Cá nhân trong nước tiếp tục gom VHM trước ngày chốt quyền nhận cổ tức
VN-Index khởi sắc với thanh khoản tăng mạnh
Thị trường chứng khoán đóng cửa phiên đầu tuần với sắc xanh lan tỏa tại hầu hết các nhóm ngành. Tuy áp lực bán gia tăng trước vùng 1.350 điểm, độ rộng thị trường vẫn nghiêng hẳn về bên mua với sự hỗ trợ của dòng tiền.
Đóng cửa, VN-Index tăng 11,74 điểm (0,88%) lên 1.346,39 điểm, HNX-Index tăng 2,21 điểm (0,64%) lên 345,63 điểm, UPCoM-Index tăng 0,69% lên 94,66 điểm.
Thanh khoản thị trường được đẩy lên cao với hơn 1,2 tỷ đơn vị cổ phiếu được giao dịch, tương đương tổng giá trị giao dịch lên tới 34.600 tỷ đồng, tăng 18% so với phiên trước kỳ nghỉ lễ. Trong đó, tính riêng giá trị giao dịch trên HOSE là 28.222 tỷ đồng.
Theo quan sát, dòng tiền có dấu hiệu chốt lời tại một số cổ phiếu midcaps đã tăng mạnh trong giai đoạn trước đó, trong khi tỷ trọng dòng tiền tiếp tục tăng ở nhóm vốn hóa nhỏ và cải thiện đáng kể ở nhóm vốn hóa lớn.
Trong phiên tăng điểm của VN-Index, các cá nhân trong nước vẫn là lực mua lớn nhất toàn thị trường. Họ mua ròng 150 tỷ đồng tại HOSE, trong đó tính riêng mua ròng khớp lệnh là 302 tỷ đồng.
Cùng chiều, nhóm tự doanh công ty chứng khoán cũng mua ròng trở lại 49,8 tỷ đồng qua khớp lệnh. Tuy nhiên tính cả giao dịch thỏa thuận nhóm này lại nghiêng về phía bán ròng với 23,9 tỷ đồng.
Tại chiều đối ứng, khối ngoại là áp lực xả chính trên sàn HOSE với giá trị rút ròng 337 tỷ đồng qua khớp lệnh. Ngoài lực bán mạnh vẫn được duy trì tại VHM, dòng tiền ngoại cũng rút khỏi nhiều mã midcaps như HSG, VND, VCI.
Nhóm bất động sản tiếp tục là điểm sáng trong giao dịch
Thống kê giao dịch khớp lệnh, nhóm bất động sản có phiên thứ hai dẫn dắt giao dịch của các cá nhân khi thu hút lượng lớn giá trị mua ròng. Trong phiên 6/9, nhóm này được vào ròng 878 tỷ đồng, giảm 400 tỷ đồng so với phiên giao dịch cuối cùng trước kỳ nghỉ lễ và tiếp tục đối lập với áp lực bán mạnh từ khối ngoại.
Cùng chiều, lực mua vào cũng phân bổ tại nhóm thực phẩm & đồ uống với 94 tỷ đồng, gần tương đương so với phiên trước đó. Theo sau, các nhóm được mua ròng nhẹ gồm hóa chất, hàng cá nhân & gia dụng...
Tại phía bán ròng, nhóm này bán ròng 12/18 ngành trong đó áp lực xả hàng mạnh nhất xuất hiện ở nhóm ngân hàng. Nhóm này bị rút ròng 259 tỷ đồng, trái ngược với chiều mua trong những phiên trước đó.
Diễn biến cùng chiều, nhóm hàng & dịch vụ công nghiệp cũng chịu áp lực bán ròng 186 tỷ đồng, theo sau là tài nguyên cơ bản (146 tỷ đồng) và dịch vụ tài chính (65 tỷ đồng).
Phần lớn lực mua ròng tập trung ở cổ phiếu VHM của Vinhomes
Thống kê giao dịch từng mã, cổ phiếu VHM của Vinhomes là mã thu hút phần lớn lực mua ròng với giá trị gần 831 tỷ đồng. Dòng tiền cá nhân trở lại mua ròng trong hai phiên gần đây giúp VHM lấy lại sắc xanh với khối lượng giao dịch lên tới 13 - 21 triệu đơn vị.
Giao dịch nhộn nhịp trở lại tại VHM xuất hiện sau thông báo trả cổ tức năm 2020 bằng tiền và cổ phiếu với tỷ lệ 45%. Theo đó, Vinhomes quyết định ngày giao dịch không hưởng quyền là ngày 15/9 tới đây.
Đối ứng với các cá nhân là lực xả đến từ khối ngoại và tổ chức nội trong những phiên gần đây. Nhìn chung, giao dịch tại VHM vẫn xoay quanh câu chuyện thoái vốn của cổ đông lớn.
Trở lại giao dịch cổ phiếu, hai ông lớn ngành thực phẩm & đồ uống là VNM và MSN cũng được mua ròng khoảng 38 - 39 tỷ đồng. Theo sau, lực cầu nhẹ hơn xuất hiện tại các mã IJC, PVT, VHC, NLG, NVL, DPM, KBC...
Trở lại phía bán ròng, mã APH của An Phát Holdings tiếp tục dẫn đầu chiều bán với 244 tỷ đồng sau khi được mua ròng cuối tháng 8. Áp lực chốt lời xuất hiện sau khi APH cùng 7 cổ phiếu Việt Nam lọt vào rổ chỉ số FTSE Frontier Index. Đóng cửa phiên 6/9, APH tăng 4,15% và dừng lại ở 55.200 đồng/cp.
Với việc sắc xanh lan tỏa tại nhóm ngân hàng, cá nhân trong nước nhân cơ hội chốt lời nhiều cổ phiếu ngành này như MBB (93,5 tỷ đồng), VCB (40,2 tỷ đồng), HDB (37 tỷ đồng), SSB (31,6 tỷ đồng), CTG (28,4 tỷ đồng).
Cùng chiều, hai cổ phiếu ngành thép là HPG và HSG đồng loạt bị rút ròng trong phiên dậy sóng, theo sau là lực xả tại các mã TVB, VND....