|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Cải tổ chăn nuôi để xuất heo chính ngạch

15:08 | 28/05/2017
Chia sẻ
Việt Nam vừa đạt được một số thỏa thuận để tiến tới xuất khẩu thịt heo chính ngạch sang Trung Quốc về lâu dài, là cơ hội để Việt Nam tái cơ cấu ngành chăn nuôi

Mới chỉ là chủ trương

Trung Quốc sẽ mở cửa cho thịt heo VN đã qua giết mổ, xẻ mảnh đông lạnh. Heo thịt phải được kiểm soát về dịch bệnh, đặc biệt là bệnh lở mồm long móng và được giết mổ theo quy trình đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Phía Trung Quốc không cấp quota mà sẽ nhập theo nhu cầu thực tế. Ước tính nhu cầu nhập khẩu mỗi năm của nước này khoảng 1 triệu tấn.

cai to chan nuoi de xuat heo chinh ngach

Xuất khẩu thịt heo chính ngạch là hướng đi bền vững của ngành chăn nuôi

Với góc nhìn lạc quan, ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, nói: “Trước tình hình khó khăn của ngành chăn nuôi hiện nay, đây cũng có thể coi là một tín hiệu lạc quan, kích thích thị trường và ổn định tâm lý của người chăn nuôi”.

Trong khi đó, ông Văn Đức Mười, nguyên Tổng giám đốc VISSAN, nhận định: “Đây chỉ mới là chủ trương về mặt ngoại giao. Các thỏa thuận cụ thể về mặt kỹ thuật sẽ mất thêm không ít thời gian. Tuy nhiên, nó cho chúng ta thấy một sự thật là muốn làm ăn với Trung Quốc phải theo đường chính ngạch, tuân thủ quy tắc, chuẩn mực quốc tế”.

Ông Nguyễn Xuân Dương, Phó cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT), cũng thừa nhận để xuất khẩu thịt heo chính ngạch sang Trung Quốc không phải dễ: “Họ không chỉ yêu cầu rất khắt khe về chất lượng sản phẩm mà còn đòi hỏi chúng ta phải kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh. Về quy trình thủ tục, họ yêu cầu các cơ quan chuyên môn ở VN - Cục Thú y, sớm rà soát và xử lý để họ có căn cứ tiến hành dỡ bỏ lệnh cấm. Sau đó, hai bên sẽ từng bước có những buổi tiếp xúc, đàm phán cụ thể hơn để tiến tới ký kết”.

Thực tế trước nay Trung Quốc chỉ nhập heo sống, nay đồng ý nhập thịt cấp đông; 2 loại sản phẩm hoàn toàn khác nhau nên trước mắt không giải quyết được khó khăn của ngành chăn nuôi. Báo cáo mới nhất của Bộ NN-PTNT cho biết: Chương trình “giải cứu” thịt heo do đơn vị này phát động, tính đến ngày 18.5, đã giải cứu được trên 200.000 tấn.

Đặc biệt, giá thịt heo đã tăng lên đáng kể từ 2.000 - 8.000 đồng/kg tại nhiều địa phương và có xu hướng tiếp tục tăng trong thời gian tới. Trong khi đó, nhiều hộ chăn nuôi nhỏ lẻ sau khi bán được heo đã treo chuồng không dám tái đàn.

Cơ hội thay đổi

Sự yếu kém và khó cạnh tranh của ngành chăn nuôi, nguy cơ xảy ra khủng hoảng thừa từ hoạt động xuất heo tiểu ngạch đã được các chuyên gia cảnh báo từ nhiều năm trước. Yêu cầu đặt ra là phải tổ chức lại sản xuất theo chuỗi giá trị; phải tăng cường thương mại chính ngạch, hạn chế buôn bán tiểu ngạch vì sẽ bị thương lái Trung Quốc làm loạn thị trường nội địa...

“Tất cả những cảnh báo đó đã bị phớt lờ. Đến khi gặp khủng hoảng và thiệt hại ước tính trên 10.000 tỉ đồng thì các hoạt động xúc tiến thương mại mới được thực hiện; việc này đúng là mất bò mới lo làm chuồng”, một chuyên gia nói.

Ông Văn Đức Mười cho rằng: Về mặt đàm phán kỹ thuật phải mất ít nhất 18 tháng. Các yêu cầu của Trung Quốc cũng phù hợp với thông lệ quốc tế. Để đáp ứng các yêu cầu đó, đòi hỏi chúng ta phải tổ chức lại sản xuất. Một khi chúng ta có thể xuất khẩu thịt heo đông lạnh đi Trung Quốc cũng có nghĩa là VN có đủ điều kiện để xuất khẩu đi các nước khác. Dù là khó khăn nhưng chúng ta nên tận dụng cơ hội này để hoạch định lại ngành chăn nuôi.

Ngoài các tiêu chuẩn về an toàn vệ sinh thực phẩm, kiểm soát dịch bệnh, ngành chăn nuôi còn phải tính đến cả các tiêu chuẩn về môi trường. Theo kinh nghiệm của các nước, họ sẽ phân vùng; theo đó mỗi vùng chỉ được nuôi một số lượng nhất định để hạn chế ô nhiễm và khủng hoảng thừa, ông Mười lưu ý.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Trí Công, dù sao đây cũng là cơ hội cho cả người chăn nuôi và nhà nước tự nhìn lại mình để thay đổi. Đối với người chăn nuôi, rõ ràng đây là ngành sản xuất có điều kiện. Có nghĩa là phải có đầu ra, thị trường ổn định và phải tuân thủ theo các yêu cầu, tiêu chuẩn của thị trường. Phải đảm bảo các điều kiện đó hoạt động chăn nuôi mới ổn định và phát triển.

Rõ ràng là không thể cứ thấy giá tăng là tăng đàn ồ ạt mà không quan tâm đầu ra. Không chỉ đáp ứng các đòi hỏi của Trung Quốc, xuất khẩu chính ngạch còn giúp VN tuân thủ quy tắc quốc tế. VN muốn xuất hàng qua Trung Quốc thì phải cạnh tranh về giá thành với các nước khác.

Tuy nhiên, theo ông Võ Chí Công, VN vẫn có lợi thế về khoảng cách nên chi phí và thời gian vận chuyển sẽ thấp hơn. Ở góc độ quản lý, nhà nước phải có chính sách hỗ trợ như xây dựng các vùng trọng điểm về xuất khẩu để tập trung quản lý về dịch bệnh, an toàn vệ sinh thực phẩm...

Heo sống đi đường vòng qua Trung Quốc

Theo ông Văn Đức Mười, hiện nay Trung Quốc bắt đầu nhập heo sống trở lại với số lượng khoảng 7.000 - 8.000 con/ngày. Heo xuất khẩu không đi đường thẳng từ VN sang Trung Quốc nữa mà đi vòng qua ngả Campuchia, Lào.

Đi đường vòng có khó khăn hơn nên số lượng không nhiều như trước. Giá heo hơi ở Trung Quốc hiện khoảng 50.000 đồng/kg, so với mức chênh lệch giá tại VN chỉ khoảng 25.000 đồng/kg; các thương lái vẫn có lời đáng kể./.

Chí Nhân