|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Cái kết có thể xảy ra trong cuộc họp OPEC tuần này

08:00 | 19/06/2018
Chia sẻ
Những tranh cãi sẽ còn nổi lên từ nay đến khi cuộc họp OPEC diễn ra vào ngày 22/6 do các nước thành viên đều muốn được hưởng lợi. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia dự báo các nước sẽ đồng ý dần tăng sản lượng để bù đắp lượng dầu bị thiếu hụt.
cai ket co the xay ra trong cuoc hop opec tuan nay Giá dầu tuần tới: 'Số phận' của thỏa thuận giảm sản lượng sẽ được OPEC định đoạt
cai ket co the xay ra trong cuoc hop opec tuan nay 'Nội chiến' có xảy ra trong cuộc họp OPEC sắp tới?
cai ket co the xay ra trong cuoc hop opec tuan nay Trước thềm cuộc họp OPEC: Liệu dầu có được 'giải cứu'?

Theo CNBC, các quốc gia khai thác dầu thô lớn trên thế giới chuẩn bị bước vào cuộc họp OPEC đầy tranh cãi trong tuần này. Mặc dù vậy, một số chuyên gia phân tích vẫn tin rằng OPEC và 10 nước ngoài tổ chức, trong đó có Nga, sẽ đạt được thỏa thuận chung nhằm kiểm soát thị trường dầu thô thế giới.

cai ket co the xay ra trong cuoc hop opec tuan nay
Cái kết có thể xảy ra trong cuộc họp OPEC cuối tuần này. Ảnh: CNBC.

Việc các nước tuân thủ nghiêm túc thỏa thuận giảm sản lượng đã giúp hạn chế lượng dầu thừa toàn cầu, đồng thời giá dầu cũng được đẩy lên cao. Thỏa thuận này bắt đầu từ tháng 1/2017 và dự kiến hết hiệu lực vào cuối năm nay. Tuy nhiên, những bất ổn chính trị khiến nguồn cung dầu một số nước bị thiếu hụt, kéo theo Nga và Arab Saudi cân nhắc khả năng nới lỏng thỏa thuận giảm sản lượng.

Trên thực tế, trong suốt một năm rưỡi qua, lượng dầu thô được cắt giảm đã vượt so với mức cam kết là 1,8 triệu thùng/ngày.

Cuộc họp OPEC thu hút đông đảo sự chú ý do lượng dầu của tổ chức này chiếm tới 40% tổng sản lượng toàn cầu. Vì vậy, quyết định của OPEC sẽ ảnh hưởng rất lớn tới thị trường dầu.

Có lẽ vì lo ngại giá xăng trong nước tăng lên đỉnh 3,5 năm, khoảng 3 USD/gallon, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đổ lỗi cho OPEC về vấn đề này.

Căng thẳng nội bộ OPEC leo thang

Cuộc họp tuần này được dự báo sẽ đầy căng thẳng, đặc biệt là đối với Arab Saudi khi nước này phải cân nhắc giữ mối quan hệ hòa hảo với Nga và Mỹ.

Nhiều người lo ngại lịch sử cuộc họp OPEC vào tháng 6/2011 sẽ tái diễn khi đại biểu các nước ra về mà không đạt được bất kỳ một thỏa thuận nào.

Cả Nga và Arab Saudi đều ủng hộ ý kiến tăng sản lượng nhằm tăng thị phần. Tuy nhiên, Iran, Iraq và Venezuela phản đối ý kiến này. Cả Venezuela và Iran đang đối mặt với nguy cơ nguồn cung bị thiếu hụt do khủng hoảng kinh tế và lệnh trừng phạt từ Mỹ.

Tuần trước, Bộ trưởng Dầu khí Iraq - ông Jabbar al-Luaibi, chỉ trích việc tăng sản lượng dầu thô có thể làm tổn hại đến thị trường dầu quốc tế.

Chuyên gia năng lượng hàng đầu Daniel Yergin, Phó Chủ tịch hãng HIS, tin rằng Arab Saudi sẽ ủng hộ phương án giữ giá dầu Brent ở khoảng 75 - 85 USD/thùng. Điều này sẽ giúp Arab Saudi đạt được mục tiêu của mình, trong đó có duy trì mối quan hệ với chính quyền ông Trump.

“Arab Saudi rất muốn Mỹ áp lệnh trừng phạt lên Iran, đồng nghĩa, nguồn cung dầu của Iran bị thắt chặt và Arab Saudi sẽ 'chen chân' lấp đầy khoảng trống”, ông Yergin nhận định.

Những tranh cãi sẽ còn diễn ra từ nay đến hôm 22/6 do các nước thành viên đều muốn hưởng lợi. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia dự báo các nước sẽ đồng ý dần tăng sản lượng để bù đắp lượng dầu bị thiếu hụt.

Ông Ed Morse, trưởng bộ phận nghiên cứu hàng hóa thuộc Citigroup, cho rằng Arab Saudi, Kuwait và Các tiểu Vương quốc Arab Thống nhất (UAE) có thể tăng sản lượng thêm 500.000 thùng/ngày.

Michael Cohen, giám đốc nghiên cứu thị trường tại Ngân hàng Barclays, nhận định khả năng giá dầu tăng lên khoảng 80 - 85 USD/thùng là khó xảy ra do OPEC có thể tăng sản lượng thêm 700.000 - 800.000 thùng/ngày từ nay đến cuối năm. Nếu đúng như vậy, Ngân hàng Barclays dự đoán giá dầu Brent sẽ chỉ dao động trong khoảng 65 - 70 USD/thùng trong năm 2018 và 2019.

Xem thêm

Đức Quỳnh