|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

BYD (Trung Quốc) lần đầu lọt top 10 nhà sản xuất ô tô lớn nhất thế giới

22:30 | 28/08/2023
Chia sẻ
Công ty BYD của Trung Quốc đã lần đầu tiên đứng vào hàng ngũ 10 nhà sản xuất ô tô lớn nhất thế giới, khi vượt qua những tên tuổi như Mercedes-Benz Group và BMW. Đây là tín hiệu cho thấy cách thức mà xe điện đang tái định hình ngành công nghiệp ô tô.

 

BYD đã tăng cường sự hiện diện tại Thái Lan và các nước Đông Nam Á khác, cũng như ở Nga, nơi các nhà sản xuất ôtô Nhật Bản, Mỹ và châu Âu đã rút lui sau khi nước này thực hiện chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Số liệu từ công ty nghiên cứu MarkLines cho thấy doanh số xe mới của BYD trong nửa đầu năm nay đã tăng 96% so với cùng kỳ năm ngoái lên 1,25 triệu chiếc, qua đó đưa nhà sản xuất ô tô này lên vị trí thứ 10 thế giới, ngay sau Suzuki Motor của Nhật Bản.

Trước đó, nhà sản xuất ô tô Trung Quốc này chỉ đứng thứ 16 về doanh số vào năm ngoái và thậm chí còn không vào được top 20 thế giới trong năm 2021.

Từ bỏ việc sản xuất xe chạy bằng xăng vào năm 2022, BYD đã gia tăng thị phần bằng cách mở rộng danh mục sản phẩm của mình ở cả phân khúc bình dân và cao cấp, tập trung vào mảng xe điện và xe lai sạc điện.

BYD còn đạt được những bước tiến dài vượt ra khỏi thị trường nội địa rộng lớn của Trung Quốc. Đối thủ này của Tesla đã xuất khẩu hơn 80.000 xe sản xuất tại Trung Quốc trong nửa đầu năm nay. BYD đã tăng cường sự hiện diện tại Thái Lan và các nước Đông Nam Á khác, cũng như ở Nga, nơi các nhà sản xuất ô tô Nhật Bản, Mỹ và châu Âu đã rút lui sau khi nước này thực hiện chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine (U-crai-na).

Đáng chú ý, theo báo cáo của MarkLines, BYD đứng đầu về doanh số xe điện, xe lai sạc điện và xe chạy bằng pin nhiên liệu trên 14 thị trường lớn trong nửa đầu năm 2023. Đứng thứ hai là Tesla, và Volkswagen đứng cách khá xa ở vị trí thứ ba. Các thị trường này bao gồm Trung Quốc, Mỹ và các nước khác có bán phần lớn các loại xe này.

Đây là năm thứ tư liên tiếp Toyota Motor duy trì vị trí dẫn đầu về doanh số xe toàn cầu trong nửa đầu năm, với 5,41 triệu chiếc được bán ra, tăng 5% và đánh dấu lần tăng đầu tiên trong hai năm qua. Ngoại trừ Honda Motor, cả 20 công ty top đầu đều ghi nhận doanh số gia tăng từ các mức thấp của năm 2022 do tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng và tình hình phong tỏa do dịch COVID-19 tại Trung Quốc.

Tuy nhiên, các nhà sản xuất ô tô Nhật Bản và châu Âu lại đang gặp khó tại Trung Quốc, với doanh thu ở thị trường này giảm 3% còn 870.000 chiếc. Trong đó, các nhà sản xuất ô tô Nhật Bản như Honda, Nissan Motor, Mazda Motor và Mitsubishi Motors đều ghi nhận các mức giảm hai chữ số trở lên tại thị trường Trung Quốc. Nhà sản xuất ô tô lớn thứ hai thế giới là Volkswagen ghi nhận tổng doanh số tăng 13% lên 4,37 triệu chiếc, nhưng doanh số tại Trung Quốc, thị trường chiếm khoảng 30% tổng doanh số của nhà sản xuất ô tô Đức này, lại giảm 1% xuống 1,45 triệu chiếc.

Ngược lại, ngoài BYD, các công ty ô tô khác của Trung Quốc cũng có nhiều tiến triển trong nửa đầu năm nay. Zhejiang Geely Group Holding đứng ở vị trí thứ 13, Changan Automobile Group xếp thứ 14 và Chery Automobile đứng thứ 17, với doanh số đều tăng ở mức hai chữ số.

Theo Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc, các nhà sản xuất ô tô lớn của nước này đã xuất khẩu 2,14 triệu chiếc trong nửa đầu năm nay, tăng tới 76% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi doanh số xe mới ở thị trường nội địa gần như không tăng.

Ông Kentaro Abe, Giám đốc mảng tư vấn và chiến lược tại Nhật Bản của công ty kiểm toán PwC, nhận định các thương hiệu ô tô Trung Quốc đã thu hẹp khoảng cách với các nhà sản xuất ô tô của các nền kinh tế phát triển về thiết bị và tính năng. Chuyên gia này cho biết lượng xe điện và các loại xe năng lượng mới khác xuất khẩu của Trung Quốc cũng đang trên đà tăng.

Khánh Ly (Theo Nikkei Asia)