|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Các yếu tố chi phối thị trường chứng khoán trong năm 2017

06:55 | 17/01/2017
Chia sẻ
Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) vừa công bố báo cáo triển vọng năm 2017 trong đó có đề cập đến những yếu tố chi phối thị trường chứng khoán.

Bất ổn kinh tế Trung Quốc – rủi ro đáng lưu ý nhất của năm

Nợ ở Trung Quốc, đặc biệt là nợ doanh nghiệp đã bùng nổ, tăng lên mức báo động trong các năm gần đây, đang ở mức cao chưa từng có theo bất kỳ tiêu chuẩn quốc tế nào. Tổng nợ của Trung Quốc đang ở mức 250% GDP. Tuy nhiên, nợ công không phải là vấn đề lớn khi mới ở mức khá khiêm tốn, 55%. Con số đáng quan ngại là khối lượng khổng lồ của nợ doanh nghiệp, ở mức 165%.

Kịch bản nhiều khả năng sẽ xảy ra là sự “xì hơi” của bong bóng bất động sản, kéo theo đó là nợ xấu gia tăng và tình trạng giảm phát. Các tập đoàn, doanh nghiệp và ngân hàng Trung Quốc sẽ phải chịu gánh nặng trả nợ trong một thời gian dài, tương tự những gì đã xảy ra với Nhật Bản trong thập kỷ trì trệ vừa qua. Nếu Chính phủ Trung Quốc mất khả năng kiểm soát, khủng hoảng nợ thực sự xảy ra sẽ gây nên những hệ lụy khó lường đến không chỉ nền kinh tế nước này mà ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Kinh tế Việt Nam cũng sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề khi có nhiều hoạt động thương mại, tài chính chặt chẽ với Trung Quốc.

Tác động từ các chính sách của Mỹ – ảnh hưởng có phần tiêu cực

Chính sách kinh tế của Mỹ dự kiến sẽ có nhiều thay đổi dưới thời tân Tổng thống Donald Trump với triển vọng về việc đẩy mạnh các chính sách kích thích tài khóa, cắt giảm thuế, tăng chi tiêu công và đầu tư cơ sở hạ tầng...

Riêng đối với Việt Nam, việc ông Trump lên làm Tổng thống sẽ có 2 ảnh hưởng chính. Thứ nhất là về mặt thương mại, việc gần như chắc chắn TPP sẽ không được thông qua khiến Việt Nam mất đi cơ hội hội nhập sâu rộng từ một Hiệp định Thương mại tự do mang tính toàn diện. Thứ 2, xu hướng mạnh lên của đồng USD, nếu tiếp diễn trong trung hạn sẽ gây ra nhiều áp lực đối với câu chuyện tỷ giá trong nước. Đây là một rủi ro vĩ mô đáng chú ý trong năm 2017.

Đánh giá một cách tổng quan, BVSC cho rằng ảnh hưởng từ nhiệm kỳ Tổng thống Trump đối với các thị trường mới nổi nói chung và thị trường Việt Nam nói riêng phần nhiều mang màu sắc tiêu cực. Mặc dù vậy, vốn nổi tiếng là một người khó đoán định, tác động thực sự của nhiệm kỳ Tổng thống Trump chỉ thực sự rõ ràng sau khi ông chính thức nhậm chức.

Triển vọng giá dầu – nghiêng về xu hướng phục hồi nhẹ

Đánh giá của các tổ chức tài chính lớn khác trên thế giới mặc dù không bi quan nhưng cũng không quá lạc quan về triển vọng giá dầu trong năm sau. Tuy nhiên, biến động mạnh ở thị trường dầu mỏ trong thời gian gần đây đã khiến ngay cả các tổ chức tài chính lớn cũng liên tục thay đổi quan điểm về giá dầu. Đơn cử như Goldman Sachs trong 1 tuần đã 2 lần thay đổi dự đoán về giá dầu. Năm 2017 giá dầu tiếp tục được dự đoán sẽ có biến động mạnh. Mặc dù vậy, so với năm 2016, BVSC cho rằng xu hướng hồi phục sẽ chiếm ưu thế. Mặt bằng bình quân của giá dầu có thể sẽ tăng từ mức xấp xỉ 46 USD/thùng trong năm 2016 lên vùng 50-53 USD/thùng (khoảng 10-15%) trong năm 2017.

Đối với nhóm cổ phiếu dầu khí, mặc dù giá dầu cần tiếp tục hồi phục lên mức cao hơn nữa, hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong ngành mới thực sự khởi sắc. Tuy nhiên, giai đoạn khó khăn nhất của doanh nghiệp ngành này nhiều khả năng đã qua. Trong bối cảnh cổ phiếu dầu khí vẫn ở mức thấp, đây có thể là cơ hội đầu tư dài hạn đối với các cổ phiếu có nền tảng cơ bản tốt, chỉ tiêu tài chính lành mạnh.

Mặt bằng giá cổ phiếu – không còn rẻ nhưng cũng chưa phải là đắt

Chỉ số VN-Index nằm trong xu hướng hồi phục từ đầu năm 2012 cho đến hết năm 2016 với mức tăng 95% từ 365 điểm lên 665 điểm. Diễn biến tăng điểm mạnh mẽ trên khiến P/E của chỉ số Vnindex tăng từ mức 8,7 lần giai đoạn đầu năm 2012 lên mức 15,9 lần cuối năm 2016. Tương ứng, P/E của chỉ số Vnindex thuộc nhóm thấp nhất trong số các thị trường mới nổi trong khu vực giai đoạn đầu năm 2012, đã tăng lên tốp trên ở thời điểm hiện tại. Mặc dù vậy, nếu so với các thị trường đang phát triển như Thái Lan, Indonesia, Philippine thì P/E của Vnindex vẫn thấp hơn tương đối.

Diễn biến trên khiến sức hấp dẫn của TTCK Việt Nam giảm dần nếu chỉ nhìn trong top các thị trường mới nổi, đặc biệt đối với các quỹ ngoại. Có thể thấy từ năm 2012 đến nay giá trị mua ròng của khối ngoại trên sàn HoSE giảm dần qua các năm và khối này đã chuyển sang bán ròng trong năm 2016. Mặc dù vậy, với tiềm năng được nâng hạng trong tương lai không xa, triển vọng tăng trưởng của nền kinh tế cũng như sự khởi sắc trong hoạt động sản xuất kinh doanh các doanh nghiệp, BVSC cho rằng mặt bằng giá cổ phiếu của TTCK Việt Nam chưa phải là đắt. Tuy nhiên, hoạt động mua ròng mạnh mẽ của khối ngoại trong các năm trước khó có thể được duy trì trong năm 2017 nếu chưa có cơ sở mới tạo kỳ vọng cho câu chuyện nâng hạng.

Triển vọng nâng hạng TTCK Việt Nam – yếu tố tạo kỳ vọng

Mặc dù triển vọng được nâng hạng là khá rõ nét, tuy nhiên quá trình xem xét nâng hạng khả năng sẽ kéo dài và còn khá nhiều vấn đề TTCK Việt Nam cần nỗ lực khắc phục để được MSCI chấp thuận. Trước mắt (2-3 năm tới), nếu đạt được các bước tiến cụ thể, có thể kỳ vọng MSCI sẽ đưa Việt Nam vào review list. Đây có thể coi là yếu tố tạo kỳ vọng, hỗ trợ thị trường trong năm 2017.

Mở room ngoại ở một số doanh nghiệp cụ thể, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước và lộ trình niêm yết của các doanh nghiệp lớn – tiếp tục hỗ trợ thị trường

Câu chuyện mở room, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước và các hoạt động IPO, niêm yết trên sàn chứng khoán của các doanh nghiệp lớn đã có tác động tích cực đến diễn biến thị trường trong 2 năm trở lại đây và vẫn sẽ là chủ đề thu hút được nhiều sự quan tâm trong năm 2017.

Kỳ vọng Chính phủ sẽ ban hành các chính sách kích thích, hỗ trợ hoạt động nới room của doanh nghiệp trong năm 2017, thúc đẩy sự sôi động của TTCK, đặc biệt ở các ngành như ngân hàng, bảo hiểm, săm lốp, dệt may, nhựa, thực phẩm đồ uống…

Bên cạnh đó, dự kiến năm 2017, Việt Nam sẽ đón nhận nhiều phiên IPO của các doanh nghiệp nhà nước lớn. Ngoài ra, năm 2017 sẽ chứng kiến nhiều doanh nghiệp đã IPO và đã có kế hoạch rục rịch lên sàn như Petrolimex, Vinatex và VEAM… Như vậy có thể thấy sẽ có rất nhiều doanh nghiệp tên tuổi sẽ xuất hiện trên sàn trong năm tới. Tương tự như trường hợp của SAB, BHN, có thể kỳ vọng nhóm các doanh nghiệp này sẽ tiếp sức cho đà tăng của thị trường. Mặc dù vậy, rủi ro nguồn cung tăng mạnh trong khi dòng tiền trong ngắn hạn chưa được cải thiện cũng có thể sẽ gây ra các tác động tiêu cực đến thị trường trong ngắn hạn.

Triển vọng tham gia các FTAs mới – tích cực nhưng không thể bù lấp được những kỳ vọng như TPP đã tạo ra

Sau khi ông Trump chiến thắng trong cuộc tranh cử Tổng thống Mỹ, triển vọng Hiệp định Thương mại tự do TPP được đưa vào thực thi đã gần như không còn. Mặc dù vậy, Việt Nam vẫn còn những FTAs khác, trong khi FTAAP vẫn còn một chặng đường dài trước khi có thể đi đến những vòng đàm phán cuối cùng thì khả năng ký kết RCEP có thể trở thành hiện thực trong một tương lai gần (kỳ vọng trong năm 2017).

RCEP được kỳ vọng sẽ mang lại những cơ hội mới cho Việt Nam thông qua việc mở cửa để nhập hàng hóa giá rẻ hơn nhất là những mặt hàng đầu vào cho sản xuất (như thép từ Trung Quốc, nhựa từ Hàn Quốc và Nhật Bản); mở rộng thị trường đầu tư và xuất khẩu với nhu cầu hàng hóa và dịch vụ đa dạng hơn; tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị và sản xuất trong khu vực, tăng cường hợp tác kỹ thuật; và tạo dựng môi trường kinh doanh thân thiện hơn nhờ hài hòa các quy định hiện hành và áp dụng các quy định đó trong khuôn khổ các FTA khác nhau của ASEAN.

Mặc dù vậy, RCEP cũng sẽ mang lại nhiều thách thức đối với Việt Nam do trình độ công nghiệp còn thấp, quy mô sản xuất tương đối nhỏ và năng lực hạn chế. Trong khi đó, chất lượng và khả năng quản trị rủi ro ở lĩnh vực dịch vụ kém xa so với mặt bằng chung trên thị trường quốc tế….

Bình An