|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Các nước mạnh tay hỗ trợ tiền giúp người dân vượt bão COVID-19

14:30 | 12/04/2020
Chia sẻ
Trong dịch COVID-19, người dân trên thế giới đều nhận thấy sinh kế thường ngày của họ bị ảnh hưởng. Để đối phó với nguy cơ khủng hoảng kinh tế, một số chính phủ đã có các khoản hỗ trợ trực tiếp, từ hỗ trợ 1 lần hay thanh toán hàng tháng cho người lao động đến hỗ trợ doanh nghiệp trả lương và ngăn ngừa sa thải nhân công.
Các nước mạnh tay hỗ trợ tiền giúp người dân vượt bão COVID-19 - Ảnh 1.

Nhiều nước trên thế giới đã hỗ trợ trực tiếp bằng tiền cho người dân bị khủng hoảng vì dịch Covid-19

Tây Ban Nha đang hướng tới thiết lập thu nhập cơ bản vĩnh viễn. Tối 5-4, Bộ trưởng phụ trách các vấn đề kinh tế Tây Ban Nha Nadia Calviño cho biết, Chính phủ đang xây dựng kế hoạch phát tiền mặt dành cho người thu nhập thấp. 

Chưa biết khi nào kế hoạch bắt đầu và cụ thể ra sao, nhưng ông Calviño nói: “Chúng tôi sẽ làm điều đó càng sớm càng tốt. Nó có thể hữu ích, không chỉ cho đại dịch bất thường này mà còn tồn tại mãi mãi”.

Đan Mạch trả 75%-90% tiền lương cho chủ sử dụng lao động. Vào giữa tháng 3-2020, Chính phủ Đan Mạch tuyên bố sẽ cấp cho các công ty tư nhân ít nhất 75% tiền lương nhân công trong 13 tuần. 

Các công ty chỉ có thể nhận được số tiền đó (khoảng 3.288 USD/tháng/người) nếu họ không sa thải công nhân, giúp giữ chân người lao động ở nhà trong đại dịch. Chính phủ cũng sẽ chi trả tiền nghỉ ốm và chi phí cố định như tiền thuê nhà cho doanh nghiệp. Kế hoạch này có thể tiêu tốn 13% tổng sản phẩm quốc nội của Đan Mạch.

Hà Lan chi trả tới 90% tiền lương cho doanh nghiệp thua lỗ. Các công ty Hà Lan dự kiến suy giảm ít nhất 20% doanh thu có thể nộp đơn xin tài trợ. Chính phủ sau đó sẽ trang trải tiền lương trong 3 tháng tới. Tuy nhiên, điều kiện nhận tài trợ là họ không được sa thải nhân công.

Chính phủ Anh lần đầu tiên trả hộ tới 80% lương lao động. Khoảng 5 triệu lao động tự do hoặc tự kinh doanh như lái xe taxi, công nhân xây dựng, chủ nhà hàng, quán cà phê… ở Anh nếu gặp khó khăn có thể được chi tới 3.000 USD/tháng. Ngoài ra, Anh cũng đã trợ cấp tiền mặt cho các doanh nghiệp nhỏ.

16 tiểu bang ở Đức đều trợ cấp cho chủ doanh nghiệp nhỏ và lao động tự do. Khoản viện trợ là sự kết hợp giữa quỹ của mỗi bang cùng gói cứu trợ chống Covid-19 của liên bang. “Tất cả chúng tôi đều rất ngạc nhiên. Tiền được phát nhanh một cách đáng ngạc nhiên và tất cả đều được tổ chức tốt” - Laurenz Bostedt, một nhiếp ảnh gia tự do cho biết.

Italia phát 650 USD cho lao động thời vụ và tự kinh doanh. Chính phủ đang yêu cầu người Italia ở nhà và không chủ quan dù dấu hiệu khẩn cấp đã qua. Nhiều bằng chứng cho thấy, ngày càng nhiều người Italia vi phạm quy định về lệnh phong tỏa toàn quốc. Đáng nói là 1 ngày sau khi ứng dụng cho quỹ cứu trợ nói trên mở ra, trang web của nó đã bị sập vì quá nhiều người truy cập.

Ở Bỉ, người lao động tự làm chủ có thể nhận thu nhập thay thế trong tháng 3 và tháng 4. Mỗi khu vực có một định mức riêng, riêng Brussels hỗ trợ cho người lao động bị ngừng việc trong ít nhất 7 ngày.

Pháp đang hỗ trợ người lao động tự do lên tới 1.600 USD. Khoảng 600.000 công dân Pháp có thể nhận được tiền trợ cấp nếu lệnh phong tỏa khiến họ không thể làm việc hoặc giảm 70% thu nhập từ kinh doanh. Ngoài ra, Pháp cũng đang chi 50 tỷ USD để trả cho các doanh nghiệp giữ chân người lao động.

Mỹ hỗ trợ mỗi người 1.200 USD. Đối với những người sử dụng tiền gửi trực tiếp, tiền sẽ đến vào giữa tháng 4-2020. Tuy nhiên, không phải ai cũng đều nhận được 1.200 USD bởi tiền cứu trợ cũng được phân chia nhiều mức.

Hàn Quốc sẽ chi trả từ 70% tiền lương trở lên. Tiền hỗ trợ 1 lần này áp dụng cho chủ kinh doanh, người lao động tư do hoặc bán thời gian.

Ireland hỗ trợ khẩn cấp hàng tuần cho chủ kinh doanh và lao động mất việc. Khoản thanh toán khoảng 220 USD/tuần và chỉ 3 ngày sau khi có thông báo, hơn 58.000 người đã đăng ký yêu cầu hỗ trợ.

Tại Australia, hơn 6 triệu người có thu nhập thấp sẽ được phát 750 USD. “Đó là cách thức bơm tiền vào nền kinh tế, hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Tới lượt mình, mọi người có thể tiếp tục tham gia tích cực vào nền kinh tế và có niềm tin lớn hơn trong tương lai” - Thủ tướng Scott Morrison cho biết.

Singapore lần thứ hai phát tiền cho dân. Đầu tháng 4-2020, Chính phủ Singapore tung ra gói cứu trợ thứ hai, trong đó phát thêm 300 SGD (hơn 200 USD) cho mỗi người lớn, nâng tổng số tiền mỗi người Singapore được nhận lên 600 SGD. 

Mức hỗ trợ chi phí lương cho doanh nghiệp cũng tăng từ 50% lên 75% tổng mức lương (không quá 3.450 SGD/người). Tới nay, Singapore đã chi 60 tỷ SGD, tương đương 12% GDP để hỗ trợ người dân chống khủng hoảng do dịch Covid-19.

“Chiến lược của châu Âu là không sa thải hoặc đóng cửa công ty, để khi kiểm soát được dịch, nền kinh tế có thể tái khởi động ngay lập tức” - ông Patrick Artus, chuyên gia kinh tế của Ngân hàng Natixis có trụ sở ở Paris cho biết.

Yến Chi

Danh mục tự doanh 11 tỷ USD của các CTCK đang phân bổ như thế nào?
Giá trị tự doanh toàn ngành chứng khoán đã vượt mức 11 tỷ USD tại cuối 2024. Đa số các công ty ghi nhận FVTPL chiếm tỷ trọng lớn nhất cơ cấu mảng tự doanh. Trong khi đó, MBS, ACB chủ yếu phân bổ tại HTM, còn Vietcap, TBCS tiếp tục ghi nhận phần lớn ở khoản AFS.