|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Tổ chức trong nước bán ròng gần 4.200 tỷ đồng trong tháng 8, tâm điểm rút vốn nhóm bất động sản

07:23 | 06/09/2021
Chia sẻ
Bất chấp những tín hiệu khởi sắc từ thị trường, tổ chức trong nước duy trì đà bán ròng 4.192 tỷ đồng trong tháng 8. Thống kê cho thấy, áp lực xả tập trung tại cổ phiếu của các doanh nghiệp địa ốc, thay vì nhóm ngân hàng như tháng trước đó.

Sau cú lao dốc từ vùng đỉnh lịch sử hồi tháng 7, thị trường chứng khoán Việt Nam chứng kiến đà hồi phục tích cực trong nửa đầu tháng 8. Tuy nhiên, từ khi các địa phương áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp phòng chống dịch, thị trường chứng chứng khoán lại có những phiên giảm điểm mạnh trước khi dần hồi phục các phiên gần đây.

Đóng cửa tháng 8, VN-Index tăng 21,42 điểm, tương đương 1,6%, đóng cửa tháng ở 1.331,47 điểm. Khởi sắc hơn HNX-Index tăng 8,8% đạt 342,81 điểm, UPCoM-Index dừng ở mốc 93,77 điểm, tăng 7,9% so với thời điểm cuối tháng 7.

Thống kê giao dịch khớp lệnh của các bên tham gia thị trường, cá nhân trong nước có tháng mua ròng lớn thứ hai kể từ đầu năm, chỉ sau tháng 3/2021 với giá trị gần 11.200 tỷ đồng. Bộ phận tự doanh công ty chứng khoán cũng đảo chiều gom ròng 813 tỷ đồng qua kênh khớp lệnh, dù tháng trước đó họ bán ròng đột biến 1.645 tỷ đồng.

Trong khi đó, giao dịch khối ngoại tỏ ra kém tích cực bất chấp những tín hiệu khởi sắc từ thị trường. Thống kê cho thấy, NĐT nước ngoài quay đầu bán ròng khớp lệnh 7.815 tỷ đồng trên HOSE sau tháng mua ròng trước đó trở lại.

Giao dịch đồng thuận với NĐT ngoại, tổ chức trong nước duy trì đà bán ròng 4.192 tỷ đồng trong tháng vừa qua. Tính cả giao dịch thỏa thuận thì họ rút ròng 5.033 tỷ đồng khỏi thị trường.

 - Ảnh 1.

Giao dịch qua kênh khớp lệnh theo nhóm nhà đầu tư. (Nguồn: Thu Thảo tổng hợp).

Áp lực xả dồn tại nhóm bất động sản 

Thống kê giao dịch theo ngành, tổ chức trong nước bán ròng 9/18 nhóm cổ phiếu, trong đó áp lực xả mạnh tiếp tục ghi nhận ở các nhóm đã tăng nóng trong thời gian qua như bất động sản, hóa chất, hàng & dịch vụ công nghiệp...

Theo quan sát, cổ phiếu của các doanh nghiệp địa ốc dẫn đầu chiều bán khi ghi nhận lực bán ròng đột biến hơn 4.500 tỷ đồng. Giao dịch đồng thuận với tổ chức nội, NĐT nước ngoài cũng xả ròng gần 4.800 tỷ đồng ngành bất động sản trong khi cá nhân trong nước và tự doanh gom mua.

Quy mô rút vốn tại nhóm ngân hàng đã thu hẹp đáng kể trong tháng 8. Từ việc bị xả mạnh nhất hơn 3.100 tỷ đồng tháng trước đó, dòng tiền rút ròng khỏi cổ phiếu của các nhà băng chưa đến 250 tỷ đồng trong tháng qua.

Tương tự, nhóm hàng & dịch vụ công nghiệp cũng bị NĐT tổ chức trong nước bán ròng gần 1.200 tỷ đồng sau nhịp gom ròng nhẹ tháng trước. Hoạt động rút ròng còn diễn ra ở nhóm hóa chất, xây dựng & vật liệu, dầu khí, bảo hiểm, bán lẻ.

 - Ảnh 2.

Giao dịch khớp lệnh của tổ chức nội theo nhóm ngành trong tháng 8. (Nguồn: Thu Thảo tổng hợp).

Chiều ngược lại, tổ chức trong nước chủ yếu giải ngân vào ba nhóm chính là tài nguyên cơ bản, thực phẩm - đồ uống và dịch vụ tài chính với giá trị lần lượt là 757 tỷ, 748 tỷ và 603 tỷ đồng. Kế đến, lực mua phân tán tại các nhóm du lịch & giải trí, công nghệ thông tin, điện, nước... với giá trị dưới 150 tỷ đồng.

Tâm điểm giao dịch cổ phiếu Vinhomes

Nổi bật trong giao dịch của tổ chức trong nước tháng qua là việc bán ròng hơn 3.187 tỷ đồng cổ phiếu VHM của Vinhomes. Giao dịch đột biến nhiều khả năng liên quan đến việc thoái vốn của cổ đông lớn và thương vụ bán cổ phiếu quỹ của Vinhomes.

Theo thông báo phát đi gần đây, Tập đoàn Vingroup đăng ký bán gần 100,5 triệu cổ phiếu VHM, tương đương 3% vốn điều lệ của Vinhomes. Giao dịch dự kiến thực hiện từ ngày 19/8 đến ngày 17/9 thông qua phương thức thỏa thuận và/hoặc khớp lệnh.

Nếu giao dịch thành công, Vingroup giảm số lượng cổ phần nắm giữ xuống còn 2,23 tỷ cổ phiếu, tương đương 66,66% vốn điều lệ của Vinhomes. Hiện giá cổ phiếu VHM ở mức 107.000 đồng/cp. Ước tính Tập đoàn Vingroup sẽ thu về hơn 10.700 tỷ đồng từ giao dịch trên.

Trước đó, công ty con của Vingroup cũng cho biết đã hoàn tất bán ra 60 triệu cổ phiếu quỹ, tương ứng 1,79% vốn điều lệ trong khoảng thời gian từ ngày 26/7 đến 11/8. Tại mức giá bình quân 108.637 đồng/cp, dự kiến doanh nghiệp này đã thu về khoảng 6.518 tỷ đồng.

Giao dịch cổ phiếu VHM của tổ chức trong nước có phần đồng thuận với các NĐT nước ngoài khi mã này bị khối ngoại rút ròng gần 1.380 tỷ đồng trong tháng 8. Trong khi đó, NĐT cá nhân là bên hấp thụ chính với giá trị vào ròng lên tới 4.388 tỷ đồng. Thống kê cho thấy, cổ phiếu VHM đứng đầu trong Top10 cổ phiếu hút tiền từ cá nhân trong nước trong tháng qua.

Trở lại với giao dịch của tổ chức trong nước, cổ phiếu DIG của DIC Corp xếp thứ hai trong danh mục các mã bị bán ròng với 1.418 tỷ đồng. Kế đến, dòng tiền từ tổ chức nội còn rút khỏi APH (590 tỷ đồng), cùng loạt mã ngân hàng như SSB (524 tỷ đồng), LPB (480 tỷ đồng), MSB (383 tỷ đồng)...

Tổ chức trong nước bán ròng gần 4.200 tỷ đồng trong tháng 8, tâm điểm rút vốn nhóm bất động sản - Ảnh 3.

Top10 cổ phiếu NĐT tổ chức trong nước mua/bán ròng khớp lệnh trong tháng 8. (Nguồn: Thu Thảo tổng hợp).

Ở chiều mua, lực cầu của các tổ chức nội trong tháng 8 chủ yếu phân bổ vào nhóm vốn hóa lớn. Thống kê cho thấy, Top10 cổ phiếu được nhóm này mua ròng đều nằm trong rổ VN30.

Giao dịch cụ thể theo từng mã, cổ phiếu HPG của Tập đoàn Hòa Phát được mua ròng nhiều nhất với 633 tỷ đồng. Sau giai đoạn điều chỉnh mạnh trong tháng 7, thị giá HPG vừa có nhịp tăng hơn 4,2% trong tháng 8.

Cùng thuộc nhóm ngân hàng nhưng cổ phiếu TCB của Techcombank được NĐT tổ chức trong nước gom ròng 486 tỷ đồng. Ngoài ra, cổ phiếu của một số nhà băng cũng thu hút dòng tiền từ các tổ chức nội như STB (261 tỷ đồng), VPB (177 tỷ đồng) và HDB (158 tỷ đồng).

Hoạt động giải ngân của tổ chức trong nước còn xuất hiện ở MSN (527 tỷ đồng), SSI (500 tỷ đồng), VNM (288 tỷ đồng), VIC (201 tỷ đồng), VJC (148 tỷ đồng).


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Thu Thảo

Nhóm cổ phiếu nào được dự báo hưởng lợi từ kết quả bầu cử tổng thống Mỹ?
Dựa trên những điểm nhấn về chính sách, Agriseco cho rằng có nhiều điểm đối lập trong cách điều hành nền kinh tế của hai ứng cử viên tổng thống. Nhóm phân tích nêu sự tác động của cuộc bầu cử đến một số nhóm ngành trên thị trường chứng khoán Việt Nam.