|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

'Cá mập' Thái Vân Linh chưa gọi vốn vì không có nhiều thời gian để viết báo cáo

18:18 | 11/06/2018
Chia sẻ
Là nhà đầu tư của chương trình Shark Tank Việt Nam, song Thái Vân Linh chưa gọi vốn cho công ty riêng vì chị không có nhiều thời gian để viết báo cáo.

Là “nữ cá mập” duy nhất trong chương trình Shark Tank Việt Nam, chị Thái Vân Linh, Giám đốc Vận hành và Chiến lược Quỹ đầu tư VinaCapital, người sáng lập thương hiệu thời trang Rita Phil. Chị nổi tiếng với những phân tích sát thực tế cùng chiến lược đầu tư chắc chắn.

Yếu tố nhà đầu tư quan tâm trong startup

Trao đổi về yếu tố nhà đầu tư quan tâm nhất trong các startup tham gia chương trình Shark Tank, Vân Linh khẳng định, không có một tiêu chỉ cụ thể nào giúp nhà đầu tư lựa chọn dự án khởi nghiệp. Chị thường xem xét tổng quát mô hình kinh doanh. Đặc biệt, người sáng lập doanh nghiệp phải hiểu sâu lĩnh vực họ làm, tình hình công ty, bởi nhà đầu tư không thể là chuyên gia trong mọi lĩnh vực, cũng không am hiểu về tình hình tài chính, khách hàng công ty.

loi khuyen khoi nghiep tu nu doanh nhan thai van linh
Thái Vân Linh là "nữ cá mập" duy nhất trong chương trình Shark Tank Việt Nam mùa đầu tiên.

Theo nữ doanh nhân, người sáng lập nắm chắc lĩnh vực, công ty sẽ “phiêu” được khi trình bày trước nhà đầu tư. Khả năng này không thể làm giả, tập trước. Công ty đã hoạt động, có sản phẩm, chủ doanh nghiệp hiểu tâm lý khách hàng mới tạo ra khả năng đó.

Sau 16 tập phát sóng, lần lượt 48 dự án khởi nghiệp tham gia gọi vốn trên Shark Tank. Nhà đầu tư Vân Linh chỉ rót vốn cho hai thương vụ là Gcalls và Vườn rau nhà mình.

Nữ doanh nhân đặc biệt thích dự án Vườn rau nhà mình, mô hình trồng hộ rau sạch cho các gia đình. Hiện tại, chị đang làm việc với người sáng lập Đinh Thị Thu Hằng để lên kế hoạch tiếp thị. Theo chị, Hằng làm việc chuyên nghiệp, am hiểu ngành sản xuất rau nhưng chưa có kinh nghiệm tiếp thị sản phẩm. Số tiền Hằng gọi vốn chỉ đủ phát triển sản xuất, chưa thể thực hiện truyền thông. Đến nay, Vân Linh vẫn chưa đầu tư bởi chị vẫn chưa quyết định rót vốn bao nhiêu.

Với dịch vụ cung cấp phần mềm quản lý giúp các doanh nghiệp vừa và nhỏ dễ dàng lập hệ thống tổng đài trong vòng 5 phút, công ty Gcalls của hai chàng trai Tấn Phúc, Xuân Bằng đã gọi được 1 triệu USD từ nhà đầu tư Vân Linh. Chị cho biết, Gcalls rất tiềm năng, nhưng do số vốn lớn nên chị phải làm việc cùng một quỹ đầu tư khác ở VinaCapital. Hiện tại, người đại diện quỹ đang nói chuyện với hai bạn sáng lập Gcalls.

loi khuyen khoi nghiep tu nu doanh nhan thai van linh
Nhà đầu tư Thái Vân Linh đầu tư 1 triệu USD cho hai chàng trai sáng lập công ty Gcalls.

Bài toán “đưa ra tỷ lệ gọi vốn hợp lý”

Đưa ra tỷ lệ gọi vốn hợp lý là một bài toán đối với những công ty khởi nghiệp. Vân Linh cho rằng, startup gọi vốn cần hiểu số tiền đó đủ giúp công ty phát triển đến tầm có thể gọi vốn vòng hai hay không. Bởi sau khi nhận vốn, công ty chắc chắn sẽ tăng trưởng, nhưng cần đạt mức phát triển mà vòng gọi vốn sau yêu cầu. Nếu công ty quá nhỏ để kêu gọi số tiền cần thiết, người sáng lập cần cân nhắc tham gia gọi vốn hay tiếp tục phát triển từng bước.

Nữ doanh nhân khuyên các startup nên phát triển dần tới thời điểm gọi vốn. Những doanh nghiệp mà nhà sáng lập từ 35 tuổi có khả năng thành công cao do họ có nền tảng kinh nghiệm, tài chính.

Nhiều bạn nghĩ rằng nên khởi nghiệp khi còn trẻ, nhưng tuổi trẻ khiến họ gặp bất lợi khi nền tảng tài chính không đủ duy trì một công ty giai đoạn đầu. Vân Linh nhận định, dưới 30 tuổi là khoảng thời gian giúp mọi người học hỏi. Thay vì học từ những thất bại trong khởi nghiệp, các bạn trẻ có thể làm cho các tổ chức, công ty khác để thu nhận thêm kiến thức, kinh nghiệm.

“Những công ty khởi nghiệp hết vốn, chưa thể gọi vốn nên tạm dừng lại chứ không đóng cửa. Người sáng lập có thể đi làm cho công ty khác vài năm, vừa học hỏi kinh nghiệm, vừa có tiền lương. Khi đủ nền tảng, họ lấy số tiền tích lũy được đầu tư lại cho công ty của mình”, Vân Linh nhấn mạnh.

Chưa có ý định gọi vốn cho thương hiệu thời trang Rita Phil

Đam mê khởi nghiệp, Vân Linh từng mở một công ty riêng. Trải qua những khó khăn, nhiều lần chuyển hướng kinh doanh, thương hiệu thời trang Rita Phil của chị dần ổn định. Tuy nhiên, chị vẫn chưa có ý định kêu gọi đầu tư.

Với cương vị là nhà sáng lập công ty, Vân Linh biết rằng để doanh nghiệp phát triển nhanh cần phải gọi vốn. Kết quả vòng gọi vốn mang lại không chỉ là tiền, mà còn là chiến lược kèm theo sự kiểm soát của nhà đầu tư.

“Khi nhà đầu tư vào công ty, họ sẽ thẩm định vấn đề pháp lý, thương mại, tài chính doanh nghiệp. Họ yêu cầu tôi báo cáo thường xuyên, thực hiện những điều trong hợp đồng gây bất lợi với nhà sáng lập. Tôi không có nhiều thời gian để viết báo cáo, cũng chưa sẵn sàng chấp nhận những bất lợi đó”, Vân Linh giải thích lý do chị chưa kêu gọi đầu tư.

Nữ CEO định hướng thương hiệu thời trang Rita Phil phải phát triển tới mức doanh thu, lợi nhuận cao, chứng minh công ty có khả năng tự tồn tại. Lúc đó, chị sẽ suy nghĩ tới khả năng gọi vốn.

Xem thêm

Bùi Mến

Margin tiếp tục lập đỉnh mới, thêm hai CTCK có dư nợ vượt 20.000 tỷ đồng
Dư nợ magin ngành chứng khoán lập đỉnh mới trong 2024. Riêng Top 10 công ty chứng khoán lớn nhất ghi nhận đến 9 đơn vị vượt đỉnh cho vay trong quý cuối năm. TCBS, SSI và HSC đang là ba đơn vị đang dẫn đầu về cho vay margin.