Các thị trường bất động sản mới nổi tại Châu Á đang diễn biến ra sao?
Tăng trưởng giá nhà ở mới tại Trung Quốc đã phá vỡ chuỗi suy yếu kéo dài 4 tháng
Khi lo ngại về tăng trưởng và chiến tranh thương mại Mỹ - Trung leo thang đe dọa sự phục hồi của các thị trường mới nổi trong năm 2019, bất động sản dần trở thành một nhân tố quan trọng để theo dõi các dấu hiệu suy yếu của thị trường.
Các nền kinh tế đang phát triển, từ Thái Lan, Indonesia đến Dubai, đều đang phải đối mặt với doanh số bất động sản sụt giảm do tăng trưởng trong nước suy yếu.
Bloomberg đã tổng hợp lại tình hình thị trường bất động mới nổi tại châu Á.
Trung Quốc
Tăng trưởng giá nhà ở mới tại Trung Quốc đã phá vỡ chuỗi suy yếu kéo dài 4 tháng. Đây được xem là một trong những dấu hiệu chính thức đầu tiên cho thấy sự phục hồi rộng rãi trên thị trường nhà ở Trung Quốc.
Sự phục hồi được nhận thấy rõ rệt hơn ở các thành phố cấp hai và cấp ba, nơi chính quyền địa phương ngày càng tìm cách nới lỏng các chính sách liên quan tới thị trường bất động sản nhằm bù đắp tổn thất từ các dự án cải tạo thành phố đã xuống cấp.
Thái Lan
Ngân hàng Thái Lan đã ban hành kế hoạch vào tháng 10 để áp các qui tắc cho vay thế chấp chặt chẽ hơn vào năm 2019 bởi các quan chức nước này nhận thấy khả năng thị trường nhà ở có dấu hiệu bong bóng trong tương lai.
Cơ chế mới sẽ đảm bảo các kế hoạch phát triển dân cư trong tầm kiểm soát trong bối cảnh kinh tế toàn cầu ngày càng ảm đảm.
Công ty bất động sản Colliers International cho biết trong báo cáo lợi nhuận quí IV rằng số lượng chung cư mới sẽ giảm 24% trong năm nay bởi số bất động sản chưa bán được đang chồng chất.
Indonesia
Thị trường bất động sản lớn nhất tại Đông Nam Á đang trong tình trạng khó khăn, với doanh số bán bất động sản giảm 5,78% trong quí IV so với ba tháng trước đó, theo dữ liệu của ngân hàng trung ương nước này.
Fitch Ratings cho rằng lãi suất cho vay tăng, biến động tiền tệ, giá hàng hóa thấp và kết quả bầu cử là những yếu tố tác động đến nhu cầu trong nửa đầu năm 2019.
Trong một báo cáo công bố ngày 24/4, Fitch Ratings nhận định, kết quả bất ổn sau cuộc bầu cử tổng thống có thể tác động đến việc xây dựng cơ sở hạ tầng và lợi nhuận của nhà thầu trong trung hạn.
Ấn Độ
7 thành phố hàng đầu của Ấn Độ đã ghi nhận mức tăng trưởng doanh số bán nhà ở là 12%. Đồng thời, trong quí I/2019, số lượng khu dân cư được ra mắt cũng tăng vọt 27%, theo Anarock Property Consulting.
Sau khi ngành bất động sản Ấn Độ bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng thanh khoản vào cuối năm 2018, chính phủ đã ban hành nhiều biện pháp hỗ trợ, chẳng hạn như giảm thuế hàng hóa và dịch vụ (GST), cắt giảm lãi suất ngân hàng trung ương để thúc đẩy doanh số bán nhà và ra mắt nhà ở mới trong quí I.
Niềm tin của nhà đầu tư đã bị rung chuyển vào năm ngoái bởi một loạt trận vỡ nợ của JL&FS Group, từ đó đẩy chi chi đi vay lên cao và khiến nhà thầu vật lộn để thanh toán các khoản nợ xây dựng.
Dubai
Giá dầu sụt giảm, chính sách tài chính thắt lưng buộc bụng ở Arab Saudi và đồng USD mạnh mẽ đã khiến các khách hàng tiềm năng tại Dubai chùn bước.
Bộ Địa chính của chính quyền thành phố Dubai đã tập trung quảng bá bất động sản thành phố cho các nhà đầu tư nước ngoài, chủ yếu ở Mỹ, Anh, Trung Quốc, Ấn Độ và Nga.
Đồng thời, bộ này năm ngoái còn công bố một chương trình thị thực dài hạn nhằm giúp tăng nhu cầu bất động sản.
Giá nhà ở tại Dubai sẽ giảm ít nhất 10% trong năm nay, sau khi giảm khoảng 25% từ mức cao năm 2014, theo ông Craig Plumb, người đứng dầu bộ phận nghiên cứu khu vực Trung Đông tại công ty môi giới Jones Lang LaSalle.