BVSC: Các hãng phân phối laptop, điện thoại sẽ hưởng lợi lớn nhờ nhu cầu đồ công nghệ tăng nóng những tháng cuối năm
Đại dịch COVID-19 gây ra nhiều mặt tiêu cực cho kinh tế như tăng trưởng GDP giảm mạnh, nguy cơ thất nghiệp và hạn chế. Tuy nhiên nhìn ở góc độ khác, dịch bệnh đã đẩy mạnh số hóa ở Việt Nam và tác động tới hành vi tiêu dùng của người Việt và làm thay đổi hoạt động kinh doanh của một số doanh nghiệp.
Số hóa các kênh bán hàng sản phẩm công nghệ
Theo báo cáo cập nhật ngành công nghệ tháng 9, Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) nhận định rằng thời gian dành cho trực tuyến của người Việt năm 2021 có thể sẽ cao hơn nhiều so với mức năm 2020 (4,2 giờ trong giai đoạn cao điểm giãn cách).
Báo cáo "e-Conomy SEA 2020" của Google chỉ ra rằng người tiêu dùng chuyển sang các dịch vụ kỹ thuật số. Trong đó, số người dùng mới chiếm 41% tại Việt Nam (cao hơn so với bình quân khu vực Đông Nam Á). Ngoài ra, 94% số người dùng mới này định tiếp tục sử dụng các dịch vụ đó kể cả sau đại dịch.
Những thay đổi này trong hành vi của khách hàng sẽ có tác động tích cực đến nhu cầu đối với các sản phẩm công nghệ (ICT), chẳng hạn như máy tính xách tay, máy tính bảng, smartphone và thiết bị gia dụng cũng như hàng tiêu dùng nhanh (FMCG).
Các công ty được định vị tốt để hưởng lợi ròng từ xu hướng này trong phạm vi nghiên cứu của BVSC, bao gồm CTCP Thế Giới Số (Mã: DGW) và Tổng CTCP Dịch vụ Tổng hợp Dầu khí (Mã: PET).
Các doanh nghiệp cũng cho thấy nỗ lực đẩy mạnh số hóa các kênh bán hàng và hoạt động của mình để bắt kịp xu hướng người tiêu dùng.
Đơn cử như CTCP Đầu tư Thế giới Di động (Mã: MWG), nhà bán lẻ đồ công nghệ lớn nhất Việt Nam, lũy kế 7 tháng đầu năm, tổng doanh thu online của hai chuỗi Thế Giới Di Động và Điện Máy Xanh đạt gần 6.000 tỷ đồng.
"Cháy hàng" laptop phân khúc giá thấp
Đối với mặt hàng laptop, theo quan sát của BVSC, doanh thu mảng này tại Việt Nam đã tăng trong 3 năm qua nhờ môi trường kinh doanh sôi động trước COVID-19; nỗ lực số hóa ngày càng tăng; và những thay đổi trong hành vi của người tiêu dùng, như chuyển sang làm việc và học tập trực tuyến.
Thông thường quý III là mùa cao điểm của mặt hàng laptop tại Việt Nam, chủ yếu do vào mùa tựu trường. Tuy nhiên, dự kiến học sinh sẽ phải học trực tuyến từ ngày khai giảng đến cuối học kỳ đầu tiên trong năm nay do COVID-19. Nhu cầu về máy tính xách tay vì thế đang bùng nổ.
Cả Thế Giới Di Động và CTCP Bán lẻ Kỹ thuật số FPT (FPT Retail - Mã: FRT) đều cho biết nhu cầu về laptop trong tháng 8 đã tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm trước. Ví dụ từ phía nhà cung cấp, Acer chia sẻ rằng doanh thu tháng 8 của hãng đã tăng gấp đôi so với cùng kỳ, trong khi dự kiến doanh thu tháng 9 sẽ tăng gấp 2-3 lần.
Mặc dù doanh thu laptop vẫn tăng mạnh so với cùng kỳ nhưng BVSC cho rằng chỉ tiêu này bắt đầu có dấu hiệu chậm lại trong quý II, phần lớn bị ảnh hưởng bởi nguồn cung thu hẹp. Động lực chính cho doanh thu tăng mạnh quý II là mở rộng ASP, kỳ vọng có thể sẽ duy trì trong tương lai.
Trên thực tế, cả Thế Giới Di Động và FPT Retail đều đang phải đối mặt với tình trạng khan hiếm laptop phân khúc giá thấp, do đó, khuyến khích người tiêu dùng chuyển sang các sản phẩm giá cao hơn.
Tuy gặp khó khăn về nguồn cung, BVSC cho rằng các nhà phân phối laptop có vị thế tốt để hưởng lợi trực tiếp, vì nhu cầu mua bùng nổ sẽ giúp kiềm chế chi phí bán hàng (như chi phí chiết khấu, khuyến mại). Đồng thời, chiến lược cao cấp của nhà sản xuất mở rộng ASP, hỗ trợ cả tăng trưởng doanh thu và biên lợi nhuận.
Thị trường điện thoại sẽ phục hồi vào quý IV
Đối với các mặt hàng điện thoại di động (ĐTDT), theo CounterPoint, sản lượng tiêu thụ điện thoại di động của Việt Nam tăng do nhu cầu dồn nén và việc chuyển dịch từ điện thoại phổ thông sang smartphone.
Đối với Apple, dữ liệu từ BVSC cho rằng các nhà phân phối của hãng ghi nhận doanh thu bán hàng (bao gồm cả iPhone và các sản phẩm khác như laptop, máy tính bảng, đồng hồ và phụ kiện) của cả PET và DGW duy trì mạnh trong ba quý gần đây.
Đơn cử như PET, doanh thu Apple của nhà phân phối này đạt hơn 330 tỷ trong quý III/2020, tăng lên hơn 1.000 tỷ trong ba quý gần đây, theo ước tính của BVSC. Ước tính tổng đóng góp từ Apple cho PET là hơn 1.700 tỷ, chiếm 40% doanh thu của quý I của đơn vị này.
Đối với Xiaomi, BVSC cho rằng việc VinSmart (nắm giữ 10% thị phần) rời thị trường điện thoại giá rẻ mang lại lợi ích lớn. Đồng thời những chính sách thúc đẩy việc sử dụng smartphone sẽ mở đường sản lượng tiêu thụ smartphone của hãng tăng trưởng.
Xiaomi đã chuẩn bị tốt để đối phó với bất kỳ sự gián đoạn nào từ COVID-19 bằng cách đưa giai đoạn 1 của nhà máy thông minh vào hoạt động vào đầu năm ngoái, với dây chuyền sản xuất hoàn toàn tự động có thể sản xuất 1 triệu smartphone mỗi năm.
Trong khi đó, Xiaomi báo cáo rằng giai đoạn 2 của nhà máy thông minh dự kiến sẽ đưa vào hoạt động trong năm 2023 với sản lượng 10 triệu chiếc/năm.
BVSC kỳ vọng quý IV sẽ chứng kiến thị trường ĐTDĐ của Việt Nam quay trở lại đà tăng trưởng. Thông thường, quý IV là mùa cao điểm của ĐTDĐ tại Việt Nam, khi các thương hiệu tích cực tung ra các sản phẩm để đáp ứng nhu cầu tăng của người tiêu dùng.
Việc dần mở lại các cửa hàng hiện hữu của các nhà bán lẻ lớn trên toàn quốc sẽ là động lực chính thúc đẩy doanh số phục hồi.
BVSC bày tỏ quan điểm việc tung ra sản phẩm và nhu cầu phục hồi là điều có lợi cho các nhà phân phối, như PET và DGW. Trong khi đó, những thay đổi cấu trúc ngành sẽ định hình triển vọng tươi sáng hơn cho thị trường ĐTDĐ trong tương lai.
Về kết quả kinh doanh những tháng cuối năm của một số doanh nghiệp, BVSC dự báo doanh thu thuần quý III của DGW là 4.845 tỷ đồng, tăng gần 34% so với cùng kỳ năm trước, và lợi nhuận ròng đạt gần 125 tỷ đồng, tăng 63,6%.
Điều này là nhờ biên lợi nhuận mở rộng tốt hơn trong môi trường tiêu thụ nhanh và thị phần tăng vững chắc của Xiaomi và Apple để bù đắp bất kỳ tác động tiêu cực nào từ thị trường chung.
Dự báo doanh thu thuần và lợi nhuận ròng cả năm 2021 cho DGW lần lượt lên 19.866 tỷ (tăng 58,5% so với cùng kỳ) và 488,4 tỷ (tăng 83%).
Đối với PET, ước tính doanh thu thuần quý III của công ty đạt 3.646 tỷ, giảm 16,5% so với cùng kỳ năm trước và lợi nhuận sau thuế 63 tỷ đồng, tăng 27,6%. Cho cả năm 2021, BVSC dự báo doanh thu thuần và lợi nhuận ròng cho PET lần lượt 16.264 tỷ đồng (tăng 21%) và 237 tỷ đồng (tăng 72,6%).