|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

BYD mở rộng các mối quan hệ đối tác tại Đông Nam Á, kỳ vọng tăng doanh số bán hàng

20:50 | 19/09/2023
Chia sẻ
Tính riêng tại thị trường xe điện Đông Nam Á, BYD dường như đang "dẫn trước" gã khổng lồ Tesla nhờ vào chiến lược bán hàng qua đại lý và nhà phân phối.

Theo Reuters, công ty xe điện BYD của Trung Quốc đã đạt được thành công nhất định ở Đông Nam Á khi vượt qua ông lớn Tesla, chiếm hơn 1/4 thị phần thị trường xe điện ở khu vực này.

Bên cạnh việc bán các mẫu xe điện có giá cả phải chăng, thành công ban đầu của BYD cũng dựa trên mô hình hợp tác với các tập đoàn lớn ở Đông Nam Á, cho phép nhà sản xuất ô tô Trung Quốc mở rộng phạm vi tiếp cận, theo dõi sở thích của người dùng và điều hướng hoạt động kinh doanh phù hợp với quy định của từng quốc gia, theo các nhà phân tích.

Mô hình hợp tác này, tương tự mô hình mà các nhà sản xuất ô tô Nhật Bản ở một số nước Đông Nam Á theo đuổi cách đây nhiều thập kỷ, đang giúp BYD gặt háithành công nhanh chóng ở Đông Nam Á. Soumen Mandal, chuyên gia phân tích cấp cao tại công ty theo dõi dữ liệu Counterpoint Research, cho biết: “Hiện tại, trọng tâm của BYD là phát triển thương hiệu thay vì gia tăng tỷ suất lợi nhuận”.

BYD đang gặt hái được những thành công nhất định tại Đông Nam Á. (Ảnh: HT Auto).

Phía BYD hiện chưa đưa ra bình luận về vấn đề này.

Theo Counterpoint Research, BYD chiếm 26% tổng doanh số bán xe điện tại Đông Nam Á trong quý II. Mẫu xe BYD Atto 3, có giá khởi điểm 30.000 USD tại Thái Lan, cũng là mẫu xe điện bán chạy nhất khu vực.

Xe điện chỉ chiếm 6,4% tổng doanh số bán ô tô tại Đông Nam Á trong quý II, tuy nhiên, thị trường xe điện Đông Nam Á có thể trở nên quan trọng hơn với các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc sau khi Ủy ban châu Âu vào tuần trước công bố một cuộc điều tra về các khoản trợ cấp cho xe điện của chính quyền Bắc Kinh.

Đông Nam Á không phải thị trường đơn giản

Một số nhà phân phối của BYD tại Đông Nam Á hiện tại có thể kể tới bao gồm Sime Darby tại Malaysia và Singapore, Bakrie & Brothers tại Indonesia, Ayala Corp tại Philippines và Rever Automotive tại Thái Lan.

Chee-Kiang Lim, người đứng đầu công ty tư vấn bán hàng ô tô Urban Science cho biết, những mối quan hệ đối tác của BYD đang giúp ích cho công ty trong việc mở rộng hình ảnh thương hiệu tại Đông Nam Á, nơi mà các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc chưa có thành tích nổi bật.

Ông Chee nói: “Nếu người mua không chắc chắn hoặc có bất kỳ mối lo ngại nào về xe điện BYD thì các mối quan hệ hợp tác với những công ty lâu đời như Sime Darby, Bakrie & Brothers hoặc Ayala Corp có thể giúp họ cảm thấy yên tâm hơn, đặc biệt là về vấn đề hậu mãi”.

Nhà sản xuất ô tô có trụ sở tại Thâm Quyến đang đầu tư gần 500 triệu USD vào Thái Lan để xây dựng một nhà máy sản xuất mới, có công suất sản xuất dự kiến khoảng 150.000 xe điện mỗi năm kể từ năm 2024, để xuất khẩu sang thị trường Đông Nam Á và châu Âu.

Đối với AC Motors của Ayala Corp, công ty có kế hoạch mở hàng chục đại lý BYD trong 12 tháng tới ở Philippines với trọng tâm chi tiêu ban đầu là xây dựng thương hiệu và thu hút nhiều người tiêu dùng quan tâm nhiều hơn đến xe điện, người đứng đầu bộ phận kinh doanh ô tô của công ty, Antonio Zara, cho biết.

Tại Thái Lan, hình ảnh quảng cáo về BYD có thể được nhìn thấy ở khắp mọi nơi, từ màn hình nhỏ bên trong các chuyến tàu trên cao ở thủ đô Bangkok cho đến các biển quảng cáo lớn ở những thị trấn tỉnh lẻ. Đối tác tại Thái Lan của BYD, Rever, đã không đưa ra bình luận liên quan tới chiến lược tiếp thị và phân phối xe điện BYD của mình.

Tại Indonesia, BYD có thể dựa vào đơn vị VKTR của Bakrie & Brothers để đảm bảo hợp đồng với chính phủ, cung cấp 52 chiếc xe buýt điện cho Jakarta, giám đốc chiến lược Alex Kim của công ty cho biết.

Sẵn sàng cạnh tranh với Tesla

Theo Counterpoint Research, Thái Lan đóng góp 24% vào tổng doanh số bán hàng ở nước ngoài của BYD trong quý II, qua đó trở thành thị trường bên ngoài Trung Quốc lớn nhất của BYD.

Ngược lại, doanh số bán xe điện của Tesla tại Đông Nam Á chiếm chưa tới 1% tổng doanh số bán hàng của Tesla. Trang web chính thức của Tesla hiện chỉ liệt kê hai cửa hàng tại Đông Nam Á, đều đặt tại Singapore, dù thực tế họ cũng đang tuyển dụng nhân sự tại Thái Lan và Malaysia.

Chiến lược tại Đông Nam Á của BYD trái ngược với Tesla, công ty vẫn luôn duy trì mô hình bán độc quyền và không thông qua các đại lý.

BYD và đối tác Sime Darby Motors đang thử nghiệm một cách tiếp cận mới để thu hút người tiêu dùng trẻ, am hiểu công nghệ đến với thương hiệu xe điện Trung Quốc tại Singapore. Cả hai đã cùng nhau khai trương 5 showroom có tên "BYD by 1826", đóng vai trò như những nơi mà khách hàng có thể tới trải nghiệm, đồng thời chiêm ngưỡng các mẫu xe điện mới của BYD.

Jeffrey Gan, người đứng đầu mảng kinh doanh bán lẻ và phân phối của Sime Darby Motors tại Đông Nam Á cho biết: “Với “BYD by 1826”, chúng tôi có thể tiếp cận với nhiều khách hàng, những người mới nghe tới và thực sự muốn tìm hiểu thêm về thương hiệu BYD”.

Anh Nguyễn

Nhìn lại ngành chứng khoán Việt Nam sau 24 năm qua các làn sóng M&A (Phần 2)
Làn sóng M&A thứ nhất ngành chứng khoán Việt Nam sớm kết thúc và để lại kết quả không mấy khả quan, các tổ chức quốc tế lần lượt rời đi. Làn sóng M&A mới nổ ra với mô hình thâu tóm toàn bộ cổ phần, “thay tên đổi họ” với sự gia nhập của các tập đoàn Hàn Quốc và những định chế trong nước.