Bức tranh tươi sáng của ngành than châu Á
Công ty than đầu tiên xin phá sản dưới thời Tổng thống Trump | |
Ngành than Trung Quốc đang phải gánh khoản nợ khổng lồ |
Tất cả đều giữ tâm lý lạc quan về triển vọng ngành than châu Á – khu vực sản xuất và tiêu thụ than lớn nhất thế giới, tại hội nghị thường niên Coaltrans Asia diễn ra từ ngày 6 – 8/5 tại Bali, Indonesia.
Ảnh minh họa. Nguồn: Stringer/Reuters. |
Điều này hoàn toàn trái ngược với không khí ảm đạm tại các hội nghị Coaltrans Asia trước đây khi ngành than phải đấu tranh để sống sót suốt 5 năm giá than đi xuống trong giai đoạn 2011 – 2015 cũng như chính sách hạn chế sử dụng than tại Trung Quốc và Ấn Độ - hai quốc gia nhập khẩu than lớn nhất.
Ngành than châu Á có lý do để lạc quan khi nhập khẩu than của Trung Quốc tăng 9,3% trong 4 tháng đầu năm và kỳ vọng giai đoạn giảm nhập khẩu của Ấn Độ sẽ chấm dứt trong năm nay.
Giá than cũng được cải thiện đáng kể thời gian qua. Giá than nhiệt lượng cao Australia tại Cảng Newcastle tăng lên 101,35 USD/tấn trong tuần đầu tháng 5, tăng 11,6% so với đáy 90,68 USD/tấn ghi nhận hồi cuối tháng 3.
Giá than chất lượng thấp của Indonesia thậm chí còn có màn thể hiện ấn tượng hơn. Theo Argus Media, giá than 4.200 kcal/kg trong tuần từ ngày 27/4 – 4/5 đạt 42,79 USD/tấn, tăng 18,2% so với đáy năm 2017 ở 36,20 USD/tấn.
Nhân tố chính giúp giá than phục hồi thời gian qua là Trung Quốc khi nước này có nhu cầu tiêu thụ nhiều loại than, từ than chất lượng thấp của Indonesia đến than nhiệt lượng cao của Australia.
Tuy nhiên, nhập khẩu than của Trung Quốc giảm từ 26,7 triệu tấn xuống còn 22,8 triệu tấn trong tháng 4. Trong khi đó, Ấn Độ cũng giảm nhập khẩu than trong tháng 4 còn 15,5 triệu tấn so với 16,6 triệu tấn trong tháng 3. Tính chung 4 tháng đầu năm, nhập khẩu than của Ấn Độ tăng nhẹ lên 60,4 triệu tấn, tăng 3% so với cùng kỳ năm trước.
Dù Trung Quốc và Ấn Độ chỉ tăng nhẹ nhập khẩu than từ đầu năm nay, đây vẫn là tín hiệu lạc quan cho ngành than châu Á, cộng với nhu cầu tiêu thụ bắt đầu đi lên từ các quốc gia khác như Pakistan và Việt Nam.