|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Các công ty quần áo đắc lợi nhờ sử dụng ảnh 3D để tăng tốc độ sản xuất

09:38 | 07/08/2018
Chia sẻ
Nhờ ứng dụng ảnh 3D, các công ty quần áo không chỉ chẳng những tiết kiệm khá nhiều thời gian và chi phí sản xuất, mà còn đưa sản phẩm tới người mua nhanh hơn.

Khi Betabrand nhận thấy đồ đan trở thành hình ảnh phổ biến trong dòng sản phẩm giày chạy, công ty hỏi người truy cập trang web của họ về loại giày mà họ thích.

Với những câu trả lời của họ, công ty sản xuất quần áo đã có phiên bản của loại giày đang có sẵn trên thị trường trên trang web chỉ trong vòng một tuần.

Người sử dụng thấy hình ảnh ba chiều (3D) của giày chạy. Ảnh có chiều cao, độ rộng và chiều sâu. Nhưng chưa chiếc giày nào tồn tại ngoài thực tế, VOA đưa tin.

Thông thường, việc tạo ra nguyên mẫu (hay mẫu đầu tiên) truyền thống của giày kéo dài từ 6 tới 9 tháng. Do chờ quá lâu, công ty có thể bỏ lỡ mối quan tâm của người tiêu dùng đối với giày đan.

“Khoảng thời gian người xem tập trung trên trang web khá ngắn. Vì thế, nếu bạn có thể phát triển và tạo ra sản phẩm trong thời gian ngắn, bạn có thể trở thành cỗ máy phát triển sản phẩm thực sự”, Chris Lindland, giám đốc điều hành Betabrand, phát biểu.

Người mua vẫn phải chờ vài tháng để công ty sản xuất giày. Nhưng việc sử dụng công nghệ số trong thiết kế và bán hàng đồng nghĩa với việc những sản phẩm thời trang mới sẽ tới với người dân nhanh hơn so với phương pháp cũ.

“Những công ty và chủ cửa hàng chào đón công nghệ này sẽ trở thành “những người chiến thắng trong tương lai”, David Bassuk, giám đốc công ty tư vấn tiếp thị AlixPartners, nhận định.

cac cong ty quan ao dac loi nho su dung anh 3d de tang toc do san xuat
Tiffany Tam, một nhân viên thiết kế của Betabrand, tạo các mẫu túi xách trên máy tính trong một cửa hàng của Betabrand ở thành phố San Francisco, Mỹ. Ảnh: AP

Dùng hình ảnh 3D là sự thay đổi lớn về mặt văn hóa đối với các nhà sản xuất quần áo. Trong nhiều năm, các nhà thiết kế tạo hình ảnh trên giấy, mẫu thiết kế được chấp thuận và rồi những hình ảnh tới một nhà máy, nơi người ta tạo ra các mẫu đầu tiên. Các nhà thiết kế và nhóm phát triển thay đổi và trao đổi mẫu nhiều lần. Khi phiên bản cuối cùng được chấp thuận, người ta đưa nó tới nhà máy để sao chép cho việc sản xuất hàng loạt. Từ khi bắt đầu tới lúc kết thúc, quá trình có thể kéo dài tới một năm.

Giờ đây, một số công ty cho các nhà thiết kế tạo ra hình ảnh trên những máy tính bảng có độ phân giải cao. Họ sử dụng các chương trình phần mềm có thể gửi ảnh 3D về quần, áo với các số đo tới nhà máy ngay lập tức qua thư điện tử. Mục tiêu là giảm thời gian đưa sản phẩm mới ra cửa hàng xuống 6 tháng hoặc ngắn hơn.

Đối với các nhà sản xuất hoặc cửa hàng, sự thay đổi này đồng nghĩa với việc các quyết định thiết kế có thể diễn ra sát thời điểm các mẫu mới ra cửa hàng hơn.

Hiện tại chỉ 2% nhà cung cấp sử dụng công nghệ 3D, theo Spencer Fung, giám đốc của công ty Li & Fung. Nhưng ông tin tình hình sẽ thay đổi khi các chủ cửa hàng nhận ra rằng giảm thời gian thiết kế và tạo mẫu đầu tiên có thể tiết kiệm tiền.

Li & Fung tư vấn hơn 8.000 nhà sản xuất, bao gồm Betabrand, và 15.000 nhà cung cấp trên toàn thế giới.

“Bạn có thể tạo một bộ sưu tập quần áo trước khi thực sư sản xuất sản phẩm thực”, Whitney Cathcart, giám đốc điều hành công ty Cathcart Technologies, nhận xét. Cô nói giải pháp mới giảm sự lãng phí, thời gian từ khâu thiết kế tới sản xuất, cho phép ra quyết định trong thời gian thực, nên toàn bộ quá trình trở nên hiệu quả hơn.

Fung hình dung một tình huống mà trong đó một hình ảnh trên mạng xã hội - với một nhân vật nổi tiếng mặc trang phục màu đỏ - nhận 500.000 “like”. Nhà sản xuất nhận một tin nhắn với nội dung bộ trang phục ấy đang là xu thế.

Nicki Rector sống ở phía bắc bang California. Năm ngoái, cô mua một đôi giày ống của Betabrand dựa trên ảnh 3D.

“Nó giống như thật”, Rector nhận xét. Cô không lo ngại về việc mua sản phẩm từ một ảnh kỹ thuật số, vì trong giao dịch trực tuyến, bạn không thực sự biết bạn mua sản phẩm phù hợp hay không tới khi bạn đặt xỏ nó vào chân.

cac cong ty quan ao dac loi nho su dung anh 3d de tang toc do san xuat
Một mẫu giày đan của công ty Betabrand. Ảnh: AP

Betabrand bán 40.000 đôi giày - với giá từ 128 tới 168 USD - trong năm ngoái từ ảnh kỹ thuật số. Công ty thông báo họ muốn tăng thêm 15 tới 20 dự án trong năm nay.

Chỉ vài công ty bán sản phẩm trực tiếp cho người mua dựa trên ảnh kỹ thuật số như Betabrand. Thay vào đó, họ chỉ cho người mua tại cửa hàng hoặc các nhà máy xem hình ảnh.

Xcel Brands, tập đoàn sở hữu nhiều công ty quần áo, chỉ dùng ảnh 3D đối với quần, áo phụ nữ, cũng như cho công ty đồ trang sức Judith Ripka. Ông Robert D’Loren, tổng giám đốc Xcel Brands, hy vọng tập đoàn sẽ bắt đầu sử dụng hình ảnh 3D trên trang web vào năm tới.

Tommy Hilfiger sử dụng một chiếc bàn cảm ứng - nơi người mua có thể thấy mọi sản phẩm trong bộ sưu tập và tạo yêu cầu đặc biệt. Còn Deckers Brands đang sử dụng những hình ảnh số về giày ống với 10 màu sắc, loại bỏ nhu cầu sử dụng 10 nguyên mẫu cho người mua tại cửa hàng. Giải pháp đó giúp công ty giảm chi phí và tăng tốc độ.

Sử dụng thiết kế kỹ thuật số cũng đồng nghĩa với việc những công ty như Levi Strauss & Company có thể đưa thông tin vào một máy có khả năng thay đổi màu sắc hay hình dạng của sản phẩm. Nó có thể làm một quá trình kéo dài 30 phút nếu thực hiện thủ công giảm xuống một phút rưỡi.

Bart Sights, một người làm việc cho hãng Levi’s, nhận định rằng 30 năm trước quần jeans của công ty chỉ có 3 màu. Giờ đây, công ty có thể thiết kế 1.000 mẫu trong mỗi mùa.

Xem thêm