|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Dòng tiền cá nhân đưa MWG và FPT lên đỉnh lịch sử mới

18:40 | 03/04/2022
Chia sẻ
Lực cầu mạnh mẽ của các cá nhân trong nước là nguyên nhân chính đưa giá cổ phiếu MWG và FPT vượt đỉnh lịch sử và trở thành một trong những cái tên đóng góp lớn vào đà tăng của VN-Index trong tuần qua.

VN-Index tăng điểm khá bất ngờ trong tuần này và một lần nữa vượt qua mốc 1.500 điểm, với đà tăng diễn ra chủ yếu trong phiên cuối tuần. Nhóm vốn hóa lớn đóng vai trò dẫn dắt đà đi lên của chỉ số, điển hình là cổ phiếu bán lẻ, "họ Vingroup" và và nhóm ngân hàng.

Bên cạnh đó, những doanh nghiệp khác thuộc rổ VN30 vẫn giữ vai trò “trụ cột” của thị trường và cũng có đóng góp đáng kể vào sắc xanh của chỉ số chung. Ngoài ra, các cổ phiếu thuộc ngành dầu khí cũng ghi nhận một tuần tăng giá khá ấn tượng với thanh khoản tốt dưới sự hỗ trợ từ đà tăng của giá dầu thế giới trong tuần.

Thanh khoản chung của thị trường cũng được cải thiện hơn so với trung bình các tuần trước và luôn duy trì ở mức cao. Cụ thể, giá trị giao dịch trung bình một phiên trên sàn HOSE đạt 26.674 tỷ đồng, tăng 3% so với tuần trước đó và 1% so với trung bình 5 tuần gần đây.

Kết tuần, VN Index có thêm 17,94 điểm, tương ứng tăng 1,2% lên 1.516,44 điểm. Có phần kém sắc, HNX-Index quay đầu giảm 1,66% xuống mức 454,1 điểm.

Trong tuần VN-Index lấy lại mốc 1.500 điểm, giao dịch của NĐT cá nhân nhuốm màu ảm đảm khi họ là bên bán ròng duy nhất, đối ứng với xu hướng giải ngân trở lại của NĐT nước ngoài và các tổ chức trong nước. Cụ thể, cá nhân trong nước bán ròng 1.271 tỷ đồng trên HOSE. Tính riêng khớp lệnh họ bán 950 ròng tỷ đồng.

Giá trị mua/bán ròng khớp lệnh của NĐT cá nhân theo tuần. (Nguồn: Thảo Bùi tổng hợp). 

NĐT cá nhân tiếp tục bán ròng cổ phiếu hóa chất, nhưng mua ròng mạnh nhóm bán lẻ

Theo thống kê từ Fiintrade, hoạt động rút vốn của các NĐT cá nhân trong nước có phần thu hẹp so với tuần trước đó khi chỉ còn ghi nhận ở 8/18 nhóm ngành. Trong đó, phần lớn lực xả tìm đến nhóm hóa chất với 755 tỷ đồng. Động thái chốt lời nối dài sang tuần này khi các mã trong ngành đồng loạt điều chỉnh kể từ vùng đỉnh lịch sử.

Tương tự, cổ phiếu của các nhà băng vẫn đứng vị trí thứ hai về áp lực bán ròng với 592 tỷ đồng. Điểm tích cực là lực xả đã thu hẹp phần nào khi tuần qua ngành ngân hàng có sự cải thiện mạnh mẽ về chỉ số giá và thanh khoản ngành. Cụ thể, dòng tiền hướng sự quan tâm đến các cổ phiếu "vua" với tỷ trọng giá trị giao dịch tăng lên 11,73%, là mức cao nhất trong 4 tuần liên tiếp.

Tuy nhiên, có sự phân hóa mạnh giữa các cố phiếu ngân hàng. Tỷ lệ cổ phiếu tăng/giảm điểm trong tuần là 17/10. Sắc xanh thuộc về các mã VIB, NVB, HDB, VPB, MBB, trong khi nhóm các cổ phiếu KLB, STB, PGB, ABB, VBB, giảm từ 1,8% đến 8,8%.

Tương tự, các cá nhân trong nước cũng bán ròng 248,4 tỷ đồng cổ phiếu thực phẩm địa ốc, trước khi rút vốn nhẹ hơn khỏi nhóm bất động sản. Theo sau, áp lực bán nhẹ hơn cũng được ghi nhận ở nhóm điện, nước & xăng dầu khí đốt, ô tô & phụ tùng, xây dựng & vật liệu...

Giao dịch khớp lệnh của nhà đầu tư cá nhân theo nhóm ngành. (Nguồn: Thảo Bùi tổng hợp). 

Ở chiều mua, nhà đầu tư cá nhân bất ngờ gom ròng mạnh mẽ 344 tỷ đồng cổ phiếu ngành bán lẻ trong bối cảnh tổ chức trong nước và khối ngoại đồng loạt rút vốn. Thống kê của FiinTrade cho thấy chỉ số dòng tiền của cổ phiếu bán lẻ so với chính nó đã lên mức cao nhất trong vòng một năm sau khi bắt đầu tăng từ 2/2022. Bên cạnh đó, chỉ số giá cũng ghi nhận mức tăng 8,47% trong vòng 1 tuần.

Tương tự, cá nhân trong nước cũng tiếp đà gom ròng 177 tỷ đồng cổ phiếu nhóm dịch vụ tài chính, quy mô giải ngân cũng giảm còn một nửa so với tuần trước đó.

Bên cạnh đó, nhóm này cũng dành hơn 107 tỷ đồng mua ròng các cổ phiếu công nghệ thông tin. Mặt khác, cá nhân trong nước cũng rót ròng dưới trăm tỷ đồng vào các ngành hàng & dịch vụ công nghiệp (83 tỷ đồng), dầu khí (55 tỷ đồng),…

Dòng tiền cá nhân đưa MWG và FPT lên đỉnh lịch sử mới

 (Ảnh: Thảo Bùi).

Danh mục Top10 cổ phiếu được mua ròng nhiều nhất tuần qua của nhà đầu tư cá nhân dẫn đầu bởi cổ phiếu MWG của Thế Giới Di Động. Lực cầu mạnh mẽ của các cá nhân trong nước là nguyên nhân chính đưa giá cổ phiếu MWG vượt đỉnh lịch sử và trở thành một trong những cái tên đóng góp lớn vào đà tăng của VN-Index trong tuần qua.

Sau 2 tuần giao dịch gần đây, thị giá MWG có nhịp tăng gần 20% lên vùng đỉnh mới tại 156.000 đồng/cp. Giá trị vốn hóa thị trường đạt hơn 114.000 tỷ đồng, tăng 74% so với thời điểm cách đây một năm. Thống kê cho thấy lần gần nhất MWG tăng trần là ngày 9/9/2021.

Theo quan sát, đà tăng nóng của ông lớn bán lẻ được chứng kiến sau thông tin Thế Giới Di Động bán cổ phần Bách Hóa Xanh.

Cụ thể, doanh nghiệp dự trình cổ đông phương án chào bán vốn cổ phần riêng lẻ của CTCP Thương mại Bách Hóa Xanh vào kỳ họp đại hội đồng cổ đông thường niên 2022 tới đây.Tỷ lệ chào bán tối đa là 20% vốn cổ phần của Bách Hóa Xanh và thời gian hoàn tất giao dịch dự kiến trong giai đoạn 2022-2023.

Nối tiếp, NĐT cá nhân còn rót ròng trên trăm tỷ vào các mã VHM (211,3 tỷ đồng), HPG (173,7 tỷ đồng), VIC (166,1 tỷ đồng), FPT (116,8 tỷ đồng).

Giống như MWG, FPT cũng là một trong những bluechips trở lại dẫn dắt thị trường trong tuần qua. Lâu lắm rồi cổ đông của ông lớn ngành công nghệ mới lại thấy sắc tím trần trở lại với mã này, thị giá cổ phiếu tăng 12% lên đỉnh cao mới cùng khối lượng giao dịch đột biến. Giao dịch sôi động cho thấy sức hút của cổ phiếu công nghệ với nhóm nhà đầu tư cá nhân, trong khi bên bán ra chủ yếu là các nhà đầu tư tổ chức.

Giao dịch khớp lệnh của nhà đầu tư cá nhân theo nhóm ngành. (Nguồn: Thảo Bùi tổng hợp). 

Trở lại chiều bán ròng, mặc dù giá cổ phiếu không có nhiều biến động trong tuần vừa qua và vẫn neo quanh đỉnh lịch sử, cổ phiếu DGC của Hóa chất Đức Giang lại là tâm điểm xả ròng của NĐT cá nhân với giá trị lên tới 688,3 tỷ đồng.

Ngay sau đó, nhà đầu tư cá nhân cũng chốt lời 357,1 tỷ đồng cổ phiếu VNM của Vinamilk. Giao dịch của các cá nhân diễn ra giữa lúc VNM trở thành một trong các mã tác động tích cực nhất tới VN-Index tuần vừa qua. Sau thời gian dài "ì ạch" dò đáy, cổ phiếu VNM đã có nhịp tăng hơn 6% với sự bùng nổ về thanh khoản. Đối ứng với các cá nhân, mã này được gom mạnh nhất bởi các NĐT nước ngoài với hơn 371 tỷ đồng.

Theo sau, một số mã ghi nhận giao dịch cùng chiều còn có DXG (239,2 tỷ đồng), NKG (137,1 tỷ đồng), NLG (134,9 tỷ đồng), TCB (130,2 tỷ đồng), FLC (125,1 tỷ đồng), VRE (119,3 tỷ đồng) và KDH (101,6 tỷ đồng).

Thảo Bùi