát triển kinh tế Tư nhân

Cũng bởi thế mà các chính sách mới đây đang được giới kinh doanh nhỏ lẻ đặt nhiều kỳ vọng. Chẳng hạn như dự thảo của Bộ Tài chính mới đây dự kiến sẽ kéo giãn thời gian nộp thuế, bảo hiểm lùi lại 5 tháng, kèm nhiều hỗ trợ khác với quy mô ước tính 30.100 tỉ đồng.

Còn theo thông tư 01 của Ngân hàng Nhà nước mới ban hành, các ngân hàng được chủ động trong câu chuyện “giải cứu” các doanh nghiệp, người dân chịu ảnh hưởng bởi Covid-19. Theo đó, các phương án được đưa ra bao gồm cơ cấu lại các khoản nợ, miễn giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ và cả cho vay mới.

Trước đó nữa, các ngân hàng đưa ra cam kết sẽ giải ngân lên đến 250.000 tỉ đồng với lãi suất cho vay ưu đãi. Quy mô có thể tăng lên cùng với các cam kết của ngân hàng và diễn biến thực tế cho vay. 

Tuy nhiên, việc tiếp cận các dòng vốn của ngân hàng đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn đang là một dấu hỏi khi nhìn vào quá khứ.

Liều vaccine nào phù hợp?

Tính thanh khoản, dòng tiền mặt, hay còn gọi là “lớp đệm vốn” mới là yếu tố giúp doanh nghiệp sớm vượt qua khó khăn. Đây hẳn nhiên là điều mà các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam còn rất thiếu.

“Quan sát những doanh nghiệp lớn bị phá sản trong các đợt suy thoái kinh tế trong hai thập niên qua chủ yếu là vì quản trị tài chính yếu kém. 

Điểm cốt lõi của quản trị tài chính là luôn dành một nguồn vốn dự trữ, chứ không theo đuổi phương thức tối đa hóa lợi nhuận, đẩy mạnh huy động vốn để đầu tư, phát triển kinh doanh với tỷ lệ đòn bẩy cao”, TS. Đinh Thế Hiển, chuyên gia tài chính bình luận.

Bước vào mỗi cuộc khủng hoảng, các doanh nghiệp lớn lại được ngân hàng “ưu tiên” giải cứu, có lẽ vì mối quan hệ giữa 2 bên vốn có những đóng góp lớn vào kết quả kinh doanh của nhau. 

Trong bối cảnh nguồn lực có hạn, chọn cách giải cứu doanh nghiệp lớn thì đương nhiên khả năng cứu các doanh nghiệp nhỏ sẽ giảm đi.

Thực tế trong quá khứ cũng đã có những gói hỗ trợ mà dòng vốn cứu trợ chảy sai địa chỉ, vào những lĩnh vực không hiệu quả. 

Ngay trong Thông tư 01 mới ban hành, bên cạnh việc để cơ chế mở cho ngân hàng chủ động với các khoản nợ có nguy cơ lớn trở thành nợ xấu, cơ quan quản lý cũng đặt ra yêu cầu các tổ chức tín dụng phải đảm bảo hỗ trợ đúng đối tượng chịu thiệt hại.

Cần liều vắc-xin cho doanh nghiệp vừa và nhỏ - Ảnh 4.

Cho vay bán lẻ ở các ngân hàng thương mại tăng đáng kể từ năm 2016 đến nay. Đồ họa: Dũng Nguyễn.

Tuy nhiên, có một điều thuận lợi hiện nay là trong nhiều năm qua, cấu trúc tài sản của các ngân hàng thương mại cũng đã đổi khác. Theo đó, tỷ trọng dư nợ, sản phẩm dịch vụ dành cho cá nhân, doanh nghiệp vừa và nhỏ, siêu nhỏ cũng đã tăng lên đáng kể.

Thêm nữa, bản thân các ngân hàng cũng có thêm động cơ để giữ phần nợ xấu do Covid-19 vẫn còn “đẹp” vì ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả kinh doanh. 

Với sự “cởi trói” về mặt pháp lý trong Thông tư 01, các doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể đặt kỳ vọng vào việc ngân hàng sẽ phải tìm mọi cách để “cứu mình cứu người”.

Trở lại trường hợp của IFresh, ngay đầu tháng 2, ngân hàng đã hỗ trợ giải ngân một khoản vay tín chấp sau khi rà soát kỹ lưỡng hồ sơ giấy tờ. 

“Khoản này nhỏ thôi nhưng cũng rất quan trọng trong thời điểm hiện nay, ngân hàng cũng đã có kế hoạch cho buổi làm việc tiếp theo”, bà Thảo cho biết.

Thực tế cũng cho thấy các ngân hàng hiện đang chủ động giải quyết câu chuyện nợ xấu vì Covid-19 ngay từ trước khi cơ quan quản lý đưa ra chính sách hỗ trợ chính thức.

Số liệu cập nhật đến ngày 4-3, cho thấy đã có hơn 44.000 khách hàng với dư nợ 222.000 tỉ đồng được hỗ trợ (cơ cấu thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi, phí,…), tương ứng với khoảng gần 24% tổng dư nợ ước bị thiệt hại.

Tại cuộc họp 12-3 mới đây, báo VNExpress cũng dẫn lời Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, nhiều khả năng chính phủ sẽ có một chương trình hỗ trợ doanh nghiệp toàn diện. 

Chương trình này bao gồm kịch bản về chương trình phục hồi sau dịch bệnh, tổng thể về thuế, phí và bảo hiểm, ở những ngành nghề, lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề bởi Covid-19.

Tuy nhiên, chưa bàn đến câu chuyện giải cứu ở quy mô lớn hơn (mà các doanh nghiệp lớn chắc hẳn sẽ được hưởng lợi nhiều hơn), các doanh nghiệp nhỏ cũng cần phải sống sót qua giai đoạn Covid-19 rồi mới toan tính đến chuyện khác. 

Và sau khi đã nhận được liều thuốc giảm đau, các chủ doanh nghiệp cũng cần phải suy nghĩ thêm về lớp đệm vốn, liều vaccine cần thiết cho tương lai lâu dài.

Dũng Nguyễn