Cá nhân trong nước đẩy mạnh mua ròng trong tháng 3, tập trung gom HPG cùng nhóm bất động sản
Thị trường chứng khoán Việt Nam trải qua những diễn biến kém tích cực ngay từ đầu tháng 3 khi bị ảnh hưởng trước những biến động chính trị quốc tế. Chỉ số chính sàn HOSE có lúc giảm xuống gần 1.440 điểm khi căng thẳng leo thang, nhưng đã bật tăng khi lực cầu bắt đáy đáng kể nhập cuộc.
Mặc dù trong những phiên cuối tháng, thị trường tiếp tục xuất hiện một số thông tin kém tích cực khiến tâm lý nhà đầu tư không còn quá hưng phấn, VN-Index vẫn đánh dấu một tháng tăng điểm nhẹ khi tăng 2,02 điểm tương đương 0,14% và tạm dừng ở mức 1.492,15 điểm.
Dòng tiền luân chuyển trên thị trường cũng phình to, thể hiện ở mức thanh khoản tháng tăng 64% so với tháng trước đó và tăng 13% so với trung bình 5 tháng.
Dòng tiền vào cổ phiếu vốn hóa vừa tiếp tục tăng, giữ vững vị trí dẫn đầu. Tỷ trọng phân bổ dòng tiền tăng vào nhóm hóa chất, tài nguyên cơ bản, xây dựng và vật liệu, giảm vào nhóm ngân hàng, dầu khí.
Xét tương quan cung cầu trên thị trường, nhà đầu tư cá nhân vẫn tích cực mua gom, giữa lúc các tổ chức trong nước và nước ngoài đồng loạt bán ròng. Về giá trị cụ thể, các cá nhân trong nước mua ròng 7.220 tỷ đồng trên HOSE trong đó mua chủ yếu qua khớp lệnh với 6.015 tỷ đồng.
Rút ròng nhóm ngân hàng, cá nhân trong nước đẩy mạnh gom ròng cổ phiếu bất động sản
Theo thống kê giao dịch khớp lệnh tại HOSE, nhóm này mua ròng tại 11/18 nhóm ngành. Trong đó, lực cầu chủ yếu tập trung ở nhóm bất động sản với quy mô tăng hơn 18% so với tháng trước đó.
Cụ thể, nhóm cổ phiếu của các doanh nghiệp địa ốc thu hút hơn 3.067 tỷ đồng vốn nội, tăng gần 500 tỷ đồng và vượt xa so với những nhóm ngành kế tiếp. Điều đó cho thấy sức hút đối với các NĐT cá nhân trong nước mặc dù nhóm này đã hạ nhiệt đáng kể so với giai đoạn trước đó.
Bên cạnh đó, lực cầu của cá nhân trong nước lần lượt tìm đến các ngành tài nguyên cơ bản (1.671 tỷ đồng), thực phẩm & đồ uống (1.451 tỷ đồng), dịch cụ tài chính (1.343 tỷ đồng),...
Chiều ngược lại, sự phân hóa trong giao dịch của NĐT cá nhân diễn ra mạnh mẽ khi nhóm này đẩy mạnh bán ròng ở nhóm cổ phiếu vua. Giá trị bán ròng ở các cổ phiếu ngân hàng tăng gấp hơn 3,5 lần so với tháng 2, đạt mức 1.895 tỷ đồng.
Tỷ trọng giá trị giao dịch của nhóm này giảm từ 20,49% về mức 11,63% và là mức thấp nhất trong 10 tháng gần đây. Tuy vậy, điểm tích cực là chỉ số giá giảm 1,48% cho thấy dòng tiền không vào nhóm Ngân hàng nhưng áp lực bán cũng không lớn.
Một số nhóm cũng bị xả ròng mạnh trong tháng qua còn có Hóa chất (982 tỷ đồng), hàng cá nhân & gia dụng (340 tỷ đồng)...
HPG dẫn đầu top mua ròng, theo sau bởi VIC, NVL, VHM
Xét giao dịch cụ thể theo từng mã, cổ phiếu HPG của Tập đoàn Hòa Phát dẫn đầu chiều mua khi thu hút lực cầu gần 2.000 tỷ đồng, bỏ xa những mã còn lại trong danh mục. Mặc dù vẫn ghi nhận xu hướng đi ngang, HPG đã có lúc bứt phá khi bật tăng lên mức 51.100 đồng/cp trong nửa đầu tháng 3, trước khi đà tăng hạ nhiệt và đảo chiều.
Trái ngược với giao dịch các cá nhân, cổ phiếu của "anh cả" ngành thép lại là tâm điểm xả ròng của khối ngoại với hơn 1.800 tỷ đồng. Đáng chú ý, trong phiên 29/3, nhóm quỹ thuộc Dragon Capital đã bán ra 1,5 triệu cổ phiếu HPG, qua đó không còn là cổ đông lớn tại Tập đoàn.
Bên cạnh đó, phần lớn lực cầu tìm đến nhóm cổ phiếu của các doanh nghiệp địa ốc với tâm điểm mua ròng cổ phiếu của 3 ông lớn là VIC của Tập đoàn Vingroup (1.168 tỷ đồng), NVL của Địa ốc Nova (1.046 tỷ đồng) và VHM của Vinhomes (783 tỷ đồng).
Theo sau, các cá nhân nội cũng tìm đến nhóm dịch vụ tài chính khi mua ròng lần lượt 674 tỷ đồng mã SSI của Chứng khoán SSI và 333 tỷ đồng mã VCI của Chứng khoán Bản Việt. Giao dịch cùng chiều cũng được ghi nhận tại MSN, VNM, HDB, MWG...
Ở chiều ngược lại, tâm điểm bán ròng của khối ngoại tập trung ở nhóm cổ phiếu của các nhà băng. Cụ thể, mã STB của Sacombank dẫn đầu danh mục xả ròng với quy mô 1.171 tỷ đồng và cũng là đại diện duy nhất bị bán ròng trên 1.000 tỷ đồng. Nối tiếp, NĐT cá nhân cũng bán ròng các đại diện VPB (674 tỷ đồng), MBB (414 tỷ đồng) của nhóm ngân hàng.
Mặc dù liên tục thu hút vốn ngoại, cổ phiếu DGC của Tập đoàn Hóa chất Đức Giang lại chịu áp lực bán ròng 888 tỷ đồng từ phía các cá nhân. Mã này có một tháng giao dịch khởi sắc khi tăng thêm 40% giá trị trong tháng 3 khi giá hàng hóa đồng loạt tăng cao trước lo ngại về thiếu hụt nguồn cung trên thị trường.
Cùng chiều, nhóm này cũng bán ròng tại lần lượt các mã NKG (497 tỷ đồng), PNJ (357 tỷ đồng), DPM (342 tỷ đồng), VRE (271 tỷ đồng)...