|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Doanh nghiệp công nghệ, viễn thông bứt tốc quý II bất chấp dịch bệnh

20:00 | 09/08/2021
Chia sẻ
Các gói đầu tư công và chuyển đổi số là những động lực thúc đẩy tăng trưởng cho nhóm công nghệ trong quý II và tương lai. Còn doanh nghiệp viễn thông sẽ hưởng lợi lớn nhờ giãn cách xã hội, tuy nhiên tình hình dịch diễn biến phức tạp cũng ảnh hưởng tới lịch đấu thầu.

Doanh nghiệp công nghệ viễn thông tìm 'ngọc' trong thời dịch - Ảnh 1.

Hình minh họa: Viettel.

Viettel Global thoát lỗ, Công trình Viettel tăng trưởng lợi nhuận 71% quý II

Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) ghi nhận doanh thu toàn tập đoàn đạt 128.600 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 19.900 tỷ đồng, tăng lần lượt 6,8% và 1,3% so với cùng kỳ năm trước.

Kết quả kinh doanh có tăng trưởng nhưng Viettel ghi nhận 95% điểm bán tại TP HCM và 80% điểm bán tại Hà Nội đóng cửa hoặc tạm ngừng hoạt động do chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Thuê bao di động giảm do người dân giảm bớt số lượng sim và tiêu dùng viễn thông.

Tổng CTCP Đầu tư Quốc tế Viettel (Viettel Global - Mã: VGI) vừa báo thoát lỗ quý II với lãi sau thuế đạt 865 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm trước âm 84,5 tỷ đồng; doanh thu đạt gần 5.260 tỷ đồng, tăng 22%.

Công ty cho biết điều này là nhờ hầu hết thị trường đang đầu tư đều tăng trưởng mạnh với doanh thu hai chữ số, trừ Mytel (tại Myanmar) còn chịu biến lỗ tỷ giá làm giảm lợi nhuận từ công ty liên kết.

Lũy kế 6 tháng đầu năm, Viettel Global đạt doanh thu thuần 9.888 tỷ đồng, lãi sau thuế 443 tỷ đồng, lần lượt tăng 14% và giảm 46% so với cùng kỳ năm trước. Như vậy, nửa đầu năm nay công ty đã thực hiện 91% kế hoạch lợi nhuận năm.

Doanh nghiệp công nghệ viễn thông tìm 'ngọc' trong thời dịch - Ảnh 2.

Kết quả kinh doanh quý II/2021 nhóm doanh nghiệp "họ Viettel". (Nguồn: Tổng hợp từ Báo cáo tài chính hợp nhất của các doanh nghiệp).

Doanh nghiệp công nghệ viễn thông tìm 'ngọc' trong thời dịch - Ảnh 3.

Kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm nhóm doanh nghiệp "họ Viettel". (Nguồn: Tổng hợp từ Báo cáo tài chính hợp nhất của các doanh nghiệp).

Đối với Tổng CTCP Công trình Viettel (Mã: CTR), trong quý II, công ty được hưởng lợi chủ yếu từ doanh thu giải pháp tích hợp và bán hàng thương mại; kinh doanh bất động sản đầu tư; các hợp đồng xây lắp; và bán hàng thương mại. Điều này khiến tổng doanh thu thuần tăng 32% so với cùng kỳ năm trước lên gần 3.546 tỷ đồng.

Các chi phí đều tăng làm hao mòn lợi nhuận nhưng lãi sau thuế của CTR vẫn tăng tới 71% lên 81 tỷ đồng.

Trong 6 tháng đầu năm, doanh thu đạt 3.546 tỷ đồng, tăng 32% so cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế 153 tỷ đồng, tăng 55% so cùng kỳ năm trước và thực hiện 55% kế hoạch năm.

FPT, CMC, Elcom hưởng lợi từ các hợp đồng ký mới

Doanh nghiệp công nghệ viễn thông tìm 'ngọc' trong thời dịch - Ảnh 4.

Trụ sở Công ty Cổ phần FPT. (Ảnh: Tường Vy).

Công ty cổ phần FPT (Mã: FPT) ghi nhận doanh thu 6 tháng đầu năm đạt 16.228 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 2.936 tỷ đồng, lần lượt tăng 19% và 21% so với cùng kỳ năm ngoái. FPT cho biết động lực chính dẫn đến sự tăng trưởng này tới từ nhu cầu gia tăng mảng công nghệ và cải thiện biên lợi nhuận ở mảng viễn thông.

Tính riêng quý II, tập đoàn ghi nhận 8.622 tỷ đồng doanh thu, 1.539 tỷ đồng lãi trước thuế; tăng lần lượt 23% và 20% so với cùng kỳ năm trước.

Như vậy, sau nửa đầu năm, tập đoàn đã đạt gần 50% mục tiêu doanh thu và lợi nhuận cả năm.

Doanh nghiệp công nghệ viễn thông tìm 'ngọc' trong thời dịch - Ảnh 5.

Lợi nhuận sau thuế hàng quý của FPT. (Nguồn: Tổng hợp BCTC hàng quý của doanh nghiệp).

Đối với CTCP Tập đoàn Công nghệ CMC (Mã: CMG) trước những khó khăn từ dịch bệnh, công ty đã thực hiện chuyển đổi kinh doanh và ghi nhận doanh thu 1.301 tỷ đồng, tăng 23% so với cùng kỳ năm trước; lợi nhuận sau thuế 62,4 tỷ đồng, tăng 46%.

Trong đó, riêng khối kinh doanh quốc tế có tăng trưởng lợi nhuận đạt 575% và khối dịch vụ viễn thông tăng trưởng 41% so với cùng kỳ năm trước.

Còn với CTCP Đầu tư Phát triển Công nghệ Điện tử Viễn thông (Elcom – mã: ELC), một số hợp đồng lớn mảng giao thông, an ninh quốc phòng mà công ty đang triển khai bị ngắt quãng, chậm do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Vì vậy, doanh thu quý II giảm gần 30% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế giảm 15% so với cùng kỳ còn 8,5 tỷ đồng.

Tuy nhiên tính chung kết quả 6 tháng đầu năm, lợi nhuận sau thuế của công ty tăng 31% lên 18,7 tỷ đồng nhờ các dự án, hợp đồng vừa và nhỏ, các hợp đồng dịch vụ giá trị gia tăng đem lại hiệu quả kinh doanh tốt với biên lãi gộp cao.

Cơ hội từ các dự án công, nhu cầu số hóa của khách hàng doanh nghiệp

Chứng khoán BSC nhận định các doanh nghiệp công nghệ thông tin sẽ được hưởng lợi nhờ hai yếu tố chính: Gói đầu tư công nghệ từ đầu tư công; và chính phủ tăng cường áp dụng chuyển đổi số với các sản phẩm "Make in Vietnam".

Cụ thể, việc đẩy mạnh đầu tư công sẽ thúc đẩy hoạt động đấu thầu tại các doanh nghiệp có lợi thế về giao thông thông minh, thu phí tự động,... 

Gói công nghệ thông tin cho 11 tuyến đường sẽ có giá trị tổng cộng là 4.000 tỷ đồng, tập trung vào các dịch vụ giao thông thông minh, giám sát điều hành, thu phí tự động. Tuy nhiên, dịch bệnh diễn biến phức tạp trong quý II có thể khiến tốc độ đấu thầu các dự án chậm lại. BSC chỉ ra Elcom hay CTCP Công nghệ Tiên Phong (Mã: ITD) có thể hưởng lợi ở mảng này.

Ở lĩnh vực chuyển đổi số, các sản phẩm công nghệ nội địa sẽ có những cơ hội nhờ nhu cầu tăng mạnh. Đơn cử như Bộ Thông tin và Truyền thông ra mắt loạt sản phẩm chuyển đổi số như chuỗi khối, cổng hỗ trợ thanh toán, nền tảng lập trình cho giao tiếp,… Các doanh nghiệp lớn (ngân hàng, bảo hiểm, bán lẻ,…) đều có nhu cầu số hóa các quy trình, thủ tục của doanh nghiệp.

BSC cho rằng điều này sẽ làm tăng chi tiêu, đầu tư về công nghệ của chính phủ, giúp các doanh nghiệp như FPT hay CMG được hưởng lợi nhờ số lượng dự án tăng lên. Dự kiến trong quý III, FPT sẽ ghi nhận kết quả kinh doanh khả quan nhờ giá trị hợp đồng ký mới tăng 41% trong quý II và mảng viễn thông được hưởng lợi do các lệnh giãn cách xã hội.

Riêng Elcom, công ty giữ thị phần thứ hai ở thị trường ngách giao thông thông minh, việc Chính phủ tập trung đầu tư giao thông thông minh cho hạ tầng đường bộ cũng sẽ khiến cho hoạt động kinh doanh tăng trưởng trên 52% trong hai năm 2021 - 2022.

Đối với CTR, BSC cho rằng công ty sẽ tiếp tục được hưởng lợi từ sự bùng nổ các dự án xây dựng năng lượng tái tạo (điện gió) trong quý III tới. 

Còn theo dự báo từ Chứng khoán Bản Việt (VCSC), số lượng trạm viễn thông của CTR sẽ tăng lên khoảng 3.000 vào cuối năm nay và 6.000 năm 2023 nếu Viettel mở rộng mạng lưới dữ liệu di động và CTR sở hữu ít nhất 50% số trạm mới của Viettel.

Tường Vy