|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Các trung tâm thương mại Mỹ đang trên bờ vực đóng cửa?

16:45 | 07/06/2017
Chia sẻ
Hoạt động kinh doanh của các trung tâm thương mại sẽ chấm dứt ở Mỹ?
cac trung tam thuong mai my dang tren bo vuc dong cua
(Nguồn: USA TODAY/AFP/Getty Images)

Các trung tâm tiện ích, địa điểm được nhiều thế hệ người mua hàng yêu thích, đang rơi vào khó khăn với việc nhiều cửa hàng bán lẻ đóng cửa và số lượng hàng bán trực tuyến gia tăng.

Tuần trước, người khổng lồ dịch vụ tài chính toàn cầu Credit Suisse dự đoán rằng hơn 25% trung tâm thương mại của Mỹ sẽ đóng cửa vào năm 2022. Tuy nhiên, các chuyên gia ngành mua sắm nói rằng nhiều trung tâm thương mại vẫn duy trì ổn định và sẽ bắt kịp với xu hướng phát triển của thị trường.

Bắt đầu từ những năm 1950 đến những năm 1970, trung tâm thương mại trở thành địa điểm gặp mặt của giới trẻ, trung tâm mua sắm tiện ích dành cho cha mẹ. Cùng với đó là thách thức ngày càng gia tăng đối với các nhà bán lẻ nhỏ ở thành phố và thị xã trên cả nước.

Các thương hiệu,bao gồm Macy’s, Sears và J.C. Penny, có cửa hàng lâu đời trong nhiều trung tâm thương mại hiện đang cắt giảm hàng trăm cửa hàng. Theo nguồn tin nội bộ, tập đoàn Sears sẽ dừng hoạt động của 66 cửa hàng để mang lợi nhuận trở lại, bao gồm 49 cửa hàng Kmart và 17 của Sears. USD TODAY cho biết, hầu hết việc đóng các cửa hàng sẽ được tiến hành vào tháng 9.

Tương tự, người khổng lồ đồ điện tử Radio Shack đã đóng hơn 1.000 địa điểm kể từ ngày lễ Tưởng niệm, như một phần trong tiến trình phá sản lần hai trong 2 năm.

Kết quả này một phần là do lượng cửa hàng bán trực tuyến gia tăng khi các cửa hàng truyền thống phát triển chiến lược bán hàng đa kênh, giúp khách hàng có thể mua đồ qua điện thoại di động, máy tính, điện thoại bàn hoặc mua hàng trực tiếp tại cửa hàng.

“Internet là kẻ thù của các trung tâm mua sắm. Khách hàng sẵn sàng mua trực tuyến bất cứ thứ gì”, ông Mark Cohen, giám đốc phòng nghiên cứu hoạt động bán lẻ ở Columbia Business School, New York, cho biết.

cac trung tam thuong mai my dang tren bo vuc dong cua

Thảo luận về điều ông gọi là khủng hoảng sự tồn tại của việc kinh doanh, ông Cohen dự đoán rằng nhiều nhất là 230 – 240 trung tâm thương mại của Mỹ “sẽ vẫn tồn tại” khi việc cải tổ ngành chấm dứt. Theo số liệu của công ty CoStar, hiện tại Mỹ có 1.211 trung tâm thương mại, giống với số liệu năm ngoái.

Báo cáo của Credit Suisse ước tính cũng cho một kết quả ảm đạm và việc các trung tâm đóng cửa diễn ra nhanh hơn, dựa theo dự đoán về doanh số bán hàng của ngành may mặc, ngành truyền thống trong các trung tâm mua sắm của Mỹ. Ông Christian Buss, chuyên gia phân tích của Credit Suisse, nhận định doanh số bán quần áo thông qua thương mại điện tử sẽ tăng từ 17% tổng khối lượng các giao dịch hiện tại lên khoảng 35,7% trong vòng 15 năm tới.

Cùng với đó, doanh số của các cửa hàng bán đồ giảm giá và thời trang bắt kịp xu hướng (fast fashion) tăng từ khoảng 20% tổng doanh số bán hàng của ngành quần áo hiện tại lên 30% trong gần một thập kỷ nữa. Ông Buss cho biết thêm, các cửa hàng chuyên về các sản phẩm này, như TJ Maxx được phân bổ không cân đối trong các trung tâm thương mại.

Thói quen mua hàng của người tiêu dùng cũng thay đổi. Hiện tại, người tiêu dùng sẽ tập trung ghé thăm các địa điểm, trung tâm mua sắm hạng A, để cảm nhận sự cải thiện về trải nghiệm mua sắm.

Tuy nhiên, các trung tâm thương mại vẫn tự tin rằng ngành mua sắm sẽ tiếp tục phát triển bất chấp những thách thức về tài chính và thói quen mua sắm của người tiêu dùng thay đổi.

Công ty xây dựng trung tâm thương mại Simon Property công bố trong tháng 4 rằng số hoạt động cho thuê các địa điểm tại trung tâm thương mại trong quý I là 95,6%; không thay đổi so với năm ngoái. “Chúng tôi vẫn thấy nhu cầu mạnh mẽ trong ngành của mình. Hoạt động cho thuê vẫn ổn định”, CEO của công ty, ông David Simon trả lời phỏng vấn của tờ Wall Street.

Một lượng lớn các trung tâm thương mại của Mỹ sẽ đóng cửa, nhưng những địa điểm đó thường ở những nơi có doanh số bán lẻ thấp, ông Kevin Bery, người phát ngôn của General Growth Properties, nhận định.

Theo báo cáo của cơ quan xếp hạng tín nhiệm Fitch được công bố trong tuần này, xu hướng thương mại điện tử khiến một số cửa hàng bán lẻ giảm số cửa hàng của mình trên toàn nước Mỹ. Sự thiếu hụt từ tăng trưởng doanh thu từ cho thuê gian hàng cũng sẽ là vấn đề lớn đối với các khu trung tâm thương mại hạng B và trung tâm bán lẻ ở xa trung tâm vì họ sẽ mất người thuê địa điểm.

Mặc dù vậy, Fitch đưa ra ý kiến trung lập về sự phát triển của ngành bán lẻ.

“Khoảng 70% doanh thu bán lẻ sẽ vẫn được thu về thông qua các cửa hàng truyền thống vào năm 2020, so với khoảng 80% tại thời điểm này. Nhiều người tiêu dùng vẫn lấy việc mua sắm là một hoạt động giải trí, bên cạnh đó một lượng lớn doanh số bán hàng trực tuyến đến từ các chuyến ghé thăm thực tế qua cửa hàng”, giám đốc quản lý của Fitch, ông Steven Marks cho biết.

Ngoài ra, CEO của ICSC Tom McGee chỉ ra nhiều trung tâm mua sắm của Mỹ đưa ra những chiến dịch thay đổi lớn dành cho người tiêu dùng, làm tăng sức mua hàng của họ. Bên cạnh đó, khi các trung tâm mua sắm mất đi các cửa hàng bán lẻ, họ chuyển vị trí trống mới sang cho các nhà hàng và dịch vụ giải trí.

Ít nhất, số liệu từ Bộ Lao động Mỹ ủng hộ cho sự thay đổi này. Việc làm ngành bán lẻ giảm gần 1% trong tháng 1, và giảm trong khoảng 0,23% - 0,38% từ các tháng sau đó. Cùng với đó, số liệu BLS chỉ ra việc làm hàng tháng trong năm 2017 tăng 2,17% và 2,29% trong ngành dịch vụ đồ ăn và các cửa hàng đồ uống.

Lyly Cao