|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Tổ chức trong nước mua ròng hơn 1.200 tỷ đồng cp ngân hàng trong tháng 3, DGC và MWG lọt Top bán ròng

19:23 | 03/04/2022
Chia sẻ
Trong tháng 3, cổ phiếu của các nhà băng được tổ chức trong nước mua gom nhiều nhất với giá trị 1.202 tỷ đồng. Dù vậy, được coi là một trong những ngành gây thất vọng trong tháng do tỷ trọng giá trị giao dịch của nhóm này giảm về 11,63% so với mức 20,49% trong tháng 2 và là mức thấp nhất trong 10 tháng gần đây.

VN-Index trải qua tháng 3 với hai xu hướng nhỏ, nếu như nửa đầu tháng chỉ số liên tục rung lắc và giảm xuống mức thấp nhất 1.439 điểm vào ngày 14/3 thì nửa sau đó là quá trình nỗ lực lấy lại những gì đã mất.

 

Đóng cửa phiên 31/3, chỉ số chính sàn HOSE tăng 2,02 điểm, tương đương 0,14% so với tháng 2 và kết thúc tháng ở mức 1.492,15 điểm, thanh khoản tháng tăng 64% so với tháng trước đó và tăng 13% so với trung bình 5 tháng gần đây.

Theo thống kê của FiinTrade, dòng tiền vào nhóm vốn hóa vừa tiếp tục tăng và giữ vững vị trí dẫn đầu. Tỷ trọng phân bổ dòng tiền tăng vào nhóm hóa chất, tài nguyên cơ bản, xây dựng & vật liệu, trong khi giảm vào nhóm ngân hàng, dầu khí, du lịch & giải trí.

Xu hướng nổi bật trong tháng là phân hóa với tỷ lệ ngành tăng/giảm là 11/8; trong đó ngành tăng điểm mạnh nhất là viễn thông, theo sau là công nghệ thông tin, bảo hiểm. Trong khi đó, cổ phiếu họ dầu khí chịu áp lực điều chỉnh lớn nhất.

Trong tháng VN-Index nỗ lực tăng điểm, giao dịch của khối tổ chức trong nước (bao gồm tự doanh công ty chứng khoán) vẫn tỏ ra ảm đạm với lực cung áp đảo. Họ tiếp tục bán ròng 3.762 tỷ đồng, tính riêng giao dịch khớp lệnh họ bán ròng 1.448 tỷ đồng. 

Tổ chức trong nước tập trung gom cổ phiếu ngân hàng bất chấp diễn biến kém sắc 

Theo thống kê từ Fiintrade, nếu tính riêng giao dịch khớp lệnh thì chiều bán ròng của các tổ chức trong nước áp đảo khi diễn ra ở 10/18 nhóm ngành. Mặc dù là nhóm tác động tích cực nhất đến chỉ số, cổ phiếu của nhóm hóa chất là nhóm bị bán ròng nhiều nhất trong tháng với 1080 tỷ đồng. Theo quan sát, ngành hóa chất có tỉ trọng giá trị giao dịch tăng vọt lên 8,32% trong tháng 3 so với mức 4,59% trong tháng 2, chỉ số giá ngành cũng ghi nhận tăng 7,34%.

Chỉ số dòng tiền của FiinTrade cho thấy dòng tiền tích lũy vào nhóm hóa chất so với chính nó đã đạt đỉnh cao nhất trong tháng 3 và có chỉnh nhẹ, điều này cho thấy áp lực bán chốt lời của cổ phiếu nhóm này, tuy nhiên áp lực này chưa quá lớn, cung tiềm năng vẫn còn. Chỉ số dòng tiền trong mối tương quan với thanh khoản toàn thị trường đang đi dập dềnh ở vùng cao nhưng chưa đạt đỉnh cho thấy áp lực bán chưa quá mạnh.

 Chỉ số dòng tiền của FiinTrade (FMI) cho ngành hóa chất. (Nguồn: FiinTrade).

 

Tương tự, cổ phiếu của nhóm bất động sản tiếp tục nằm trong Top bán ròng, dù quy mô rút vốn đã thu hẹp so với tháng trước đó. Trong tháng 3, tổ chức nội đã bán ròng 384 tỷ đồng ngành bất động sản.

 

 

Nối tiếp, lực xả nhẹ hơn cũng được ghi nhận ở một số nhóm cổ phiếu, lần lượt là bán lẻ (369 tỷ đồng), công nghệ thông tin (91 tỷ đồng), du lịch & giải trí (68 tỷ đồng), dầu khí (56 tỷ đồng),…

 

Giao dịch khớp lệnh của tổ chức trong nước theo nhóm ngành trong 3 tuần gần đây. (Nguồn: Thu Thảo tổng hợp). 

 

Ở chiều ngược lại, cổ phiếu của các nhà băng được mua gom nhiều nhất với giá trị 1.202 tỷ đồng. Dù vậy, được coi là một trong những ngành gây thất vọng trong tháng 3 do tỷ trọng giá trị giao dịch của nhóm này giảm về 11,63% so với mức 20,49% trong tháng 2 và là mức thấp nhất trong 10 tháng gần đây.

Chỉ số giá ngành giảm 1,48% trong tháng 3. Điều này cho thấy dòng tiền không vào nhóm ngân hàng nhưng áp lực bán cũng không lớn. 

Thống kê của FiinTrade cũng cho thấy hoạt động giải ngân vào nhóm thép đã hạ nhiệt đáng kể. Từ ngành được xuống tiền mạnh nhất trong tháng 2, họ nhà thép vẫn được gom ròng trong tháng 3, nhưng giá trị rót ròng đã giảm từ 805 tỷ về gần 48 tỷ đồng.

Diễn biến cùng chiều, dòng tiền tổ chức nội đã chuyển hướng giải ngân vào điện, nước & xăng dầu khí đốt và dịch vụ tài chính dù tháng trước bị bán ròng với giá trị lần lượt là 215 tỷ và 383 tỷ đồng. Bên cạnh đó, hoạt động giải ngân của tổ chức nội cũng được chứng kiến ở nhóm ô tô & phụ tùng ( 80 tỷ đồng) và hàng cá nhân & gia dụng (59 tỷ đồng). 

Cổ phiếu nào được mua/bán nhiều nhất?

Giao dịch tại chiều mua của tổ chức trong nước tháng qua nổi bật nhất là hoạt động giải ngân vào hai đại diện ngành ngân hàng. Trong đó, cổ phiếu VPB của Ngân hàng Thương mại Cổ phần Việt Nam Thịnh Vượng dẫn đầu với giá trị mua ròng lớn nhất lên tới 469,6 tỷ đồng. Nối tiếp, các tổ chức nội gom ròng 439,4 tỷ đồng cổ phiếu MBB của Ngân hàng TMCP Quân đội.

Mặc dù diễn biến của phần lớn các mã ngân hàng không có nhiều nổi bật trong tháng vừa qua, đây là nhóm ngành được kỳ vọng có câu chuyện tăng vốn trong mùa đại hội cổ đông và kỳ vọng lợi nhuận quý I/2022 khả quan khi tăng trưởng tín dụng tăng cao. Báo cáo của các công ty chứng khoán công bố mới đây cũng cho thấy,  các nhà băng được dự báo tăng trưởng nhuận sau thuế ở mức 20 - 25% năm 2022.

 

Một số ngân hàng đã công bố kế hoạch kinh doanh 2022 cho thấy sự lạc quan về triển vọng năm nay, đặc biệt là khối ngân hàng tư nhân.

Trở lại với giao dịch của tổ chức trong nước, dòng tiền nhóm này cũng tìm đến chứng chỉ quỹ FUEVFVND (345,2 tỷ đồng), GAS (209,4 tỷ đồng) và GEX (193 tỷ đồng).

 

 

Top5 cổ phiếu NĐT tổ chức trong nước mua/bán ròng khớp lệnh trong tuần 28/3 - 1/4. (Nguồn: Thu Thảo tổng hợp). 

 

Ở chiều ngược lại, mã DGC của Tập đoàn Hóa chất Đức Giang chịu áp lực rút vốn mạnh nhất với giá trị xả ròng 818,2 tỷ đồng, bỏ xa các cổ phiếu còn lại trong danh mục là MWG (315,6 tỷ đồng), APH (244,4 tỷ đồng).

 

Hoạt động chốt lời cổ phiếu của Hóa chất Đức Giang diễn ra trong bối cảnh giá cổ phiếu có nhịp tăng gần 40% chỉ trong 1 tháng. Thị giá DGC hiện vẫn đang neo quanh mức đỉnh lịch sử dù chịu áp lực bán mạnh từ phía tổ chức nội và NĐT cá nhân, lực cầu nâng đỡ đến từ phía các nhà đầu tư nước ngoài.

Vừa qua, Hóa chất Đức Giang đã thông qua phương án chi trả cổ tức năm 2021 với tỷ lệ 10% bằng tiền và 117% bằng cổ phiếu. Trước đó, công ty đã tạm ứng 171 tỷ đồng để chia cổ tức bằng tiền mặt. 

Trong năm 2022, doanh nghiệp dự kiến sẽ phát hành hơn 200 triệu cổ phiếu để chi trả cổ tức bằng cổ phiếu.

Ngoài ra, cổ đông công ty cũng thông qua kế hoạch phát hành 8,55 triệu cổ phiếu ESOP, giá phát hành là 10.000 đồng/cổ phiếu, tỷ lệ phát hành 5%, dự kiến thực hiện trong năm 2022.

Hiện vốn điều lệ của DGC đạt gần 1.711 tỷ đồng, nếu 2 đợt phát hành cổ phiếu thành công, vốn điều lệ của Đức Giang sẽ tăng lên 3.798 tỷ đồng.

Trở lại với giao dịch của tổ chức trong nước, hai cái tên cuối trong Top5 bán ròng là hai đại diện ngành chứng khoán là SSI (214 tỷ đồng) và HCM (117 tỷ đồng).

Thu Thảo