Quét sạch thịt lợn tiêm thuốc an thần
Đặc biệt, thời điểm Tết Mậu Tuất 2018 đang đến gần, các cơ quan chức năng cần vào cuộc mạnh mẽ, không thể để những miếng thịt chứa tồn dư thuốc an thần ra thị trường.
Ghê rợn “đại công trường” tiêm thuốc an thần
Trước vấn nạn tiêm thuốc an thần vào gia súc trước khi giết mổ, mới đây Bộ NN-PTNT đã rút giấy chứng nhận đăng ký lưu hành thuốc an thần dùng trong thú y có chứa hoạt chất Acepromazine tại Việt Nam với 7 sản phẩm của 7 nhà sản xuất và tạm ngừng sản xuất, nhập khẩu 1 năm đối với 3 sản phẩm thuốc an thần.
Nhớ lại “chiến dịch” dẹp loạn đại công trường tiêm thuốc an thần cho lợn tại khu giết mổ Xuyên Á (tại huyện Củ Chi, TP. Hồ Chí Minh) vào cuối tháng 9/2017, ông Phạm Tiến Dũng, Trưởng phòng Thanh tra Chuyên ngành (Thanh tra Bộ NN-PTNT) vẫn rùng mình.
Ông Phạm Tiến Dũng, Trưởng phòng Thanh tra chuyên ngành (Thanh tra Bộ NN-PTNT) |
“Hàng ngàn con lợn nằm phơi mình trên nền đất, giống như một bãi chiến trường. Chúng ngủ li bì, kiệt sức và không có khả năng phản kháng trước khi được đưa lên bàn mổ”, vị thanh tra miêu tả.
Tại thời điểm kiểm tra, đoàn công tác đã bắt quả tang 2 người đang tiêm thuốc cho heo, thu được nhiều tang vật liên quan đến việc sử dụng thuốc an thần gồm 6 lọ Combistress dung tích 50 ml vừa sử dụng (thành phần chính là Acepromazine, nhà sản xuất Kela.NV – Bỉ) và 51 vỏ chai nhựa Lactated Ringer’s loại 500ml (dùng để tiếp nước cho bệnh nhân) đã pha thuốc an thần được sử dụng.
Một số chai có chứa dung dịch màu vàng nhạt, 1 bơm tiêm tự động và 8 bơm tiêm loại 10ml. Trên nhãn lọ thuốc an thần có ghi cảnh báo của nhà sản xuất về thời gian ngừng sử dụng thuốc trước giết mổ và khai thác sữa là 24 giờ.
Nếu “phi vụ” tiêm thuốc an thần ở lò mổ Xuyên Á (chiếm 50% lượng thịt lợn tiêu thụ tại TP. Hồ Chí Minh) không được phát giác, một lượng thịt rất lớn của 3.750 con lợn tồn dư thuốc an thần (trong tổng số hơn 5.000 con lợn trước khi giết mổ) sẽ được phóng thích ra thị trường.
Ông Dũng cho biết: Người ăn loại thịt này về lâu dài có thể bị giãn nở các mạch máu, hạ huyết áp, hô hấp chậm, rối loạn giấc ngủ. Triệu chứng càng nghiêm trọng hơn đối với người già, bệnh nhân và trẻ em.
Nhập khẩu, sản xuất quá nhiều thuốc an thần
Theo Cục Thú y, thuốc an thần dùng trong thú y được sản xuất, nhập khẩu trong 5 năm qua, chủ yếu từ 2 nhà sản xuất là Công ty CP SX Kinh doanh vật tư và Thuốc thú y (Vemedim) và Công ty TNHH Thương mại thú y Tân Tiến (nhập khẩu).
Năm 2016, chỉ riêng Vemedim đã sản xuất 120.000 chai 20ml có chứa hoạt chất Acepromazine và 250.000 chai 50ml; 9 tháng đầu năm 2017, công ty này sản xuất 240.000 chai thuốc an thần, hiện đang tồn kho gần 28.000 chai. Bên cạnh đó, Công ty Tân Tiến cũng nhập hơn 18.000 chai thuốc an thần trong năm 2016 và 13.200 chai trong năm 2017… Đây là một lượng thuốc rất lớn.
Ông Phạm Tiến Dũng cho biết: Theo quy định tại Điều 104 của Luật Thú y: “Thuốc thú y phải được sử dụng theo hướng dẫn của nhà sản xuất, đơn thuốc của cá nhân hành nghề thú y, cơ quan quản lý chuyên ngành thú y”.
Hiện trường vụ tiêm thuốc an thần tại cơ sở Xuyên Á (huyện Củ Chi – TP Hồ Chí Minh) |
Như vậy, hành vi sử dụng thuốc an thần không theo hướng dẫn của nhà sản xuất, cơ quan quản lý chuyên ngành thú y để tiêm vào gia súc trước khi giết mổ là vi phạm pháp luật, có thể xử phạt theo quy định tại Điều 20 Nghị định số 90/2017/NĐ-CP ngày 31/7/2017. Mức xử phạt hành chính có thể lên tới 50 triệu đồng, kèm theo các hình phạt bổ sung như tiêu huỷ toàn bộ tang vật, đình chỉ hoạt động của cơ sở giết mổ.
Xử nghiêm cán bộ vô trách nhiệm
Ông Dũng cho rằng: Để xảy ra “công xưởng” tiêm thuốc an thần trong giết mổ heo ở cơ sở Xuyên Á là do sự phối hợp của các cơ quan quản lý an toàn thực phẩm (nhất là cán bộ thú y phụ trách) chưa tốt, yếu kém về năng lực và thờ ơ trong việc thực hiện nhiệm vụ. Bởi vậy, việc kiểm tra, xử lý nghiêm minh các cán bộ thất trách là rất cần thiết.
Liên quan đến “điểm nóng” giết mổ lợn Xuyên Á, mới đây Ban Giám đốc Sở NN-PTNT TP Hồ Chí Minh quyết định điều chuyển Chi cục trưởng Chăn nuôi - Thú y về làm Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản; khiển trách Phó Chi cục trưởng Chăn nuôi - Thú y. Giáng chức quyền trưởng Trạm Chăn nuôi - Thú y huyện Củ Chi. Cách chức Phó trưởng Trạm Chăn nuôi- Thú y huyện Củ Chi và điều động bố trí công tác khác.
Những động thái xử lý cán bộ mạnh tay của TP. Hồ Chí Minh cho thấy, TP rất đề cao công tác quản lý ATTP, bảo vệ sức khoẻ người tiêu dùng.
Từ ngày 23/10/2017, thuốc an thần không được phép sản xuất, nhập khẩu vào Việt Nam. Vì vậy, thị trường chỉ còn lưu hành các sản phẩm thuốc an thần tồn kho. Cục Thú y sẽ phối hợp với Chi cục Chăn nuôi- Thú y các địa phương kiểm tra, đảm bảo thuốc an thần được sử dụng đúng mục đích, đúng đối tượng.