|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Những dấu hiệu suy sụp của kinh tế Nga vì đòn trừng phạt của Phương Tây

16:31 | 05/04/2022
Chia sẻ
Các dự báo kinh tế mới nhất cho thấy GDP của Nga có thể sụt giảm khoảng 10 - 15% do tác động của các lệnh trừng phạt từ Phương Tây.

Nền kinh tế Nga dự kiến sẽ suy giảm mạnh trong năm nay khi lạm phát tăng vọt do các lệnh trừng phạt quốc tế nhằm đáp trả chiến dịch quân sự của Moscow tại Ukraine bắt đầu có hiệu lực. Ngân hàng trung ương Nga đã thực hiện một loạt các biện pháp kiểm soát vốn nhằm hỗ trợ tài sản trong nước và đồng rúp. 

Hoạt động sản xuất của Nga trong tháng 3 giảm sút mạnh nhất kể từ tháng 5/2020, trong giai đoạn đầu của đại dịch COVID, do tình trạng thiếu nguyên liệu và chậm trễ giao hàng đè nặng lên các nhà máy.

Chỉ số quản trị mua hàng (PMI) của S&P Global xếp hạng cho Nga, được công bố vào hôm 31/3, đã giảm từ 48,6 trong tháng 2 xuống 44,1 vào tháng 3. Chỉ số PMI ở mức dưới 50 thể hiện sự thu hẹp của nền kinh tế. 

 

Các nhà kinh tế của Goldman Sachs đã lưu ý rằng sự sụt giảm là "trên diện rộng, với sản lượng giảm mạnh, các đơn đặt hàng mới và (đặc biệt) là các đơn hàng xuất khẩu".

Theo CNBC, các nhà kinh tế tại Capital Economics dự đoán rằng các lệnh trừng phạt của Phương Tây có khả năng khiến tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Nga giảm 12% vào năm 2022, trong khi lạm phát dự kiến sẽ vượt quá 23% so với cùng kỳ năm ngoái.

Ngân hàng Tái thiết và Phát triển Châu Âu đã dự đoán nền kinh tế Nga sẽ suy giảm 10%, là mức suy thoái sâu nhất của xứ Bạch Dương trong gần 30 năm. GDP của Nga sau đó sẽ đi ngang vào năm 2023 và bước vào thời kỳ dài tăng trưởng không đáng kể.

Goldman Sachs cũng đã dự báo mức giảm 10%, trong khi Viện nghiên cứu tài chính quốc tế dự báo GDP Nga sẽ giảm 15% vào năm 2022 và đến năm 2023 sẽ tiếp tục giảm 3%.

Nỗi sợ về việc Nga vỡ nợ không thành hiện thực, khi Điện Kremlin đã thanh toán thành công các khoản trái phiếu trong điều kiện các lệnh trừng phạt của Phương Tây đã đóng băng một nửa kho dữ trữ ngoại tệ trị giá 640 tỷ USD của Ngân hàng Trung ương Nga.

Chứng khoán Nga cùng với đồng rúp, cũng tăng kể từ khi mở cửa trở lại vào ngày 24/3 sau khoảng thời gian đóng cửa kéo dài một tháng. Nguyên nhân được cho là do nỗi sợ vỡ nợ đã không thành hiện thực và các biện pháp kiểm soát vốn của Ngân hàng Trung ương.

 

Các khu vực khác

Trưởng nhóm Kinh tế về các thị trường mới nổi của Capital Economics ông William Jackson cho biết trong báo cáo: “Sự phục hồi bền vững hơn đòi hỏi một thỏa thuận hòa bình vẫn còn xa vời. Trong khi đó, tác động lan tỏa từ xung đột sẽ được cảm nhận một cách sâu sắc ở Trung và Đông Âu (CEE)”.

“Ngành công nghiệp sẽ bị ảnh hưởng bởi sự gián đoạn nguồn cung và lạm phát sẽ ảnh hưởng đến thu nhập thực tế của các hộ gia đình, làm giảm chi tiêu. Chúng tôi kỳ vọng cuộc xung đột sẽ làm giảm mức tăng trưởng 1,0-1,5 điểm % của CEE trong năm nay".

Bất chấp sự sụt giảm mạnh về PMI trong tháng 3 của Nga, Goldman Sachs lưu ý rằng hoạt động của một số nền kinh tế Trung & Đông Âu, Trung Đông và Châu Phi (CEEMEA) vẫn mạnh mẽ một cách đáng kinh ngạc, với mức tăng ở Hungary và Nam Phi bù đắp cho mức giảm của Ba Lan và Cộng hòa Séc.

Các nhà kinh tế tại Goldman viết: “Chỉ số PMI của Hungary tương đối bất ổn trong những tháng gần đây, vì vậy chúng tôi sẽ hạ thấp mức độ tăng trưởng (đặc biệt là vì phân tích cho thấy rằng Hungary tương đối dễ bị ảnh hưởng bởi xung đột Nga-Ukraine)”.

“Đối với Nam Phi, thương mại trực tiếp của quốc gia này với Nga và Ukraine khá hạn chế, trong khi nước này đang hưởng lợi từ giá hàng hóa cao hơn”.

Minh Quang