Cận cảnh tòa tháp nghìn tỉ bỏ hoang của Vicem đang tìm chủ mới
Mới đây, Tổng Công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam (Vicem) đã có văn bản gửi Bộ Xây dựng báo cáo về việc triển khai chuyển nhượng dự án Trung tâm điều hành và giao dịch Vicem (Vicem Tower).
Theo đó, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chỉnh phủ về thoái vốn đầu tư đối với các lĩnh vực ngoài ngành, Vicem đã có văn bản báo cáo Bộ Xây dựng về chủ trương tìm nhà đầu tư chuyển nhượng dự án. Phương án chuyển nhượng dự án đã được các Bộ ngành chức năng đồng ý về mặt nguyên tắc.
Ngoài ra, Vicem đã thuê CTCP Định giá và Dịch vụ Tài chính Việt Nam đánh giá, đề xuất phương án xử lý dự án. Trên cơ sở đó, Vicem đã đề xuất với Bộ Xây dựng phương án chuyển nhượng toàn bộ dự án, tuy nhiên trong văn bản này chưa đề cập đến giá bán kỳ vọng.
Theo tìm hiểu, dự án Vicem Tower được xây dựng tại Lô 10 E6, Khu đô thị mới Cầu Giấy, Hà Nội,với chức năng làm trụ sở làm việc, văn phòng cho thuê và kinh doanh thương mại. Dự án được xây dựng theo quy mô hạng A trên diện tích 8.476 m2, bao gồm tòa nhà cao 31 tầng nổi và 4 tầng hầm, với tổng diện tích sàn khoảng 78.270 m2, trong đó phần nổi khoảng 54.000 m2, đáp ứng 200 chỗ đỗ xe ngầm.
Tổng mức đầu tư ban đầu của dự án là 1.952 tỉ đồng, hiện nay, số vốn đầu tư đã tăng lên 2.743 tỉ đồng, tức tăng thêm gần 800 tỉ đồng so với ban đầu.
Được khởi công từ năm 2011 và dự kiến hoàn thành sau 3 năm, song dự án Vicem Tower mới chỉ xong phần xây thô và chủ đầu tư đã phải lùi thời hạn hoàn tất sang quý III/2017.
Theo báo cáo tài chính hợp nhất năm 2018 của Vicem, dự án VicemTower vẫn là một trong số hơn 20 dự án thuộc hạng mục chi phí xây dựng cơ bản dở dang của Vicem. Mặc dù đã bỏ hoang nhiều năm nhưng tính đến cuối năm 2018, chi phí xây dựng phải trả của dự án này vẫn còn hơn 23,3 tỉ đồng.
Báo cáo tài chính hợp nhất năm 2018 của Vicem
Theo ghi nhận của PV, hiện tại, dự án vẫn "án binh bất động", cỏ dại mọc um tùm, hàng rào tôn bao quanh đã xuống cấp.
Dự án Vicem Tower được xây dựng trên trục đường vành đai 3 Phạm Hùng, cạnh tòa nhà Keangnam do Tổng Công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam làm chủ đầu tư. (Ảnh: Thu Hà)
Dự án có 31 tầng nổi và 4 tầng hầm, có chức năng làm trụ sở làm việc, văn phòng cho thuê và kinh doanh thương mại. (Ảnh: Thu Hà)
Được xây dựng từ năm 2011 nhưng đến nay chủ đầu tư mới chỉ hoàn thành xong phần thô. (Ảnh: Thu Hà)
(Ảnh: Thu Hà)
Cổng vào dự án cũng đã cũ kỹ và hoen rỉ. (Ảnh: Thu Hà)
(Ảnh: Thu Hà)
Cây leo mọc um tùm và leo kín hàng rào bao quanh dự án (Ảnh: Thu Hà)
Đề xuất bán trụ sở được Vicem đưa ra trong bối cảnh doanh nghiệp này đang ôm hàng nghìn tỉ đồng tiền nợ của các công ty con.
Báo cáo tài chính hợp nhất năm 2018 của Vicem cho biết, kết thúc năm 2018, Vicem ghi nhận doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt 27.867 tỉ đồng, tăng 11,3% so với năm 2017; tổng lợi nhuận kế toán trước thuế là 2.389 tỉ đồng, tăng 21% so với năm 2017.
Vốn chủ sở hữu của Vicem tính đến hết ngày 31/12/2018 ở mức 20.554 tỉ đồng, tăng 4,1% sau một năm. Nợ phải trả ở mức 22.120 tỉ đồng, giảm 9,9%.
Mặc dù Vicem có lãi nhưng theo Báo cáo giám sát đầu tư vốn, giám sát tài chính và đánh giá hiệu quả hoạt động của công ty mẹ - Vicem năm 2018, các công ty con của tổng công ty này đang ôm các khoản nợ lên tới cả nghìn tỉ đồng. Cụ thể, Công ty Xi măng Vicem Tam Điệp lỗ lũy kế đến cuối năm 2018 khoảng 1.103 tỉ đồng, thuộc diện mất an toàn về tài chính.
Tương tự, Xi măng Hạ Long lỗ lũy kế đến hết 2018 khoảng 3.580 tỉ đồng, Xi măng Sông Thao lỗ lũy kế 410 tỉ đồng...