MASVN: Thị trường đã phản ánh tác động tiêu cực của dịch bệnh, VN-Index hướng đến mốc 1.440 điểm
Thị trường chứng khoán Việt Nam tăng trưởng 1,6% trong tháng 8 bất chấp xu hướng rút ròng từ khối ngoại
Trong bối cảnh Châu Á vẫn đang chống chọi với dịch COVID-19, nhiều thị trường chứng khoán khu vực đã tăng mạnh trong tháng 8 như Ấn Độ (9,4%), Philippines (9,3%), Thái Lan (7,7%), Malaysia (7,1%).
Tuy đồng thuận với xu hướng tăng chung, thị trường chứng khoán Việt Nam giao dịch có phần giằng co và chỉ tăng nhẹ 1,6%. Giá trị khớp lệnh bình quân tăng gần 16% so với tháng 7 lên khoảng 22.000 tỷ đồng.
Kết thúc tháng 8, VN-Index giao dịch ở mức P/E 16 lần, cao hơn gần 10% so với mức trung bình 10 năm và thấp hơn mức trung bình 10 năm cộng 1 độ lệch chuẩn 8%. Mức định giá hiện tại thấp hơn 27% so với vùng đỉnh định giá trước đó được thiết lập vào tháng 4/2018 tại mức P/E 22 lần.
So sánh với P/E các thị trường khác như Singapore, Philippines, Thái Lan trong đang ở vùng trung bình 10 năm cộng 2 độ lệch chuẩn, P/E của VN-Index đã điều chỉnh về mức tương đối hợp lý.
Theo thước đo của Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam (MASVN), dòng tiền tập trung tại một số ngành như dược phẩm và y tế, thực phẩm và đồ uống, may mặc, xây dựng cơ bản, vận tải,... Đây cũng là những nhóm có mức tăng ấn tượng trong tháng.
Ngược lại, dòng tiền vào ngành ngân hàng đang ở mức thấp trong vòng 1 năm trở lại đây. Tuy chiếm tỷ trọng vốn hóa lớn nhất, nhóm này tiếp tục giảm điểm và kìm hãm đà tăng của thị trường.
Trong tháng 8, khối ngoại bán ròng hơn 277 triệu USD (tương đương hơn 7.000 tỷ đồng). Lũy kế từ đầu năm, nhóm này đã bán ròng 1,6 tỷ USD, gần gấp đôi so với mức bán ròng trong năm 2020.
Ghi nhận tại nhiều thị trường Châu Á, dòng tiền ngoại đã trở lại mua ròng như Đài Loan (1 tỷ USD), Ấn Độ (1 tỷ USD), Indonesia (312 triệu USD), Malaysia (251 triệu USD), Thái Lan (175 triệu USD), và Philippines (33 triệu USD). Riêng Hàn Quốc tiếp tục bị bán ròng hơn 5 tỷ USD.
Kể từ đầu năm, ngoại trừ Ấn Độ và Indonesia thu hút được dòng vốn ngoại lần lượt là 7,4 tỷ USD và 1,6 tỷ USD, các thị trường châu Á đều ghi nhận xu hướng rút ròng của khối ngoại.
VN-Index có thể hướng đến mốc 1.440 điểm trong kịch bản lạc quan nhất
Sau mùa kết quả kinh doanh quý II, MASVN nhận thấy tốc độ tăng trưởng doanh thu của các doanh nghiệp gia tăng, củng cố mô hình hồi phục hình chữ V kể từ mức đáy quý 2 năm 2020. Một điểm tích cực khác là cả biên lợi nhuận gộp và biên lợi nhuận hoạt động đều được cải thiện.
Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng EPS đã có phần chậm lại so với quý trước đó. Tính chung, mức EPS nửa đầu năm 2021 tăng 75,3% so với cùng kỳ.
Do dịch bệnh kéo dài hơn 4 tháng, với mức độ thực hiện các biện pháp giãn cách nghiêm ngặt hơn từ trong quý III, MASVN cho rằng kết quả kinh doanh cũng sẽ bị tác động nặng nề, và phục hồi trong quý IV với giả định Chính phủ sẽ nới lỏng các biện pháp giãn cách từ tháng 10.
Trên cơ sở đó, MASVN dự báo EPS nửa cuối năm sẽ tăng gần 12% so với cùng kỳ. Với giả định lạc quan này, các chuyên gia giữ nguyên kỳ vọng tăng trưởng EPS năm nay khoảng 33%. Tuy nhiên, cần hạ kỳ vọng cho kịch bản xấu, với mức tăng trưởng EPS 2021 chỉ đạt khoảng 26% nếu thời gian kiểm soát dịch bệnh kéo dài sang quý IV.
Tương ứng với kỳ vọng mức tăng trưởng EPS năm 2021, MASVN điều chỉnh dự phóng biến động VN-Index trong 4 tháng cuối năm trong khoảng từ 1.200 đến 1.440 điểm.
Thị trường đã phản ánh phần nào tác động tiêu cực của đợt bùng phát dịch lần thứ tư này trong nhịp điều chỉnh mạnh giữa tháng 7. Tuy nhiên, dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp ở các tỉnh và thành phố lớn, đây là biến số lớn đối với nền kinh tế, và được kỳ vọng sẽ tiếp tục phản ánh qua biến động của thị trường trong tháng 9.
Trong kịch bản tiêu cực nhất, VN-Index được dự báo sẽ tìm thấy ngưỡng hỗ trợ quanh mốc 1.200 điểm. Đối với kịch bản lạc quan nhất, MASVN kỳ vọng dịch bệnh sớm được kiểm soát, và VN-Index có thể hướng đển đỉnh cao mới trong năm nay ở mức 1.440 điểm.
Bên cạnh đó, Chứng khoán Mirae Asset cũng cập nhật triển vọng đối với một số ngành giữa bối cảnh kinh tế hiện nay. Nhóm tâm điểm vẫn là ngân hàng và chứng khoán với những thuận lợi về chính sách tái cơ cấu nợ và thanh khoản trên thị trường chứng khoán vẫn ở mức cao.
Ngoài ra, bất động sản dân cư và bất động sản khu công nghiệp đều được kỳ vọng tăng trưởng trong dài hạn khi tình hình dịch bệnh ổn định. Các ngành sản xuất như thép/tôn mạ, thực phẩm & đồ uống, năng lượng điện và công nghệ thông tin,... cũng được kỳ vọng sẽ tăng trưởng tốt.