|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Cá nhân mua ròng 1.900 tỷ đồng tháng 11, tập trung ở MWG và VHM

11:38 | 03/12/2023
Chia sẻ
Trong tháng 11, nhà đầu tư cá nhân tiếp tục mua ròng 1.920 tỷ đồng trên HOSE, trong đó chỉ mua ròng nhẹ 25 tỷ đồng qua khớp lệnh.

Sau tháng 10 giảm tới 11% thì sang tháng 11, VN-Index đã phục hồi 6,41%, từ 1.028 điểm lên 1.094,13 điểm. Đây là diễn biến được giới phân tích dự báo trong bối cảnh tỷ giá USD hạ nhiệt, Ngân hàng Nhà nước bơm ròng trở lại sau động thái phát hành tín hiếu hút tiền về trước đó. Các dữ liệu chuyện vĩ mô cũng có nhiều chuyển biến tích cực.

Theo thống kê từ FiinTrade, cá nhân và nhà đầu tư nước ngoài cùng tăng quy mô giao dịch trong tháng 11 ở cả chiều mua và chiều bán, trong đó khối ngoại là bên bán ròng duy nhất. Bên mua ròng chủ yếu là tự doanh và tổ chức trong nước.

Nhà đầu tư cá nhân tiếp tục mua ròng 1.920 tỷ đồng trên HOSE, trong đó chỉ mua ròng nhẹ 25 tỷ đồng qua khớp lệnh. Giao dịch mua ròng của cá nhân diễn ra tại 7/18 nhóm ngành. Trong đó, cổ phiếu bán lẻ vươn lên trở thành ngành được mua ròng mạnh nhất với 1.231 tỷ đồng.

Theo sau, dòng tiền cá nhân cũng mua ròng các đại diện thuộc nhóm thực phẩm & đồ uống (1.033 tỷ đồng), bất động sản (815 tỷ đồng), điện, nước & xăng dầu khí đốt (236 tỷ đồng), …

Giao dịch bên bán tập trung ở nhóm tài nguyên cơ bản với quy mô 1.007 tỷ đồng. Cổ phiếu ngành thép có tỷ trọng giao dịch tăng lên 8,1%, chỉ số giá ngành cũng tăng gần 11,5% so với tháng trước.

Bên cạnh đó, ngành hóa chất, hàng & dịch vụ công nghiệp cũng bị rút ròng gần 652 tỷ và 614 tỷ đồng. Áp lực bán đến từ cá nhân cũng được chứng kiến ở các ngành xây dựng & vật liệu, ngân hàng, dầu khí … với giá trị thấp hơn.

Nguồn: Linh Chi tổng hợp.

Thống kê giao dịch theo từng cổ phiếu, cổ phiếu MWG của Đầu tư Thế giới Di động ghi nhận giá trị vào ròng gần 1.390 tỷ đồng. Giao dịch của cá nhân giữ vai trò chủ đạo cân lệnh bán ra cổ phiếu MWG từ khối ngoại.

Trong quá khứ MWG là cổ phiếu rất được nhà đầu tư nước ngoài ưa thích, thường nằm nửa trên trong top 10 mã có tỷ trọng lớn nhất trong danh mục đầu tư của các tổ chức. Tuy nhiên, giao dịch rút vốn những tháng gần đây khiến tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại MWG giảm từ mức tối đa 49% về 44,35% tại thời điểm cuối phiên 30/11.

Đứng thứ hai trong danh mục mua ròng, cổ phiếu VHM cũng thu hút dòng tiền cá nhân với quy mô 1.359 tỷ đồng, bỏ xa các mã cùng chiều như VNM (791 tỷ đồng), VRE (465 tỷ đồng), VCB (312 tỷ đồng), VPB (303 tỷ đồng), VIC (251 tỷ đòng), MSN ( (243 tỷ đồng), VIX (242 tỷ đồng), GAS (158 tỷ đồng), …

Tại chiều bán ròng, giao dịch tập trung mạnh nhất ở NVL với 709 tỷ đồng, kế đến là DGC với 602 tỷ đồng. Thống kê cho thấy cá nhân trong nước bán ròng cổ phiếu của Hóa chất Đức Giang liên tục trong 3 tháng gần đây.

Ngoài hai mã trên, nhà đầu tư cá nhân rút vốn khỏi nhiều bluechip như HPG (492 tỷ đồng), HDB (326 tỷ đồng), SSI (278 tỷ đồng), ACB (257 tỷ đồng), …

 Nguồn: Linh Chi tổng hợp. 

Tổ chức trong nước đảo chiều mua ròng hơn 570 tỷ đồng

Giao dịch cùng chiều với các cá nhân, tổ chức trong nước mua ròng hơn 571 tỷ đồng. Tính riêng giao dịch khớp lệnh, nhóm này rút ròng hơn 591 tỷ đồng. Hoạt động bán ròng diễn ra ở 10/18 ngành, lớn nhất là nhóm dịch vụ tài chính với 299 tỷ đồng. Theo sau là công nghệ thông tin (64 tỷ đồng), bán lẻ (41 tỷ đồng), bất động sản (33 tỷ đồng), y tế (26 tỷ đồng), …

Trong khi đó, dòng tiền tổ chức trong nước mua vào các mã thuộc lĩnh vực ngân hàng (364 tỷ đồng), hóa chất (348 tỷ đồng), thực phẩm & đồ uống (176 tỷ đồng), điện, nước & xăng dầu khí đốt (85 tỷ đồng), …

Nguồn: Linh Chi tổng hợp. 

Tại chiều mua, cổ phiếu ACB của Ngân hàng Á Châu được tổ chức trong nước mua mạnh nhất với giá trị 320 tỷ đồng. Đứng ở vị trí thứ hai là mã DGC của Hóa chất Đức Giang với 263 tỷ đồng.

Kế đó, dòng tiền của tổ chức nội còn tìm đến nhiều đại diện ở nhóm bất động sản, ngân hàng, hóa chất như NVL (211 tỷ đồng), STB (210 tỷ đồng), DCM (128 tỷ đồng).

Ở phía đối diện, cổ phiếu VRE đứng vị trí số 1 về giá trị xả ròng với hơn 140 tỷ đồng. Bên cạnh đó, VPB cũng nằm trong top rút ròng với 132 tỷ đồng. Ngoài ra, top 5 cổ phiếu bị bán ròng còn có MBB (122 tỷ đồng), VIX (107 tỷ đồng), SSI (102 tỷ đồng).

Nguồn: Linh Chi tổng hợp. 

Linh Chi

Vì sao Mỹ chật vật với lạm phát hơn châu Âu?
Lạm phát có thể đã giảm mạnh từ các mức cao nhất hàng chục năm qua ở cả hai bờ Đại Tây Dương, nhưng tiến triển ở Mỹ đã chững lại, khiến Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) hiện được dự đoán sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất chậm hơn nhiều so với Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB).