|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Cá da trơn rộng đường vào thị trường Mỹ

21:29 | 29/09/2018
Chia sẻ
Nếu Mỹ công nhận hệ thống kiểm tra cá da trơn ở Việt Nam tương đương với hệ thống của Mỹ của Cục Kiểm tra an toàn thực phẩm (FSIS) sẽ tạo nhiều cơ hội cho  cá da trơn Việt Nam rộng đường vào thị trường tiềm năng này.

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), dự thảo quyết định công nhận hệ thống kiểm tra cá da trơn ở Việt Nam tương đương với hệ thống của Mỹ của Cục Kiểm tra an toàn thực phẩm (FSIS) sẽ tạo nhiều cơ hội cho cá da trơn Việt Nam rộng đường vào thị trường tiềm năng này.

ca da tron rong duong vao thi truong my

Chế biến cá tra xuất khẩu tại nhà máy của Công ty TNHH Công nghiệp thủy sản Miền Nam. Ảnh: Vũ Sinh.

Ba rào cản đang dần được gỡ

Chống bán phá giá (CBPG): Bộ Thương mại Mỹ (DOC) vừa ban hành kết luận sơ bộ của đợt rà soát thuế CBPG lần thứ 14 (POR14) đối với sản phẩm cá tra và cá ba sa của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Mỹ. Theo đó, mức thuế sơ bộ cho hai bị đơn bắt buộc là 0 USD/kg và 1,37 USD/kg. Thuế suất cho các bị đơn tự nguyện là 0,41 USD/kg và thuế suất toàn quốc là 2,39 USD/kg. Mức thuế này thấp hơn nhiều so với kết quả cuối cùng của đợt rà soát POR13.

Ông Nguyễn Văn Đạo, Tổng Giám đốc Công ty CP Gò Đàng (Godaco), cho biết, trước đó, trong kết luận cuối cùng của POR13, Godaco là bị đơn duy nhất bắt buộc có mức thuế 3,87 USD/kg. Đây là mức thuế suất cao nhất kể từ trước tới nay đối với ngành xuất khẩu cá tra.

“Động thái giảm mức thuế trong đợt rà soát mới này của DOC thực sự mang lại nhiều niềm vui cho DN chế biến xuất khẩu cá tra Việt Nam và chúng tôi sẽ tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu sang Mỹ. Chứ nếu giá sản phẩm cá tra xuất khẩu chỉ hơn 3 USD/kg như hiện nay mà chịu mức thuế kiểu “trừng phạt” 3,87 USD/kg như POR13 thì hết đường xuất sang nước này”, ông Đạo chia sẻ.

Luật Nông trại (Farmbill): Sau giai đoạn chuyển tiếp của chương trình thanh tra cá da trơn kết thúc, kể từ ngày 2/8/2017, FSIS đã tiến hành kiểm tra ATTP và bao bì tất cả các lô hàng cá tra XK vào Mỹ tại các I-house (thực hiện kiểm tra 100% lô hàng cá da trơn nhập khẩu theo Đạo luật Farm Bill). Ngày 23/2/2018, USDA (Bộ Nông nghiệp Mỹ) đã công bố Việt Nam hoàn tất và đạt tính tương đồng về mặt hồ sơ theo Đạo luật Thanh tra Cá da trơn của Mỹ. Sau khi chấp nhận về mặt hồ sơ, FSIS tiến hành kiểm tra thực địa (bước quan trọng và có tính quyết định để xác định tính tương đồng) để xác định DN nào đủ điều kiện tiếp tục XK cá tra sang Mỹ.

Truyền thông bôi nhọ tại EU: Trước tình hình XK cá tra sang thị trường châu Âu bị sụt giảm do truyền thông bôi nhọ ở một số nước tại châu Âu, VASEP đã ký hợp đồng với Công ty Globally Cool thực hiện chiến dịch quảng bá cá tra tại thị trường này từ tháng 3-12/2017.

Tính đến hết tháng 4/2018, XK cá tra Việt Nam đạt 611,6 triệu USD, tăng 17,9% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, XK cá tra sang Mỹ đạt 110,7 triệu USD, tăng 22,7%; XK cá tra sang EU đạt 59 triệu USD, giảm 9,9%. VASEP cho hay, những khó khăn trong hoạt động XK sang hai thị trường lớn truyền thống này đã khiến nhiều DN phải chuyển hướng thị trường.

Cuộc chiến giành thị trường

Kể từ khi cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc nổ ra, Mỹ áp thuế 10% đối với sản phẩm thủy sản nhập khẩu từ Trung Quốc. Điều này khiến doanh số cá rô phi Trung Quốc tại hệ thống siêu thị lớn của Mỹ giảm 20-30% so với trước. Khi cá rô phi Trung Quốc dần mất thị phần thì các doanh nghiệp cá tra Việt Nam đang dồn lực để giành thêm thị phần từ cá thịt trắng tại thị trường Mỹ.

Theo VASEP, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đang được đánh giá là sẽ đem lại cơ hội cho Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu cá tra sang cả 2 thị trường này. Dự báo xuất khẩu cá tra cả năm 2018 đạt trên 2 tỷ USD. Tuy nhiên, theo ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký VASEP, một trong những thách thức của ngành cá tra Việt Nam hiện nay là các nước đang quan tâm đến phát triển nuôi cá tra. Hiện, Việt Nam có sản lượng cá tra 1,3 triệu tấn, Ấn Độ cũng đã có 650.000 tấn, Bangladesh 450.000 tấn, Indonesia 110.000 tấn.Trung Quốc cũng đã nuôi và thu hoạch 10.000 tấn cá tra ở Hải Nam.

Ông Dương Nghĩa Quốc, Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam (VINAPA), cho biết, sản phẩm cá tra của Indonesia, Bangladesh đã tham gia vào thị trường xuất khẩu, mặc dù hiện đang chiếm thị phần nhỏ nhưng trường hợp 2 quốc gia này đầu tư và tăng sản lượng nuôi thì đây sẽ là yếu tố cạnh tranh quan trọng đối với các doanh nghiệp Việt Nam. Trong khi đó, Trung Quốc mặc dù đang giữ vị trí số 1 nhập khẩu cá tra của Việt Nam nhưng lại là thị trường không ổn định, nhiều rủi ro.

Theo ông Võ Đông Đức, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Xuất nhập khẩu thủy sản Cần Thơ, bây giờ chúng ta không còn “một mình một chợ” nữa, yêu cầu đặt ra là phải thay đổi theo hướng tích cực để cạnh tranh, phải biết rằng mình đứng ở vị trí nào, cải thiện tất cả mọi mặt từ nuôi, chế biến, xuất khẩu, kể cả phải tính toán lại cách thức tổ chức sản xuất...

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Xuân Cường cho rằng, ngành cá tra với diện tích khoảng 5.000ha nhưng kim ngạch xuất khẩu đã đạt 1,8 tỷ USD và còn nhiều tiềm năng phát triển. Tuy nhiên, ngành cá tra Việt Nam còn những điều chưa yên tâm, đó là chuỗi giá trị chưa cao, tính cạnh tranh, liên kết yếu... Do đó, yêu cầu các địa phương phát triển mặt hàng cá tra cần xem khâu giống là khâu “yết hầu”. Cùng với đó, phải tăng cường sự liên kết trong sản xuất, tiêu thụ...

Cá da trơn rộng đường vào Mỹ

Mới đây, Cục kiểm tra An toàn Thực phẩm (FSIS) thuộc Bộ Nông nghiệp Mỹ đã đề xuất với Văn phòng Đăng ký liên bang (Federal Register) đăng bản Dự thảo lấy ý kiến đề xuất công nhận 3 nước: Việt Nam, Trung Quốc và Thái Lan đủ điều kiện xuất khẩu sản phẩm cá và cá Siluriformes vào thị trường Mỹ.

Theo đề xuất này, FSIS đưa ra quyết định công nhận hệ thống kiểm tra cá da trơn (thuộc họ Siluriformes) ở Việt Nam, tương đương với hệ thống của Mỹ. Đề xuất đã được đăng công khai và lấy ý kiến rộng rãi trong 30 ngày.

Mức thuế mới được áp dụng bắt buộc là 0,00 USD/kg và 1,37 USD/kg; thuế suất cho các bị đơn tự nguyện là 0,41 USD/kg; thuế suất toàn quốc là 2,39 USD/kg, thấp hơn nhiều so với kết quả cuối cùng của đợt rà soát trước đó (POR13).

Cả ba quốc gia trên đã gửi đầy đủ tài liệu cho FSIS nhằm đánh giá và công nhận quá trình kiểm soát hệ thống chất lượng tương đương và đủ điều kiện xuất khẩu cá Siluriformes sang Mỹ. FSIS đã xem xét tài liệu, tiến hành kiểm tra thực địa tại các quốc gia này và đưa ra kết luận trong bản dự thảo: Khi được triển khai, hệ thống kiểm tra của ba quốc gia trên tương đương với hệ thống kiểm tra của Mỹ.

Nếu Dự thảo đề xuất này là quyết định cuối cùng của Mỹ thì Việt Nam, Trung Quốc và Thái Lan sẽ đủ điều kiện xuất khẩu cá Siluriformes sang Mỹ. Toàn bộ quy tắc kèm theo bản đề xuất sẽ được đưa vào Quy tắc Liên bang Mỹ (CFR).

Theo Tổng cục Hải quan, trong tháng 8/2018, xuất khẩu thủy sản sang Mỹ tăng trưởng vượt bậc, tăng tới 46% về trị giá so với cùng kỳ năm trước, đạt 188,7 triệu USD. Lũy kế 8 tháng của năm 2018, trị giá xuất khẩu thủy sản sang Mỹ đạt 982,9 triệu USD, tăng 7%.

Xem thêm

Chanh