Sau nhiều tuần kiếm lợi nhuận với midcap, dòng tiền sẽ trở lại với nhóm vốn hóa lớn?
Sự trỗi dậy của midcaps sau cú đạp của thị trường
Thị trường từng bước đi lên trong nửa đầu tháng 8 nhưng nhịp rơi hơn 75 điểm sau hai phiên bán tháo (20, 23/8) khiến nhà đầu tư liên tưởng đến trạng thái VN-Index "lên bằng thang bộ, xuống bằng thang máy". Thành quả giao dịch bị đánh đổ trong hai phiên khiến tâm lý giao dịch của nhà đầu tư từ hưng phấn trở nên bi quan hơn bao giờ hết.
Dù vậy, điểm tích cực là dòng tiền không hoàn toàn thoát khỏi thị trường mà xoay tua giữa các dòng cổ phiếu để tìm kiếm lợi nhuận ngắn hạn. Quan sát từ dữ liệu của Fiinpro, dòng tiền có sự chuyển dịch mạnh mẽ từ cổ phiếu lớn sang nhóm vốn hóa vừa và nhỏ trong thời gian gần đây.
Sóng cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ (midcaps và smallcaps) trở thành nhân tố "giữ chân" nhà đầu tư trong bối cảnh nhóm cổ phiếu trụ liên tục lao dốc và trở thành yếu tố đè nặng lên tâm lý của thị trường chung.
Dòng tiền vào nhóm VN30 đã có xu hướng giảm từ tháng 7/2021 và giảm mạnh nhất vào phiên 31/8 khi tỷ trọng giá trị giao dịch của rổ VN30 thấp hơn tỷ trọng giá trị giao dịch của nhóm vốn hóa vừa (VNMid) là 39,7%.
Cụ thể, thanh khoản sàn HOSE trong phiên cuối tháng 8 đạt 22.616 tỷ đồng, tăng gần 9% so với phiên trước đó. Trong đó, giá trị giao dịch nhóm VN30 là 8.669 tỷ đồng, tăng 4,4% so với phiên trước nhưng tỷ trọng so với thanh khoản của HOSE còn 38,1%, lần thứ hai trong năm 2021 xuống dưới 40%. Lần gần nhất tỷ lệ này xuống dưới 40% là ngày 10/3 với tỷ trọng 37,5%.
Trong khi đó, giá trị giao dịch của nhóm vốn hóa trung bình (VNMid) đạt gần 9.029 tỷ đồng. Như vậy, mức thanh khoản này đã vượt qua nhóm VN30 và chiếm 39,7% tổng giá trị giao dịch sàn HOSE.
Nhóm vốn hóa lớn trở lại hút tiền?
Trong phiên giao dịch trước kỳ nghỉ lễ Quốc khánh, dòng tiền đã quay lại cổ phiếu lớn qua đó giúp thị trường giữ vững đà tăng.
Cụ thể, tỷ trọng giá trị giao dịch của các cổ phiếu trong nhóm VN30 đã tăng lên 48,01% trên HOSE, tăng mạnh từ mức 38,12% của phiên trước nhờ có dòng tiền vào nhóm ngân hàng gia tăng và giao dịch tại mã VHM tăng mạnh do nhà đầu tư kỳ vọng giá cổ phiếu tăng trước tin chốt quyền hưởng cổ tức 45% (15% tiền mặt, 30% cổ phiếu).
Ở nhóm vốn hóa lớn nhất thị trường, cổ phiếu ngân hàng cũng ghi nhận giao dịch tích cực hơn trong phiên 1/9 với tỷ trọng thanh khoản chiếm 14,48% giá trị giao dịch trên HOSE.
Ngược lại, tỷ trọng giá trị giao dịch của nhóm vốn hóa vừa giảm mạnh xuống 30,65% từ mức là 39,7% phiên trước đó. Tương tự, tỷ trọng thanh khoản của nhóm vốn hóa nhỏ cũng giảm xuống 16,71% so với mức 18,61% ngày hôm trước.
Là ngành chiếm tỷ trọng vốn hóa lớn và thường xuyên thu hút dòng tiền trên thị trường, sự suy yếu của nhóm 'cổ phiếu vua' khiến VN-Index khó tăng mạnh dù dòng tiền luôn nỗ lực tìm kiếm cơ hội bứt phá trong ngắn hạn.
Mặc dù chưa thể chắc chắn dòng tiền sẽ quay lại với nhóm vốn hóa lớn trong thời gian tới đây nhưng tín hiệu hút tiền trở lại của nhóm VN30 được kỳ vọng là nhân tố hỗ trợ tâm lý thị trường khi nhóm này chiếm tới 75% tỷ trọng vốn hóa trên HOSE.
Trước diễn biến hiện tại của dòng tiền, Chứng khoán MB (MBS) cũng nhận định nhóm cổ phiếu penny đã tăng sang tuần thứ 6 liên tiếp, theo đó nhà đầu tư có thể chốt lời dần và cơ cấu một phần sang nhóm bluechips.
Tương tự, Chứng khoán Agriseco cũng cho rằng nhà đầu tư có thể tăng tỷ trọng tại những nhịp giảm điểm đối với các cổ phiếu đầu ngành như logistics, ngân hàng, bất động sản, khu công nghiệp; đồng thời hạ tỷ trọng những mã cổ phiếu đã tăng nóng hoặc đạt tỷ suất sinh lời kỳ vọng.