Các đợt IPO khủng làm nóng thị trường Nhật Bản
Mục tiêu của Kioxia là lên sàn vào tháng 10 tới trong bối cảnh nhu cầu về chất bán dẫn từ lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI) ngày càng tăng cao.
Công ty kỳ vọng sẽ đạt vốn hóa thị trường hơn 1.500 tỷ yen (10,3 tỷ USD), đánh dấu đợt IPO lớn nhất trên sàn giao dịch chứng khoán tại Nhật Bản trong năm nay. Kioxia đặt mục tiêu sử dụng số tiền thu được để đáp ứng nhu cầu tăng cao về chip nhớ từ sự bùng nổ của AI.
Nhà sản xuất bộ nhớ flash NAND lớn thứ 3 thế giới đã tách khỏi tập đoàn Toshiba của Nhật Bản vào năm 2018 và đổi tên thành Kioxia vào năm sau. Hiện liên danh Bain Capital và SK hynix của Hàn Quốc nắm giữ 56% cổ phần và Toshiba nắm giữ 41% cổ phần của Kioxia.
Theo một số nguồn tin, cả Bain và Toshiba đều có kế hoạch giảm lượng cổ phần nắm giữ theo từng giai đoạn sau khi Kioxia niêm yết.
Nếu định giá của Kioxia vượt 1.500 tỷ yen tại thời điểm niêm yết, công ty này sẽ vượt qua nhà sản xuất thiết bị chip Kokusai Electric với 420 tỷ yen trong đợt IPO năm 2023 - đợt IPO lớn nhất trong năm đó. Con số này cũng sẽ lớn hơn so với đợt IPO dự kiến của Tokyo Metro vào tháng 10 tới với giá trị ước tính vào khoảng 640-700 tỷ yen.
Nếu trở thành hiên thực đây có thể là đợt IPO lớn nhất kể từ khi SoftBank - tập đoàn viễn thông khổng lồ của Nhật Bản lên sàn vào năm 2018, với vốn hóa thị trường là 7.180 tỷ yen vào thời điểm đó.
Kioxia trước đó đã được chấp thuận niêm yết trên TSE vào năm 2020, nhưng kế hoạch đã bị hoãn lại do tình hình thị trường thay đổi.
Tuy nhiên, môi trường kinh doanh cải thiện đã thúc đẩy nỗ lực niêm yết cổ phiếu của công ty. Lợi nhuận ròng của Kioxia trong quý II/2024 đạt mức cao nhất trong lịch sử với 69,8 tỷ yen khi nhu cầu về điện thoại thông minh và máy tính cá nhân - thị trường chính của bộ nhớ - sau khi chạm đáy đã đi lên.
Công ty đang tăng cường các lựa chọn tài chính, vốn trước đây phụ thuộc vào việc vay mượn vì nhu cầu về trung tâm dữ liệu AI tăng lên và cạnh tranh đầu tư ngày càng gay gắt.
Kioxia đã cố gắng đàm phán một thỏa thuận để sáp nhập với công ty bộ nhớ Western Digital của Mỹ, nhằm mục đích thành lập một thực thể có thể cạnh tranh với Samsung Electronics, công ty dẫn đầu thị trường bộ nhớ NAND.
Tuy nhiên, các cuộc đàm phán đã bị hủy vào tháng 10/2023 vì vẫn còn lo ngại về việc xin phê duyệt từ các cơ quan chống độc quyền tại thị trường lớn là Trung Quốc.