|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Các ngân hàng trung ương còn rất ít 'vũ khí' để cứu nền kinh tế toàn cầu khỏi COVID-19

07:59 | 07/03/2020
Chia sẻ
Theo CNBC, dư địa cắt giảm lãi suất nhằm hỗ trợ nền kinh tế các ngân hàng trung ương không còn nhiều. Đặc biệt là tại châu Âu và Nhật Bản, nơi lãi suất đã giảm xuống mức âm.
Các NHTW không có nhiều dư địa để cắt giảm lãi suất, đối phó với dịch bệnh - Ảnh 1.

Trụ sở Cục Dự trữ Liên bang Mỹ. (Ảnh: CNBC)

Theo CNBC, các ngân hàng trung ương (NHTW) trên khắp thế giới, bao gồm cả Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã phải cắt giảm lãi suất để hỗ trợ nền kinh tế trong bối cảnh dịch virus corona (COVID-19) lan rộng nhanh chóng kéo theo hệ lụy tiêu cực.

Tuy nhiên giới đầu tư và nhà kinh tế rằng không còn nhiều dư địa chính sách tiền tệ để hỗ trợ nền kinh tế toàn cầu, đặc biệt là khi một số NHTW lớn như Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Ngân hàng Nhật Bản (BoJ) đã giảm lãi suất xuống mức âm.

"Thực tế là chúng ta đang rơi vào cuộc khủng hoảng này với đư địa chính sách tiền tệ ít hơn nhiều. Nó không chỉ là tại châu Âu hay Nhật Bản mà ngay cả tại Trung Quốc, NHTW nước này cũng có ít dư địa hơn so với lần gần nhất tung ra gói kích thích kinh tế", Alex Wolf, Giám đốc đầu tư chiến lược khu vực châu Á của J.P. Morgan Private Bank chia sẻ với CNBC.

Nhận xét của Wolf được đưa ra trong bối cảnh virus corona đang lây lan trên phạm vi toàn cầu và vượt ra ngoài tâm dịch của nó tại Trung Quốc. Những lo ngại về ảnh hưởng của dịch bệnh đối với nền kinh tế đã khiến Fed phải khẩn cấp cắt giảm lãi suất vào thứ Ba  (ngày 3/3).

Giảm lãi suất sẽ làm cho chi phí đi vay rẻ hơn, qua đó khuyến khích doanh nghiệp và hộ gia đình tăng cường vay và chi tiêu nhiều hơn, điều này sẽ kích thích nền kinh tế đi lên.

Trước Fed, NHTW Australia và Malaysia cũng đã quyết định cắt giảm lãi suất cơ bản. Và các nhà phân tích kì vọng sẽ có thêm nhiều ngân hàng trung ương thực hiện nới lỏng chính sách tiền tệ trong thời gian tới.

Được biết, một số ngân hàng trung ương lớn như ECB, BoJ, BoE (Ngân hàng trung ương Anh) đã lên lịch họp trong những tuần tới.

Brian Martin, chuyên gia kinh tế quốc tế cao cấp tại ngân hàng ANZ, đã đưa ra các dự báo về những động thái có thể có của ba ngân hàng trung ương lớn trong báo cáo phát hành hôm thứ Tư (ngày 4/3). Ông dự báo rằng: 

Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) dự kiến giảm lãi suất tiền gửi 10 điểm cơ bản trước buổi họp tiếp theo (dự kiến tổ chức vào ngày 12/3/2020). Lãi suất tiền gửi hiện tại của ECB đã ở mức thấp kỉ lục -0,5%.

Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) cũng có thể cắt giảm lãi suất sâu hơn từ mức âm hiện tại.

Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) dự kiến cắt giảm 25 điểm cơ bản và có khả năng được thực hiện trước cả khi cuộc họp chính sách diễn ra vào ngày 26/3/2020 sắp tới.

Tuy nhiên, mặt bằng lãi suất trên toàn cầu nhìn chung vẫn ở mức thấp, thậm chí ở mức âm tại một số khu vực sau các đợt cắt giảm trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Điều đó có nghĩa một số ngân hàng trung ương không còn nhiều dư địa để giảm lãi suất thêm nữa.

"Fed có thể cắt giảm lãi suất thêm 0,25 - 0,5 điểm % trong tuần tới hoặc vài tháng nữa. Nhưng khi lãi suất về gần 0, giới đầu tư sẽ mong đợi các hỗ trợ chính sách từ Chính phủ Mỹ. Hơn nữa, chính sách tiền tệ không thể một mình giải quyết được vấn đề sức khỏe toàn cầu cũng như các vấn đề kinh tế khác, chẳng hạn như sự gián đoạn trong hoạt động sản xuất", Jurrien Timmer, Giám đốc vĩ mô toàn cầu tại Fidelity Investments nhận định.

"Phản ứng của Chính phủ Mỹ và các nước khác nhằm hỗ trợ nền kinh tế là đặc biệt quan trọng nếu sự lây lan của virus corona trở thành đại dịch", Mark Zandi, kinh tế trưởng tại Trung tâm Phân tích của Moody's cho biết.

Trước đó, Chính phủ một số nước đã triển khai kế hoạch tăng cường chi tiêu để hỗ trợ nền kinh tế.

Hong Kong mới đây đã phát một khoản tiền mặt trị giá 10.000 đô la Hong Kong ( tương đương 1.287 USD) cho tất cả cư dân thường trú từ 18 tuổi trở lên, trong khi Singapore cũng đã lên kế hoạch hỗ trợ đối với các doanh nghiệp bị ảnh hưởng nhiều nhất từ sự bùng phát của dịch bệnh.

Mạnh Đức