|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Viglacera báo lãi 575 tỷ, Vicem lỗ 863 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm

11:38 | 12/07/2024
Chia sẻ
4/6 doanh nghiệp thuộc Bộ Xây dựng báo lãi trước thuế trong 6 tháng đầu năm, song Bộ Xây dựng cho biết chỉ tiêu này không đạt kế hoạch 6 tháng đã đặt ra.

Trong tài liệu sơ kết 6 tháng đầu năm 2024, Bộ Xây dựng cho biết trong nửa đầu năm nay, 6 doanh nghiệp do Bộ nắm giữ 100% vốn điều lệ hoặc nắm giữ cổ phần chi phối có tổng giá trị sản xuất kinh doanh ước đạt 25.935 tỷ đồng, giảm 6% so cùng kỳ, thực hiện 45% kế hoạch năm.

Doanh thu ước đạt 24.947 tỷ đồng, giảm 6% so cùng kỳ, thực hiện được 47% mục tiêu năm.

Đối với lợi nhuận trước thuế, Bộ Xây dựng cho biết chỉ tiêu này không đạt kế hoạch 6 tháng đầu năm 2024 đặt ra.

Về lợi nhuận trước thuế của từng doanh nghiệp, Tổng Công ty Cơ khí Xây dựng (Coma) báo lỗ 2,6 tỷ đồng, Tổng công ty Xi măng Việt Nam (Vicem) lỗ 863 tỷ đồng.

Tổng Công ty Viglacera - CTCP (Mã: VGC) lãi 575 tỷ đồng, Tổng công ty Xây dựng Hà Nội (Hancorp) lãi 20,1 tỷ đồng; Tổng Công ty Lắp máy Việt Nam (Lilama – Mã: LLM) lãi 38,2 tỷ đồng, Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD) lãi 205 tỷ đồng.

Theo Bộ Xây dựng, thị trường bất động sản và vật liệu xây dựng vẫn chưa khởi sắc, cộng thêm giá vật liệu, nhiên liệu và tỷ giá ngoại tệ biến động tăng, đã khiến cho tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn. Một số đơn vị phải hoạt động cầm chừng, dẫn đến kinh doanh thua lỗ và không đạt chỉ tiêu kế hoạch được giao.

Về kế hoạch sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước do Bộ Xây dựng làm đại diện chủ sở hữu giai đoạn 2022 – 2025. Bộ Xây dựng cho biết đã điều chỉnh kế hoạch và tích cực triển khai công tác thoái vốn tại Viglacera.

Bộ Xây dựng đã phê duyệt, tổ chức triển khai thực hiện các đề án tái cơ cấu tại Vicem, HUD, Lilama, Coma.

Bên cạnh đó, Bộ Xây dựng tiếp tục tập trung rà soát, thực hiện phương án sắp xếp các cơ sở nhà, đất của các doanh nghiệp. Đồng thời xử lý các vướng mắc để thực hiện quyết toán vốn nhà nước bàn giao sang CTCP các Tổng công ty như Sông Đà, FiCO, Coma, Lilama.

Lâm Anh

Nhìn lại ngành chứng khoán Việt Nam sau 24 năm qua các làn sóng M&A (Phần 2)
Làn sóng M&A thứ nhất ngành chứng khoán Việt Nam sớm kết thúc và để lại kết quả không mấy khả quan, các tổ chức quốc tế lần lượt rời đi. Làn sóng M&A mới nổ ra với mô hình thâu tóm toàn bộ cổ phần, “thay tên đổi họ” với sự gia nhập của các tập đoàn Hàn Quốc và những định chế trong nước.