Các ca COVID-19 tái dương tính là do xác virus, không có khả năng lây lan ra cộng đồng
Cho biết về tình trạng những ca tái dương tính của các bệnh nhân COVID-19, GS.TS Nguyễn Văn Kính - Chủ tịch Hội Truyền nhiễm Việt Nam, nguyên Giám đốc BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết trên Sức khoẻ & Đời sống rằng nguyên nhân tái dương tính là do xác virus chứ không phải là virus hoạt động.
"Những bệnh nhân dương tính trở lại này không có bất kì triệu chứng lâm sàng nào, nên không cần điều trị. Đây cũng không phải các trường hợp người lành mang trùng, vì nếu như vậy thì con virus phải sống và có khả năng lây bệnh, nhưng đây chỉ là xác virus trong quá trình thải loại", GS. Kính chia sẻ.
Ông cho biết thêm tại BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương, trong quá trình theo dõi 2 bệnh nhân dương tính lại là BN74 và BN137 (2 bệnh nhân này đã có 4 lần xét nghiệm âm tính liên tiếp và được công bố khỏi bệnh sáng nay 5/5), các bác sĩ không điều trị thêm bất cứ một loại thuốc nào mà chỉ tiến hành nuôi cấy các mẫu virus, đồng thời theo dõi sức khỏe của họ.
Trước đó, thông tin từ Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19 cũng cho biết, qua nuôi cấy lại 5 mẫu virus của các ca dương tính lại với SARS-CoV-2 sau khi khỏi bệnh song các virus này đều không phát triển.
Chuyên gia bệnh truyền nhiễm cũng cho rằng, trường hợp dương tính lại ở các bệnh nhân COVID-19 đã khỏi bệnh xảy ra ở một số nước trên thế giới. Vấn đề này có thể liên quan đến những thành phần đáp ứng miễn dịch mà chúng ta cần nghiên cứu thêm, còn về phía y tế công cộng, chúng ta không quá e ngại với các trường hợp tái dương tính.
Cách đây không lâu, trong thông cáo đưa ra ngày 29/4, Ủy ban y tế trung ương về kiểm soát các bệnh mới xuất hiện của Hàn Quốc cho biết, không có sự tồn tại của virus sống nào trong các ca dương tính trở lại.
Điều này đã bác bỏ các giả thuyết nguyên nhân tái dương tính là do virus tái hoạt động trong cơ thể hoặc do người bệnh tái nhiễm trong cộng đồng.
GS Kính cho biết thêm, ở mỗi một quốc gia, virus SARS-CoV-2 đều khác so với virus ban đầu được công bố ở Vũ Hán, Trung Quốc. Các chuyên gia trên thế giới đã giải mã được trình tự gen của virus gây bệnh tại một số nước. Hiện, virus SARS-CoV-2 đã có nhiều biến thể khác nhau. Tại Việt Nam, virus SARS-CoV-2 không giống 100% với virus gây bệnh viêm phổi ở Vũ Hán.
Thời gian ủ bệnh trung bình của bệnh nhân COVID-19 thông thường là từ 8 - 10 ngày. Tổn thương phổi và diễn biến nặng sau một tuần. Tổn thương này bắt đầu ở rìa phổi rồi lan dần vào trung tâm, dần khiến bệnh nhân suy hô hấp, thiếu oxy, nguy kịch. Khi đó bác sĩ phải điều trị cá thể hóa, tức dùng phác đồ cho từng bệnh nhân riêng. Một số người bị rối loạn đông máu sẽ diễn tiến rất nặng.
"Điều đáng mừng là với cách thức, kinh nghiệm chống các dịch bệnh khác mà Việt Nam đã thành công trước đây, chúng ta đã cứu sống tất cả bệnh nhân, đến giờ phút này chưa có trường hợp tử vong" - GS. Kính nói trong buổi công bố các bệnh nhân khỏi bệnh.
Tính đến 18h00 ngày 5/5, tổng số ca nhiễm COVID-19 tại Việt Nam vẫn ở mức 271 ca trong đó, đã chữa khỏi cho 232 bệnh nhân, chiếm 86% tổng số ca mắc. 19 ngày qua Việt Nam có ca lây nhiễm COVID-19 trong cộng đồng.