Thua lỗ kéo dài, doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu đề xuất mức chiết khấu tối thiểu 5-6%
Tại hội thảo góp ý Dự thảo Nghị định 95/2021 và Nghị định 83/2014 sáng 14/2, ông Hà Thanh Tùng, lãnh đạo một công ty xăng dầu tỉnh Hà Giang, đại diện cho nhóm 9.000 cửa hàng bán lẻ xăng dầu cho biết nhóm này chiếm 53% tổng số cửa hàng bán lẻ trên cả nước (17.000).
Chi phí vận hành một cửa hàng xăng dầu trong một tháng khoảng 100 triệu đồng. Trong thời gian qua, mức chiết khấu thấp, doanh nghiệp không có nguồn thu, có thời điểm nhóm doanh nghiệp này thua lỗ tới 900 tỷ đồng/tháng.
“Dù biết rằng trong kinh doanh có lúc lỗ, lúc lãi nhưng chúng tôi đã lỗ hơn một năm nay. Trong quý IV/2022, các thương nhân đầu mối, phân phối lãi hàng nghìn tỷ, còn doanh nghiệp bán lẻ lại lỗ tương đương, thậm chí còn đứng trước nguy cơ bị rút giấy phép, ngừng kinh doanh vì lỗ. Nếu 9.000 cửa hàng bán lẻ ngừng kinh doanh, chuỗi cung ứng sẽ đứt gãy, tác động tới nền kinh tế”, ông Tùng nói.
Ngoài vấn đề chiết khấu, ông Hà Thanh Tùng cho rằng các doanh nghiệp đầu mối, thương nhân phân phối đang được hưởng đủ nhiều đặc quyền, họ có thể dừng bán sỉ, cung cấp hàng cho cửa hàng bán lẻ mà không bị xử lý, còn doanh nghiệp bán lẻ phải mở bán liên tục trong mọi tình huống, dừng bán là bị xử phạt.
Mặt khác, một điểm bất cập khác là doanh nghiệp bán lẻ chỉ được lấy hàng từ một thương nhân phân phối, điều này có nghĩa thương nhân chiết khấu cho bao nhiêu thì được bấy nhiêu, doanh nghiệp bán lẻ không được thỏa thuận, đồng thời cũng triệt tiêu sự cạnh tranh trong kinh doanh.
Ông Hà Thanh Tùng mong muốn cơ quan nhà nước công nhận sự tồn tại của doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu với quyền và nghĩa vụ bình đẳng với thương nhân phân phối, đầu mối thông qua việc tính lợi nhuận định mức, chi phí kinh doanh cho cả khâu bán lẻ.
Cụ thể, ông Tùng kiến nghị chi phí kinh doanh định mức cho doanh nghiệp bán lẻ được 3-3,5% theo giá xăng dầu, lợi nhuận định mức khoảng 2-2,5%. Đồng thời cho phép doanh nghiệp bán lẻ được lấy hàng từ ba nguồn để đảm bảo thị trường ổn định, không ai có thể chiếm lĩnh, độc quyền ở thị trường.
Cùng góp ý về vấn đề chiết khấu cho doanh nghiệp bán lẻ, ông Giang Chấn Tây, Giám đốc Công ty TNHH MTV Bội Ngọc (Trà Vinh) cho rằng mức chiết khấu tối thiểu là công cụ để doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu hoạt động trong mọi tình huống biến động của giá dầu thế giới. Vị này đề xuất mức chiết khấu tối thiểu không dưới 5-6%/giá bán lẻ.
Trong đó, phần chiết khấu tối thiểu là phần cứng và là công cụ quản lý nhà nước hữu hiệu được đề xuất trong công thức giá cơ sở, nhằm đảm bảo cho mọi hoạt động của cả hệ thống kinh doanh xăng dầu được ổn định, công bằng. Phần chiết khấu còn lại là sự cơ động, linh hoạt của các nhà cung cấp để cạnh tranh giành thị phần. Đây chính là phần thị trường và là phần tăng thêm được hưởng của doanh nghiệp bán lẻ.
"Cho dù là Nhà nước quy định giá bán lẻ hay là thả nổi giá để tự doanh nghiệp quyết định thì ai dám chắc rằng các đầu mối sẽ cho chiết khấu cao hơn điểm hòa vốn", ông Tây nói.
Giám đốc Công ty Bội Ngọc cho rằng muốn đưa ra mức chiết khấu phù hợp thì chi phí lưu thông trong công thức tính giá cơ sở cần phải được chia cho cả ba khâu doanh nghiệp đầu mối, thương nhân phân phối và doanh nghiệp bán lẻ.
Ông Tây lấy dẫn chứng hiện nay chi phí lưu thông chung đang ở mức 1.350 đồng/lít xăng, gồm có lợi nhuận định mức là 300 đồng/lít và 1.050 đồng chi phí lưu thông/lít xăng. Vị này cho rằng chỉ cần phân chia trong công thức giá cơ sở đã xây dựng ra thành ba phần ở các khâu theo tỷ lệ phù hợp với sự đóng góp trong cả hệ thống sẽ có thể giải quyết được vấn đề của thị trường xăng dầu.
“Trong Nghị định không ghi rõ tỷ lệ nên doanh nghiệp đầu mối hưởng hết khi họ lỗ, và khi lãi thì doanh nghiệp lại dùng để bù vào lỗ cho chu kỳ trước”, ông Tây nói.
Do vậy, Giám đốc Công ty Bội Ngọc đề nghị phân chia rõ tỷ lệ ở các khâu về chi phí lưu thông định mức và riêng khâu bán lẻ là cộng thêm 5%/giá xăng dầu - tương đương với 1.180 đồng/lít theo giá hiện nay.
Tại hội nghị, ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng thư ký, Trưởng ban pháp chế Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết một số doanh nghiệp xăng dầu chia sẻ với ông rằng hơn hai mươi năm kinh doanh xăng dầu, chưa khi nào gặp tình huống phải bỏ tiền túi ra để mua xăng dầu và bán lỗ theo yêu cầu của cơ quan quản lý.
Ông Tuấn cho rằng thời gian vừa qua, thị trường xăng dầu đứt gãy do giá bán thấp hơn chi phí và việc xử phạt những cây xăng ngừng bán chỉ là giải pháp tình thế.
“Mệnh lệnh hành chính có thể khiến doanh nghiệp làm việc theo ý muốn của Nhà nước, nhưng nó chỉ là giải pháp tình thế. Mệnh lệnh hành chính không thể bền vững bằng những động lực của thị trường.
Vì vậy, thể chế phải làm sao nuôi dưỡng được doanh nghiệp, tạo động lực cho doanh nghiệp muốn bán hàng, dự trữ; muốn đầu tư, cạnh tranh và muốn phục vụ tốt nhất lợi ích của người tiêu dùng. Do vậy, giải pháp bền vững là trả lại cơ chế vận hành của thị trường”, ông Tuấn nói.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/