|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Giới chuyên gia Trung Quốc từ bỏ thái độ lạc quan về tăng trưởng kinh tế

07:39 | 12/04/2020
Chia sẻ
Cùng với diễn biến phức tạp và khó lường của đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, nhiều chuyên gia kinh tế nổi tiếng bất ngờ từ bỏ thái độ lạc quan về kinh tế Trung Quốc.

Giới chuyên gia Trung Quốc từ bỏ thái độ lạc quan về tăng trưởng kinh tế - Ảnh 1.

Kiếm đồng 100 Nhân dân tệ tại ngân hàng ở tỉnh Giang Tô, Trung Quốc. Ảnh: AFP/TTXVN

Để đạt được mục tiêu năm 2020 xây dựng thành công xã hội khá giả toàn diện, tăng gấp đôi Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) so với năm 2010, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc năm nay phải đạt 5,3% trở lên.

Khi dịch COVID-19 trở thành đại dịch toàn cầu, vào cuối tháng Ba vừa qua, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã tới thị sát Chiết Giang – một trung tâm kinh tế quan trọng của Trung Quốc, phát tín hiệu tăng tốc khôi phục sản xuất kinh doanh.

Tại đây, ông Tập Cận Bình đặc biệt nhấn mạnh phải “thực hiện chính xác các biện pháp khác nhau để phòng chống dịch bệnh và khôi phục hoạt động sản xuất, phấn đấu đạt được nhiệm vụ mục tiêu phát triển kinh tế xã hội năm nay, nỗ lực trở thành cửa sổ quan trọng thể hiện toàn diện tính ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa mang đặc sắc Trung Quốc trong kỷ nguyên mới”.

Việc Bắc Kinh không giải thích nội dung cụ thể của “nhiệm vụ mục tiêu phát triển kinh tế xã hội năm nay” là gì đã khiến giới kinh tế bất đồng về mục tiêu tăng trưởng năm 2020 của Trung Quốc.

Căn cứ vào mục tiêu năm 2020 xây dựng thành công xã hội khá giả toàn diện tăng gấp đôi GDP so với năm 2010, tốc độ tăng trưởng năm nay của Trung Quốc phải đạt từ 5,3% trở lên.

Dịch bệnh bùng phát bất ngờ đã đặt Bắc Kinh trước lựa chọn khó khăn khi thiết kế tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2020: Cắt giảm mục tiêu, hy sinh cam kết “tăng gấp đôi GDP năm 2020 so với năm 2010” hay vẫn duy trì mục tiêu vốn rất khó thực hiện trong bối cảnh hiện nay.

Vào trung tuần tháng 3/2020, tín hiệu điều chỉnh mục tiêu dường như đã được phát ra khi Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường nói rằng không thể xem nhẹ ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 đối với kinh tế Trung Quốc; khi xem xét công tác cả năm, tất cả các bộ ngành liên quan phải đặt vấn đề ổn định việc làm vào vị trí quan trọng của quan trọng. Người đứng đầu Chính phủ Trung Quốc còn nhấn mạnh chỉ cần ổn định được việc làm trong năm nay, tốc độ tăng trưởng kinh tế cao một chút hay thấp một chút cũng không sao.

Trên thực tế, việc đặt mục tiêu tăng trưởng cao hay thấp không chỉ khác biệt ở con số, mà còn dẫn tới sự khác nhau về logic chính sách kinh tế. Nếu cắt giảm mục tiêu tăng trưởng, điều đó có nghĩa chính sách kinh tế sẽ lấy việc trợ giúp doanh nghiệp, duy trì sự sinh tồn làm chính.

Tiêu điểm chính sách sẽ nhằm vào doanh nghiệp vừa và nhỏ. Trong trường hợp duy trì mục tiêu tăng trưởng tương đối cao bắt buộc ba quý còn lại trong năm 2020 phải đạt được mức tăng trưởng cao để khỏa lấp sự sụt giảm tăng trưởng trong quý I/2020. 

Khi đó, phương thức chủ yếu sẽ là gia tăng đầu tư của các doanh nghiệp nhà nước, rất có thể sẽ tiếp tục chèn ép không gian sinh tồn của doanh nghiệp tư nhân cũng như doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Trong khi Bắc Kinh chưa đưa ra mục tiêu tăng trưởng chính thức cho năm 2020, nhiều nhà kinh tế Trung Quốc đã bất ngờ thay đổi, từ bỏ dự báo lạc quan, không tiếp tục kiên trì cho rằng năm 2020, tăng trưởng kinh tế Trung Quốc ở mức 6% nữa.

Theo tờ Economic Journal, nhân vật tiêu biểu cho sự thay đổi thái độ về tăng trưởng kinh tế Trung Quốc là Giáo sư Lâm Nghị Phu thuộc Đại học Bắc Kinh. 

Cuối tháng 2/2020, ông Lâm dự đoán ảnh hưởng của dịch bệnh đối với tăng trưởng kinh tế Trung Quốc năm 2020 có thể khống chế trong phạm vi 1 điểm phần trăm và Trung Quốc vẫn có thể đạt được tăng trưởng ở mức 5-6%. 

Ông Lâm còn nhắc lại những kiến nghị và ý kiến của mình sau dịch Hội chứng viêm đường hô hấp cấp (SARS) năm 2003, tin rằng lần này viễn cảnh “chuyện xấu biến thành chuyện tốt” sẽ tái diễn.

Tới ngày 23/3, ông Lâm tiếp tục nhận định tăng trưởng kinh tế Trung Quốc có thể giúp các nước khác thoát khỏi tình trạng suy thoái; kinh tế Trung Quốc vẫn có thể giống như từ sau khủng hoảng tài chính thế giới năm 2008 trở lại đây, trở thành động lực chủ yếu của tăng trưởng và hồi phục kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, một tuần sau, quan điểm của ông Lâm đã khác với tuyên bố rằng năm 2020, Trung Quốc có thể đạt tốc độ tăng trưởng từ 3-4% đã là quá tốt.

Một trường hợp điển hình khác là bà Lương Hồng, chuyên gia kinh tế trưởng Tập đoàn Vốn quốc tế Trung Quốc (CICC). Trước đây, bà Lương Hồng thuộc nhóm các nhà kinh tế cho rằng dịch bệnh sẽ không ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc. 

Đầu tháng 3/2020, bà Lương Hồng còn nói dự kiến tác động tiêu cực của dịch bệnh đối với kinh tế Trung Quốc chỉ là ngắn hạn, thậm chí có thể không gây trở ngại gì đối với việc Trung Quốc thực hiện mục tiêu giữ tăng trưởng ở mức 6%.

Tới ngày 18/3/2020, bà Lương Hồng vẫn phát đi thông điệp rằng đại dịch COVID-19 không bằng SARS, dự kiến sẽ không có vấn đề gì trong việc bảo vệ mục tiêu tăng trưởng 6% trong năm nay. 

Tuy nhiên, 5 ngày sau, bà Lương Hồng đã thay đổi thái độ, đưa ra báo cáo cắt giảm dự báo tăng trưởng kinh tế Trung Quốc năm 2020 từ mức 6,1% trước đây xuống 2,6%. Căn cứ chủ yếu được bà Lương Hồng đưa ra là dịch bệnh đã nhanh chóng lan ra toàn cầu và đã xuất hiện dấu hiệu thị trường tài chính bị “lây nhiễm”.

Theo báo trên, việc nhiều nhà kinh tế thay đổi thái độ, cắt giảm dự báo tăng trưởng kinh tế Trung Quốc là do ảnh hưởng trên ba phương diện. Một là dịch bệnh lan ra toàn cầu, tình hình kinh tế ngày càng xấu đi.

 Hai là tới giữa tháng, Trung Quốc mới công bố số liệu kinh tế quý I/2020, nhưng những báo cáo liên quan đã xuất hiện, khiến họ buộc phải điều chỉnh. Ba là đánh giá về kinh tế của các quan chức Trung Quốc không lạc quan như trước.

Hà Ngọc

Đại biểu đề nghị lùi thời gian tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với bia, rượu thêm một năm
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường cho rằng nên ban hành Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt vào năm tới nhưng thời gian áp dụng thì lùi lại một năm để cả người tiêu dùng và doanh nghiệp có thời gian chuyển đổi hành vi, chuyển đổi sản xuất.