|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Các quốc gia giàu nhất thế giới đối diện với khoản nợ công khổng lồ

05:00 | 27/05/2020
Chia sẻ
OECD dự báo, các quốc gia giàu nhất thế giới sẽ gánh thêm ít nhất 17.000 tỉ USD nợ công trong cuộc chiến chống hậu quả của COVID-19.
Các quốc gia giàu nhất thế giới đối diện với khoản nợ công khổng lồ - Ảnh 1.

Ảnh: FT

Báo cáo của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) cho thấy: nợ công trung bình của các nước trong tổ chức này được dự báo tăng từ 109% GDP lên hơn 137% GDP năm nay, khiến nhiều nước có mức nợ công tương đương Ý. 

Khối nợ tăng thêm này đồng nghĩa với việc mỗi công dân thuộc các nước OECD sẽ phải gánh khoản nợ 13.000 USD. Con số này cũng có thể tăng cao nếu đà phục hồi kinh tế chậm hơn dự báo.

Theo OECD, dù nhiều chính phủ đã đưa ra những biện pháp kích thích tài khóa trong năm nay, từ mức 1% GDP ở Pháp và Tây Ban Nha cho đến 6% ở Mỹ, nhưng những nước này vẫn có thể đối mặt với sự gia tăng của nợ công bởi doanh thu từ thuế có xu hướng giảm nhanh hơn hoạt động kinh tế trong một cuộc suy thoái sâu sắc.

Các quốc gia giàu nhất thế giới đối diện với khoản nợ công khổng lồ - Ảnh 1.

Nợ trên GDP của chính phủ các nước thuộc OECD được dự báo tăng vọt năm nay.

Ông Randall Kroszner, cựu Thống đốc Fed, cho biết tình hình này làm dấy lên câu hỏi về mức độ bền vững của nợ công và nợ tư nhân cao. "Chúng ta phải đối mặt với sự thật khắc nghiệt rằng nền kinh tế sẽ không hồi phục theo hình chữ V", ông nói.

Một thập kỷ trước, các nhà kinh tế học còn cho rằng nợ công sẽ không bền vững nếu vượt 90% GDP. Dù ngày nay, phần lớn các nhà phân tích không cho rằng đây là ranh giới rõ ràng, rất nhiều người vẫn tin nợ công tăng cao sẽ đe dọa chi tiêu tư nhân và kéo tụt tăng trưởng.

Tổng Thư ký OECD, ông Angel Gurría cảnh báo nợ công tăng mạnh sẽ là vấn đề trong tương lai, dù cho rằng các nước không nên lo lắng về tài khóa của mình khi khủng hoảng đang ở đỉnh điểm. "Chúng ta cảm thấy nặng gánh vì đang cố bay lên khi phải mang theo rất nhiều nợ", ông nói.

Hậu quả là, rất nhiều quốc gia có thể đối mặt với tình trạng tương tự Nhật sau khủng hoảng tài chính thập niên 90 tại đây. Nợ công và thâm hụt ngân sách lớn là đặc trưng của nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới cho đến tận bây giờ, với nợ công hiện ổn định 240% GDP dưới thời Thủ tướng Shinzo Abe.

Các quốc gia giàu nhất cũng sẽ không thoát khỏi bị ảnh hưởng. Nợ gia tăng có thể làm cho Đức và Mỹ bị mất mức xếp hạng tín nhiệm vàng AAA, trong khi các chính phủ sẽ ngày càng phụ thuộc vào các ngân hàng trung ương để kiểm soát chi phí vay hoặc thậm chí là trực tiếp tài trợ cho chi tiêu trong nhiều năm tới.

Theo bình luận của ông Mike Kelly, nhà lãnh đạo của Tập đoàn Đầu tư PineBridge, nói: “Trong lịch sử, bất cứ khi nào các quốc gia tăng mức nợ, mọi thứ sẽ thay đổi. Cuộc khủng hoảng này sẽ khiến thế giới rơi lại vào bẫy tăng trưởng thấp, nơi mà chúng ta mới thoát ra được trong các năm 2016-2019”.

Cường quốc của châu Âu là Đức dự báo sẽ phải gánh một khoản nợ mới lần đầu tiên kể từ năm 2013, trong khi khoản vay quý II/2020 của Kho bạc Mỹ sẽ lên tới gần 3.000 tỉ USD - nhiều hơn gấp 5 lần kỷ lục trước đó.

Ngân hàng Deutsche Bank tính toán, nợ liên bang Mỹ do công chúng nắm giữ, một thước đo được Văn phòng Ngân sách Quốc hội theo dõi, sẽ tăng lên 100% GDP trong năm nay - mức được ghi nhận lần gần đây nhất vào những năm 1940 - và tiệm cận 125% GDP vào năm 2030. Trong tài khóa 2019, con số này là 79% GDP.

Cuối cùng, nợ có thể ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế, nếu các quốc gia bắt đầu chi nhiều hơn nữa các khoản tiền kiếm được từ thu nhập hàng năm cho các chủ nợ, một tình huống mà các quốc gia đang phát triển phải chịu đựng hết lần này đến lần khác .

Thái Bình

Khối ngoại chưa dừng bán ròng tuần VN-Index hồi phục
Bất chấp xu hướng hồi phục của TTCK, NĐT nước ngoài đẩy mạnh bán ròng gần 5.200 tỷ đồng trên HOSE. Điểm sáng là trong phiên cuối tuần khối ngoại đảo chiều mua ròng nhẹ hơn 31 tỷ đồng. Đây là phiên mua ròng đầu tiên sau 21 ngày bán ròng liên tiếp.