Các 'kì lân' ở Indonesia xông vào mảng đầu tư vàng, cho phép người dùng góp vốn dưới 1 USD (Phần 1)
Hàng tháng Nabila Marsya, một nhà báo ở thủ đô Jakarta, để dành 500.000 rupiah (34 USD) từ khoản lương tháng để đầu tư vàng, theo Tech In Asia. Tuy nhiên, nữ nhà báo 28 tuổi chưa bao giờ thấy hay chạm vào vàng vì Bukalapak, một sàn thương mại điện tử, quản lí số vàng ấy.
Felicia Putri Tjiasaka, một người chuyên làm video để đăng lên YouTube, đã thu hút sự chú ý của hơn 95.000 người nhờ những bài thuyết trình về cổ phiếu, quĩ tương hỗ, ngoại hối. Tuy nhiên, những video về đầu tư vàng thu hút lượt xem cao nhất.
Vàng là một trong những thứ mà người dân Indonesia đầu tư nhiều nhất. Nhưng giới trẻ ở Indonesia đang đầu tư vàng theo cách rất khác với phương thức truyền thống. Họ đầu tư vào vàng số trên các nền tảng số. Đương nhiên, vào mọi thời điểm, họ có thể chuyển chúng thành tiền mặt rồi rút ở ATM, hoặc chuyển chúng thành vàng thật.
Các "kì lân" (doanh nghiệp chưa niêm yết trên sàn chứng khoán có trị giá trên 1 tỉ USD) đình đám nhất ở Indonesia đều đang cung cấp một cách thức mới để đầu tư vào vàng với số vốn tối thiểu là 100 rupiah (0,0069 USD).
Vì yêu cầu mức vốn thấp như thế, nên mọi thành viên trong cộng đồng 82 triệu người sử dụng điện thoại thông minh ở xứ vạn đảo đều có thể trở thành nhà đầu tư tiềm năng.
Gojek, siêu ứng dụng có giá trị lớn nhất ở Indonesia, lặng lẽ triển khai dịch vụ đầu tư trực tuyến mang tên GoInvestasi hồi giữa tháng 5, theo KrAsia, bằng cách hợp tác với Pluang, một startup công nghệ tài chính cung cấp dịch vụ đầu tư vàng. Năm ngoái, Gojek tham gia vòng gọi vốn series A của Pluang. Trong vòng gọi vốn đó, Pluang đã nhận 33 triệu USD.
GoInvestasi cho phép người sử dụng mua và bán vàng dễ dàng với vài động tác gõ lên màn hình điện thoại. Công cụ đầu tư sẽ cung cấp thông tin mới nhất về giá vàng. GoInvestasi khẳng định họ cung cấp vàng với mức phí thấp nhất và lãi cao nhất.
Dịch vụ của GoInvestasi tuân thủ luật Shariah của người Hồi giáo và có giấy chứng nhận của Hội đồng Ulema Indonesia (MUI).
Pluang ra đời năm 2008, với hai với đồng sáng lập là Claudia Kolonas và Iwan Tjam. Ban đầu họ chuyên cung cấp dịch vụ tiết kiệm vi mô. Năm 2009, họ chuyển hướng để đa dạng hóa sản phẩm, với đầu tư vàng là dịch vụ trọng tâm. Nhà đầu tư có thể bắt đầu từ 0,01 gram vàng, tương đương 0,57 USD.
Mặc dù GoPay đang là phương pháp thanh toán duy nhất để mua vàng trên GoInvestasi, Gojek vẫn chưa công bố kế hoạch đưa sản phẩm mới vào danh mục thanh toán của GoPay.
Đầu tư số là danh mục công nghệ tài chính phổ biến thứ hai ở Indonesia trong năm ngoái, theo một báo cáo của Daily Social.
Chiến lược của Gojek đối với đầu tư vàng khác với các đối thủ nội địa là Ovo và LinkAja - hai doanh nghiệp đều chọn các quĩ tương hỗ là sản phẩm đầu tư đầu tiên.
Mặc dù vậy, vàng vẫn là hình thức đầu tư lâu đời và phổ biến nhất ở Indonesia, và người dân coi đó là hình thức đầu tư rủi ro thấp. Mức độ quan tâm tới vàng tăng dần trong vài năm qua gần đây, thôi thúc nhiều nền tảng số gia nhập thị trường, bao gồm cả nhiều "kì lân" như Tokopedia và Bukalapak. Năm 2017, Bukalapak ra mắt sản phẩm đầu tư vàng. Ngay năm tiếp theo, Tokopedia triển khai sản phẩm tương tự.