Bước tiến mới của công nghiệp phụ trợ
Công nhân sản xuất bo mạch tại Công ty Thành Long. Ảnh: Thùy Dung. |
Không có hôn nhân mãi mãi
Hai năm trước, Công ty cổ phần Sản xuất điện tử Thành Long chưa hề được biết đến trong làng điện tử Việt Nam. Thành Long tham dự các sự kiện triển lãm công nghệ quốc tế thường chỉ với tư cách là... “quan sát viên”. Nhưng với sự nỗ lực của ban giám đốc và toàn thể công ty, tới nay Thành Long đã có được nhiều đơn hàng từ các doanh nghiệp Nhật Bản, Hàn Quốc và là đơn vị cung ứng cấp 2 cho Samsung trong lĩnh vực bo mạch điện tử (PCB). Thậm chí, Samsung còn đang tính tới việc sẽ đưa Thành Long trở thành đơn vị cung ứng cấp 1 của mình trong thời gian tới.
Ông Cao Minh, Giám đốc Công ty cổ phần Sản xuất điện tử Thành Long, cho hay sau 10 năm thành lập, doanh thu năm 2016 của Thành Long là 18 triệu đô la Mỹ, cung cấp sản phẩm PCB cho các công ty của Hàn Quốc. “Để thành công cần hai yếu tố công nghệ và con người. Nếu đội ngũ nhân viên cùng nghĩ theo ý nghĩ của giám đốc, trái tim cũng đập theo nhịp tim của giám đốc thì tất cả có thể làm được”, ông Minh nói.
Ông Nguyễn Văn Hào, Giám đốc HTMP Việt Nam, cho hay điểm đặc biệt của công ty là... không có phòng kinh doanh nhưng đơn hàng không thiếu và công ty luôn có nhu cầu mở rộng hoạt động kinh doanh của mình. Cách đây 10 năm khi mới thành lập, HTMP chỉ có vài khách hàng. Sau khi tạo được niềm tin với khách hàng cả về giá cả, chất lượng và thời gian thì các doanh nghiệp nước ngoài giới thiệu cho nhau thông qua mạng lưới riêng cho họ.
Vì vậy, năm 2016 doanh thu của HTMP đạt 10 triệu đô la Mỹ, là nhà cung ứng cấp 1 cho Samsung, Canon, Panasonic... các sản phẩm khuôn mẫu chính xác, sản phẩm nhựa....
Ông Hào chia sẻ, nhu cầu trong lĩnh vực công nghiệp phụ trợ rất lớn. Tuy nhiên, cạnh tranh về giá là rất khốc liệt. Doanh nghiệp muốn có được đơn hàng trước tiên phải có giá cả cạnh tranh, tiếp đến là có cam kết về chất lượng và đảm bảo về các điều khoản giao hàng. Nếu không đảm bảo được các yếu tố trên thì cho dù là bạn hàng lâu dài với doanh nghiệp FDI cũng vẫn bị loại.
“Không có một cuộc hôn nhân mãi mãi với các doanh nghiệp FDI nếu doanh nghiệp phụ trợ trong nước không nỗ lực cải tiến kỹ thuật, công nghệ và xây dựng niềm tin với khách hàng”, ông Hào chia sẻ.
Trước đây, các doanh nghiệp FDI khi đầu tư vào Việt Nam thường phàn nàn là ngành công nghiệp phụ trợ trong nước còn kém phát triển và khó tìm được nhà cung ứng, có chăng chỉ là các sản phẩm bao bì, nhãn mác. Thậm chí, nhiều nhà đầu tư còn cho rằng khó tìm được cả những nhà cung ứng ốc, vít ở Việt Nam.
Bà Đỗ Thị Thúy Hương, Ủy viên Ban Chấp hành Hiệp hội Điện tử Việt Nam, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Viettronics Công nghiệp, cho hay các doanh nghiệp điện tử Việt Nam đã qua thời kỳ công nghiệp ốc, vít từ lâu. Các doanh nghiệp FDI phàn nàn việc không tìm được ốc, vít là do hai bên vẫn chưa đi đến được thống nhất về giá cả, chất lượng sản phẩm và dường như vẫn thiếu một kênh kết nối giữa doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Hơn một năm trở lại đây, theo bà Hương đánh giá, sự kết nối giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp nội địa đã “khởi sắc đáng kể”. Thậm chí, nhiều doanh nghiệp Nhật Bản, Hàn Quốc còn tổ chức các buổi triển lãm ngược để tìm doanh nghiệp nội có khả năng cung cấp hàng phụ trợ cho họ.
Ví dụ, Samsung đã thiết lập một cơ chế nóng với Hiệp hội Điện tử Việt Nam để giới thiệu cho họ những doanh nghiệp tiềm năng. Sau đó họ sẽ đánh giá, nếu được sẽ có những hỗ trợ cải tiến quy trình kỹ thuật, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Năm nay là năm đầu tiên Samsung hỗ trợ các doanh nghiệp phụ trợ Việt Nam sản xuất các sản phẩm có giá trị gia tăng cao như sản phẩm PCB của Thành Long. Theo ông Shim Won Hwan, Tổng giám đốc Tổ hợp Samsung Điện tử Việt Nam, ông thấy được sự quyết tâm đổi mới của lãnh đạo các công ty tham gia đào tạo, dù tuổi còn rất trẻ nhưng họ không đầu tư vào các lĩnh vực “hot” như bất động sản mà đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp phụ trợ, dù trông có vẻ đơn giản nhưng để làm ra được nó là cả một quy trình phức tạp.
Chỉ tính riêng Samsung, tỷ lệ nội địa hóa ở đây đã tăng đáng kể trong thời gian qua. Nếu như năm 2014, tỷ lệ nội địa hóa của Samsung Việt Nam là 35% thì ở thời điểm hiện tại đã lên 57%. Số lượng nhà cung ứng Việt Nam cho Samsung là 215 doanh nghiệp gồm 25 doanh nghiệp cấp 1 và 190 doanh nghiệp cấp 2.
Sự phát triển của ngành điện tử thời gian qua một mặt nhờ sự nỗ lực của bản thân doanh nghiệp, thiện chí của các doanh nghiệp FDI và sự hỗ trợ chính sách từ phía Nhà nước. Tới nay, đã có khá nhiều doanh nghiệp nội địa bắt đầu tham gia chuỗi cung cấp sản phẩm cho Samsung, Canon, LG, Panasonic...
Vẫn thiếu vốn, mặt bằng
Các doanh nghiệp phụ trợ đều cho rằng, họ rất muốn “trèo” lên chuỗi giá trị cao hơn nhưng lại mắc phải vấn đề vốn và mặt bằng sản xuất.
Ông Đặng Quang Khởi, Giám đốc Công ty TNHH Nhựa An Lập, đơn vị cung ứng cấp 2 cho các doanh nghiệp Hàn Quốc, trong đó có Samsung cho hay, trở thành nhà cung ứng cấp 1 luôn là mong muốn của An Lập nhưng điều mà ông gặp phải luôn là thiếu vốn đầu tư sản xuất và kỹ năng quản trị. “Hiện có nhiều chương trình hỗ trợ cho doanh nghiệp phụ trợ nhưng An Lập thấy rất khó tiếp cận. Thủ tục thì phức tạp nên nhiều khi doanh nghiệp nản chí”, ông Lập nói.
Cùng quan điểm, ông Hào, Giám đốc HTMP cho hay, kể từ khi thành lập, ban lãnh đạo công ty luôn xác định có bao nhiêu tiền là tái sản xuất. Các nhu cầu cá nhân khác như nhà cửa, xe cộ đều ở mức rất tối thiểu, thậm chí còn ở tình trạng thế chấp để đầu tư mới. Nhưng HTMP luôn trong tình trạng... khát vốn. Bên cạnh đó, lãi suất ngân hàng thì cao, luôn ở mức 9-10%, thậm chí có những năm còn cao hơn, trong khi các doanh nghiệp là đối thủ cạnh tranh vay ở nước họ nhiều lắm cũng chỉ 2-3%. “Tỷ lệ lợi nhuận rất khó để bù đắp lãi vay cao như vậy”, ông Hào nói. Bên cạnh đó, chi phí để mở rộng mặt bằng sản xuất cũng là bài toán nan giải với doanh nghiệp.
Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp còn băn khoăn về đầu ra của sản phẩm, thấy thiếu tự tin khi tiếp cận với doanh nghiệp FDI, khi xung quanh họ là các nhà cung ứng cấp 1 dày dặn kinh nghiệm và có mối quan hệ lâu dài.
Kết hợp nhiều yếu tố trên nên theo báo cáo của Bộ Công Thương năm 2016, năng lực đáp ứng của ngành công nghiệp hỗ trợ cho các ngành sản xuất của Việt Nam còn thấp. Hiện nay, ngoại trừ lĩnh vực linh kiện phụ tùng cho ngành cơ khí chế tạo và xe máy thì công nghiệp hỗ trợ đáp ứng được 85-90%, đối với ngành ô tô chỉ đáp ứng 10-15%, ngành điện tử gia dụng 30-35%, các ngành điện tử khác đáp ứng khoảng 15%, ngành da giày đáp ứng 50%, dệt may khoảng 45%...
Bà Hương cho hay, hiện có khá nhiều chính sách ưu đãi cho các doanh nghiệp phụ trợ, đặc biệt là khi Nghị định 111 về phát triển công nghiệp phụ trợ và Quyết định 68 triển khai Nghị định 111 ra đời. Các doanh nghiệp có thể thông qua hiệp hội để được hỗ trợ tiếp cận vốn, tư vấn thủ tục giấy tờ để doanh nghiệp không cảm thấy khó khăn và cô đơn trong quá trình xin chính sách. Hơn nữa, bà Hương cũng kiến nghị chính sách hỗ trợ nên rõ ràng và minh bạch hơn đối với doanh nghiệp phụ trợ, vốn sẽ là lĩnh vực có tiềm năng phát triển trong tương lai.