|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Các ngân hàng có bao nhiêu tiền gửi dự trữ tại NHNN?

07:00 | 12/08/2020
Chia sẻ
Cuối tháng 6, lượng tiền gửi tại NHNN của các ngân hàng đã giảm 27% so với cuối năm trước. BIDV và VietinBank đã rút một lượng tiền lớn từ NHNN trong khi Vietcombank lại tăng mạnh gửi tiền vào.

Tiền gửi tại NHNN giảm 27% trong 6 tháng đầu năm

Theo thống kê từ báo cáo tài chính của 25 ngân hàng trong nước, tổng lượng tiền gửi tại Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tính đến thời điểm 30/6/2020 đạt khoảng 233.887 tỉ đồng, giảm 27% so với cuối năm 2019. 

Vietcombank là ngân hàng có lượng tiền gửi tại NHNN lớn nhất với 72.917 tỉ đồng, con số này gấp đôi mức ghi nhận vào thời điểm 31/12/2019 và vượt xa ngân hàng đứng phía sau là BIDV (28.062 tỉ đồng). 

Trong khi Vietcombank gửi thêm tiền thì hai "ông lớn" khác là BIDV và VietinBank lại rút mạnh tiền gửi tại NHNN trong nửa đầu năm 2020. 

Cụ thể, BIDV, ngân hàng từng ghi nhận số dư tiền gửi tại NHNN cao nhất hệ thống vào cuối năm 2019, đã rút 79% lượng tiền gửi tại đây chỉ để lại 28.062 tỉ đồng. VietinBank cũng đã rút 48% lượng tiền gửi tại NHNN, còn lại 12.878 tỉ đồng. Con số này thấp với nhiều so với một số ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân như ACB (20.814 tỉ đồng) hay VIB (18.794 tỉ đồng).

Tính đến cuối tháng 6, lượng tiền gửi của ba ngân hàng trong nhóm Big4  tại NHNN đạt khoảng 113.857 tỉ đồng, chiếm gần 49% tổng tiền gửi của 25 ngân hàng được thống kê.

Trong nhóm ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân, ACB là nhà băng có lượng tiền gửi lớn nhất. Lượng tiền gửi của ACB đã tăng mạnh trong nửa đầu năm nay với 20.814 tỉ đồng tại thời điểm 30/6/2020, gấp 2 lần cuối năm 2019.

Cùng với ACB thì VIB và Sacombank là những ngân hàng tiếp theo có lượng tiền gửi tại NHNN vượt 10.000 tỉ đồng.

Trong 25 ngân hàng khảo sát thì có tới 18 ngân hàng ghi nhận sự sụt giảm lượng tiền dự trữ tại NHNN trong 6 tháng đầu năm. Trong đó, ABBank là nhà băng giảm mạnh nhất (từ hơn 6.800 tỉ đồng xuống hơn 1.280 tỉ đồng, tương ứng giảm 81%)

Ngoài ABBank, tiền gửi dự trữ của nhiều nhà băng khác cũng giảm mạnh. Điển hình như BIDV (giảm 79%), LienVietPostBank (giảm 72%), MSB (giảm 70%), VietinBank (giảm 48%), BacABank (giảm 48%);...

Ngược lại, Techcombank, Vietcombank, ACB, OCB, Sacombank, VietBank, VietABank là những ngân hàng ghi nhận sự gia tăng tiền gửi tại NHNN. Trong đó, lượng tiền gửi dự trữ của Techcombank và Vietcombank tăng lần lượt 177% và 110% so với cuối năm 2019 lên 8.845 tỉ đồng và 72.917 tỉ đồng.

Các ngân hàng có bao nhiêu tiền gửi dự trữ tại NHNN? - Ảnh 1.

Tiền gửi tại NHNN của các ngân hàng. (Nguồn: QT tổng hợp từ BCTC quí II).

Giảm lãi suất tiền gửi DTBB sẽ tác động như thế nào đến các ngân hàng?

Thông thường tiền gửi của các ngân hàng tại NHNN nằm dưới hai dạng tiền gửi dự trữ bắt buộc và tiền gửi vượt dự trữ bắt buộc. Trong đó, lượng dự trữ bắt buộc được tính toán dựa trên số tiền mà ngân hàng nhận gửi từ khách hàng. 

Do con số này thường xuyên biến động nên có những ngân hàng bị thiếu hoặc thừa dự trữ bắt buộc, tùy theo hoạt động hàng ngày của họ. Chính vì vậy, các ngân hàng có thể vay/cho vay lẫn nhau khoản thiếu hụt/dư thừa dự trữ bắt buộc này. 

Vừa qua, NHNN thông báo giảm lãi suất đối với tiền gửi dự trữ bắt buộc bằng VND là 0,5%/năm, giảm 0,5% so với mức lãi suất trước. Lãi suất đối với tiền gửi vượt dự trữ bắt buộc bằng VND duy trì 0%/năm.

Theo chuyên gia tài chính TS. Quách Mạnh Hào, động thái của NHNN sẽ dẫn tới hai hệ quả. Thứ nhất là hệ thống ngân hàng sẽ nhận ít lãi hơn từ tiền gửi dự trữ bắt buộc. Tuy nhiên, điều này không ảnh hưởng nhiều bởi các ngân hàng có thể điều chỉnh qui mô lượng dự trữ bắt buộc. Thứ hai, lãi suất tiền gửi vượt dự trữ bắt buộc tiếp tục bằng không, sẽ khuyến khích ngân hàng cho vay nhiều hơn.

Chuyên gia này cho rằng quyết định của NHNN phản ánh thực tế hệ thống ngân hàng đã "huy động quá nhiều mà không cho vay được". Điều này cũng đặt các TCTD đứng trước tình huống khó khăn là "nên mở rộng tín dụng với rủi ro cao và đối diện nợ xấu trong tương lai hay là không?"

Còn theo đánh giá của các chuyên gia phân tích tại Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV), việc giảm lãi suất dự trữ bắt buộc mặc dù có ảnh hưởng tới nguồn lợi nhuận của các tổ chức tín dụng nhưng không đáng kể. Nguyên nhân là mức dự trữ bắt buộc của các ngân hàng hiện nay ở mức thấp, chỉ khoảng 3% đối với khoản tiền gửi không kì hạn và dưới 1 năm và 1% đối với khoản tiền gửi trên 1 năm.

Theo ước tính sơ bộ của KBSV, mức tác động của việc giảm lãi suất này tới tổng hệ thống ngân hàng là vào khoảng 600 tỉ đồng, trong đó khối ngân hàng quốc doanh chịu ảnh hưởng nhiều nhất, khoảng trên dưới 60 tỉ đồng/ngân hàng.

Cụ thể, hai ngân hàng BIDV và VietinBank có thể giảm lợi nhuận 68 tỉ đồng và 59 tỉ đồng mỗi năm do việc giảm lãi suất tiền gửi dự trữ bắt buộc. Vietcombank cũng giảm khoảng 59,4 tỉ đồng. Các ngân hàng thương mại khác như MBBank, Techcombank, VPBank có mức giảm lợi nhuận dưới 20 tỉ đồng.

Đồng quan điểm với KBSV, Bộ phận Phân tích Chứng khoán SSI cũng cho rằng động thái giảm lãi suất tiền gửi DTBB là có tác động đến các NHTM khiến thu nhập lãi từ tiền gửi DTBB có thể giảm xuống nhưng mức giảm rất nhỏ. Với 4 ngân hàng thương mại nhà nước lớn cũng chỉ khoảng 100 - 250 tỉ đồng.



Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Quốc Thụy

Ngành thép quý III: Hoà Phát là điểm sáng, hai gọng kìm bóp chặt lợi nhuận nhóm tôn mạ
Trong nhóm sản xuất và thương mại thép, Hoà Phát nổi lên là điểm sáng trong khi VNSteel, SMC, Tisco,... lần lượt báo lỗ. Với nhóm tôn mạ, ngoài áp lực cạnh tranh từ tôn mạ nhập khẩu của Trung Quốc và Hàn Quốc thì chi phí vận chuyển leo thang đã bóp nghẹt lợi nhuận nhóm này trong quý vừa qua.