|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu: Chúng tôi phải có lãi mới có thể chia chiết khấu cho doanh nghiệp bán lẻ

13:20 | 14/02/2023
Chia sẻ
Theo một số doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu thời, thời gian qua họ cũng phải chịu lỗ nặng do biến động tỷ giá và giá dầu trên thế giới. Do đó, việc chia chiết khấu cho các doanh nghiệp bán lẻ cũng trở nên khó khăn.

Xung quanh vấn đề các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu phản ánh chiết khấu thấp khiến hoạt động kinh doanh thua lỗ, phát biểu tại hội nghị góp ý dự thảo nghị định sửa đổi về kinh doanh xăng dầu ông Nguyễn Hồng Nam, Trưởng ban chính sách kinh doanh của Tập đoàn xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) cho biết bản thân các doanh nghiệp đầu mối cũng đang khó khăn.  

Theo quy định hiện nay thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu phải dự trữ tồn kho 20 ngày. Tuy nhiên, trong công thức tính giá lấy giá biên độ quá mạnh. Do đó, nếu giá xuống thì doanh nghiệp chịu lỗ rất lớn vì hàng tồn kho giá cao. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng không đủ nguồn lực để chia sẻ chiếu khấu cho doanh nghiệp bán lẻ. 

Theo ông, việc thay đổi giá 7 ngày hay 15 ngày không quan trọng bằng việc công thức tính giá có khả năng bao quát được tồn kho cho doanh nghiệp. 

“Doanh nghiệp bán lẻ đòi chiết khấu nhưng nếu chúng tôi có lãi thì mới chia được. Trong khi đó, thời gian qua chúng tôi cũng lỗ nặng. Gia đoạn vừa rồi chúng tôi cũng phải chịu áp lực”, ông nói. 

Ông Nam cũng nói thêm thời gian qua việc nhập khẩu khó khăn vì giá rất cao, chênh lệch tỷ giá lớn. Ngoài ra, theo ông cũng cần tính đến chiết khấu cho phần còn lại của chuỗi cung ứng xăng dầu là các thuơng nhân phân phối và các thương nhân phân phối. 

“Đối với chi phí định mức, khi tính đến chiết khấu ổn định cho các doanh nghiệp bán lẻ thì cũng cần đảm bảo cho các thành phần còn lại là thương nhân phân phối hay thương nhân đối mối, đủ một quá trình lưu thông. Khi chúng tôi có đầy đủ phần giá trị thì mới có thể chia sẻ được với cho các thương nhân bán lẻ”, ông Nam nói. 

Đối với đề xuất cho phép các doanh nghiệp bán lẻ nhập từ nhiều nguồn khác nhau để tối ưu hoá lợi nhuận, theo ông vấn đề này sẽ gây khó khăn cho cơ quan quản lý. 

Cũng là một trong những doanh nghiệp đầu mối, đại diện củaCông ty TNHH MTV Dầu khí TPHCM (Saigon Petro) cho biết vừa qua công ty cũng phải chịu lỗ trong 6 tháng cuối năm. 

Theo ông Phạm Văn Thoại, Chủ tịch HĐQT  Saigon Petro, mặc dù 33 doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu xăng dầu nhưng số doanh nghiệp thực sự nhập hàng về trong thời gian qua chỉ khoảng 15 doanh nghiệp do khó khăn về tài chính. Nếu nhập khẩu theo đúng quy định thì phải đi vay mượn trong khi đó việc tiếp cận vốn ngân hàng khó khăn. 

“Các doanh nghiệp bán lẻ ý kiến việc chiết khấu thấp hoặc không có chiết khấu thì cũng nên hiểu cho chúng tôi. Chúng tôi cũng phải chịu lỗ trong 6 tháng cuối năm 2022 và phải có trách nhiệm nhập khẩu với cái giá trên trời, rất khó để nhập. Ngoài ra, nhập khẩu về bằng tiền USD trong khi đồng tiền này thời gian qua liên tục tăng”, ông Thoại cho biết. 

“Tôi rất chia sẻ với doanh nghiệp bán lẻ khi thời gian qua khó khăn và mong muốn chiết khấu cao hơn. Thế nhưng chúng tôi phải có lãi thì mới chia được; bản thân chúng tôi cũng lỗ”, ông Thoại nói. 

Ngoài ra, ông Thoại cũng kiến nghị cơ quan chức năng đánh giá lại hiệu quả của Quỹ bình ổn giá. 

“Nên xem lại Quỹ Bình ổn giá còn phù hợp hay không còn nếu đưa về theo giá thị trường thì không phải một sớm một chiều mà cần có sự điều tiết dần dần”, ông Thoại nói.

H.Mĩ