Các địa phương sẽ quyết định quy mô, vị trí cụ thể của các dự án điện gió ngoài khơi
Bộ Công Thương vừa trình Thủ tướng về Dự thảo Kế hoạch thực hiện Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII).
Căn cứ theo danh mục các dự án quan trọng, ưu tiên đầu tư của ngành, Bộ Công Thương cho biết các nguồn điện sẽ được phân theo loại hình, vùng miền và giai đoạn dự kiến đưa vào vận hành.
Đối với các dự án điện than lớn, rủi ro chậm tiến độ do những khó khăn trong quá trình chuẩn bị đầu tư và tiến độ vận hành chưa xác định thời gian cụ thể, Bộ Công Thương sẽ làm việc với các chủ đầu tư dự án để làm rõ khả năng triển khai hoặc xem xét chấm dứt theo quy định của pháp luật.
Đối với các nguồn điện chạy nền, có vai trò quan trọng trong đảm bảo an ninh cung cấp điện như nhiệt điện chạy LNG nhập khẩu, khí trong nước, thủy điện lớn… Bộ Công Thương cho rằng cần rà soát tiến độ triển khai đầu tư xây dựng hàng năm/hàng quý để có đánh giá chính xác nhất về khả năng cung ứng điện quốc gia trong từng năm đến 2030 và đề xuất các giải pháp nếu bị chậm tiến độ.
Với các dự án điện gió ngoài khơi, Bộ Công Thương dự kiến phân bổ theo vùng. Quy mô công suất điện gió ngoài khơi sẽ được chuẩn xác trong quá trình triển khai thực hiện dự án.
Việc lựa chọn quy mô, vị trí cụ thể của các dự án điện gió ngoài khơi sẽ được các địa phương quyết định, căn cứ vào các yếu tố chính như chi phí sản xuất điện, khả năng giải tỏa công suất của lưới điện, chi phí truyền tải điện và hiệu quả tổng thể về kinh tế - xã hội các địa phương.
Đối với nguồn điện mặt trời, Dự thảo cho biết quy mô công suất sẽ được tính toán dựa trên tính khả thi thực hiện, tiến độ triển khai thực tế; khả năng giải tỏa công suất của lưới điện khu vực địa phương; chi phí sản xuất điện quy dẫn, có xét đến chi phí truyền tải điện.
Còn với các dự án điện mặt trời mái nhà tại các khu công nghiệp, quy mô phát triển đạt khoảng 2.600 MW năm 2030 sẽ được phân bổ dựa trên tiềm năng kỹ thuật điện mặt trời mái nhà các khu công nghiệp.
Điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu khu vực công sở, dân dụng sẽ thực hiện theo lộ trình phấn đấu độ bao phủ đạt 50 % số tòa nhà công sở và nhà dân vào năm 2030.
Đối với thủy điện nhỏ, Bộ Công Thương cho biết quy mô công suất tăng thêm của nguồn thủy điện căn cứ vào tiềm năng thủy điện nhỏ do các tỉnh đề xuất, quy mô công suất đã bổ sung quy hoạch và tính khả thi thực hiện và khả năng giải tỏa công suất của lưới điện, chi phí truyền tải.
Với các nguồn năng lượng tái tạo khác như điện sinh khối và điện rác sẽ được khuyến khích phát triển trên cơ sở tiềm năng điện sinh khối và điện rác do các tỉnh đề xuất tuy nhiên cần đảm bảo tính khả thi, khả năng giải tỏa công suất và các tiêu chí khác.