Dòng tiền thông minh 6/9: NĐT cá nhân mạnh tay gom 1.500 tỷ đồng trước kỳ nghỉ lễ 2/9
Phiên giao dịch trước kỳ nghỉ lễ (1/9) chứng kiến sự giằng co khá mạnh giữa hai phe mua - bán, dù vậy điểm tích cực là thị trường vẫn giữ được sắc xanh đến cuối phiên. Đóng cửa, VN-Index tăng 3,18 điểm, dừng chân tại ngưỡng 1.334,65 điểm.
Dòng tiền đầu tư suy yếu so với phiên trước đó khi chỉ có 11/19 nhóm ngành tăng điểm. Các ngành củng cố đà tăng của thị trường là hóa chất, dầu khí, hàng & dịch vụ công nghiệp. Độ rộng thị trường duy trì trạng thái tích cực với thanh khoản gần như không đổi so với phiên trước.
Khối lượng cổ phiếu giao dịch tiếp tục duy trì ở mức trung bình 20 phiên với hơn 678 triệu đơn vị khớp lệnh. Nhóm cổ phiếu ngân hàng và chứng khoán tiếp tục giao dịch kém sắc với nhiều mã đóng cửa giảm điểm. Ngược lại, dòng cảng biển có phần tích cực hơn với một số cổ phiếu tăng mạnh như HAH, PHP, DVP.
Trong phiên, áp lực chốt lời gia tăng ở nhóm nhà đầu tư tổ chức trong nước và khối ngoại với tổng giá trị bán ròng đạt trên 1.400 tỷ đồng. Cùng chiều, khối tự doanh công ty chứng khoán rút ròng nhẹ hơn 60 tỷ đồng. Trong khi đó, NĐT cá nhân là lực đỡ duy nhất của thị trường khi họ mua ròng gần 1.500 tỷ đồng.
Tự doanh duy trì đà bán ròng, tập trung rút vốn khỏi nhóm ngân hàng
Thống kê giao dịch của khối tự doanh công ty chứng khoán, nhóm này bán ròng 60,5 tỷ đồng. Tính riêng kênh khớp lệnh thì họ bán ròng 62,5 tỷ đồng.
Cụ thể, tự doanh mua ròng 11/18 ngành, trong đó tập trung rót tiền cho ngành dịch vụ tài chính, tài nguyên cơ bản. Top10 cổ phiếu được nhóm này mua ròng phiên 1/9 gồm FUEVFVND, HPG, MWG, FPT, GEX, VRE, MSN, VIC, PVD, NVL.
Ở chiều ngược lại, khối tự doanh chủ yếu bán ròng cổ phiếu của các nhà băng và doanh nghiệp địa ốc. Trong số 10 mã chịu áp lực bán mạnh nhất từ khối tự doanh, có tới 6 đại diện đến từ nhóm ngân hàng. Top các mã bị bán ròng gồm VHM, VPB, TCB, STB, LPB, ACB, VCI, E1VFVN30, VNM và MBB.
Tổ chức nội chuyển vị thế bán ròng hơn 800 tỷ đồng
Giao dịch cùng chiều với khối tự doanh, NĐT tổ chức trong nước bán ròng 806,6 tỷ đồng, trong đó họ rút ròng 871,5 tỷ đồng qua kênh khớp lệnh.
Tính riêng giao dịch khớp lệnh, tổ chức nội bán ròng 6/18 ngành với giá trị lớn nhất là nhóm bất động sản. Top10 cổ phiếu bị khối này bán ròng có VHM, CTG, HAH, VPB, GEX, ACB, TCB, SSB, MBB, BMI.
Trong khi đó, các tổ chức trong nước mua ròng nhiều nhất ngành tài nguyên cơ bản với đại diện là nhóm thép. Top các mã được họ mua ròng có APH, HPG, SSI, VJC, NVL, LPB, BID, VIC, DIG, STB.
Cá nhân trong nước mua ròng mạnh đối ứng với tất cả các nhóm nhà đầu tư
Về phía NĐT cá nhân, họ mua ròng 1.484,5 tỷ đồng, trong đó mua ròng khớp lệnh 1.261,1 tỷ đồng.
Tính riêng giao dịch khớp lệnh, cá nhân trong nước mua ròng 8/18 ngành, chủ yếu là ngành bất động sản. Top mua ròng của NĐT cá nhân gồm VHM, VPB, KBC, TCB, VNM, ACB, VHC, HAH, STB, HCM. Trong đó, nổi bật là giao dịch gom ròng hơn 1.280 tỷ đồng cổ phiếu VHM của Vinhomes.
Liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp, Vinhomes vừa thông báo ngày 16/9 là ngày chốt danh sách cổ đông trả cổ tức năm 2020 bằng tiền và cổ phiếu. Cụ thể, doanh nghiệp sẽ thanh toán cổ tức tiền mặt tỷ lệ 15% vào ngày 1/10, số tiền dự kiến chi là 5.024 tỷ đồng.
Đồng thời, Vinhomes sẽ phát hành 1 tỷ cổ phiếu, tương đương tỷ lệ phân phối 30% để trả cổ tức. Nguồn thực hiện đến từ lợi nhuận sau thuế lũy kế chưa phân phối tính đến 31/12/2020. Vốn điều lệ sau phát hành dự kiến tăng từ 33.495 tỷ đồng lên 43.540 tỷ đồng.
Trở lại với giao dịch của cá nhân trong nước, họ rút vốn khỏi 10/18 ngành còn lại với lực xả chủ yếu đặt tại nhóm tài nguyên cơ bản, hàng & dịch vụ công nghiệp. Top bán ròng có APH, CTG, HPG, GVR, VRE, VCB, NVL, MSN, FPT.
Khối ngoại nâng quy mô rút ròng, tập trung vào MSN và VHM
Trong phiên vừa qua, NĐT ngoại bán ròng 616,5 tỷ đồng, tính riêng giao dịch khớp lệnh thì họ bán ròng 327 tỷ đồng.
Lực mua ròng khớp lệnh chính của nước ngoài tập trung ở nhóm ngân hàng, hóa chất. Top mua ròng khớp lệnh của khối ngoại gồm CTG, GVR, VRE, MBB, VCB, E1VFVN30, HAH, CRE, POW, HSG.
Ở chiều ngược lại, khối ngoại bán ròng nhiều nhất cổ phiếu của các doanh nghiệp địa ốc. Top10 mã bị NĐT nước ngoài bán ròng gồm VHM, FUEVFVND, KBC, VNM, VHC, HDB, PNJ, PDR, VIC.
Theo dữ liệu của Fiinpro, trong phiên 1/9, NĐT ngoại đã bán thỏa thuận 19,8 triệu cổ phiếu MSN với tổng giá trị khoảng 2.495 tỷ đồng. Giao dịch mua đối ứng từ nhóm NĐT nước ngoài là 17,6 triệu cổ phiếu (tương đương 2.203 tỷ đồng), phần còn lại nhà đầu tư trong nước mua, trong đó, tổ chức nội mua 71,8 tỷ đồng còn cá nhân trong nước mua 220 tỷ đồng.
Theo thông tin đăng ký giao dịch từ Bloomberg, tổ chức Ardolis Investment Pte., thuộc quỹ đầu tư Chính phủ Singapore (GIC) chính là tổ chức chào bán 19,5 triệu cổ phiếu MSN tại giá thỏa thuận128.250 đồng/cp, thấp hơn 3,79% so với giá đóng cửa hôm đó là 133.300 đồng/cp. Đây cũng là mức giá phù hợp với điều khoản thương vụ, với giá thỏa thuận được xác định trong vùng 125.600 – 129.600 đồng mỗi đơn vị.
Cũng vào hồi giữa tháng 1 vừa qua, Ardolis Investment Pte Ltd và Government of Singapore (thuộc GIC) đã bán ra tổng cộng gần 19,8 triệu cổ phiếu MSN ở mức giá 86.156 đồng/cp, thấp hơn so với giá đóng cửa ngày hôm đó 6,56%.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/