|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

BT Nguyễn Văn Thể: 'Không có thất thoát trong đầu tư BOT'

11:17 | 04/06/2018
Chia sẻ
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể khẳng định: "Hoàn toàn không có thất thoát trong đầu tư BOT. Nếu có sai sót liên quan tới Bộ Giao thông thì Bộ sẽ hoàn toàn chịu trách nhiệm theo đúng quy định pháp luật".

Sáng nay (ngày 4/6), tại kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIV, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể đã đăng đàn trả lời chất vấn các đại biểu Quốc hội. Các nhóm nội dung được Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể trả lời bao gồm: việc hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông và bảo đảm trật tự an toàn giao thông trong cả nước, nhất là tại các thành phố lớn; giải pháp xử lý những vấn đề tồn tại đối với các dự án giao thông đầu tư theo hình thức xây dựng-kinh doanh-chuyển giao (BOT).

Trong phiên chất vấn, một số đại biểu Quốc hội đã nêu ra các vấn đề về thất thoát trong đầu tư các dự án BOT. Trả lời các vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể khẳng định: "Hoàn toàn không có thất thoát trong đầu tư BOT. Nếu có sai sót liên quan tới Bộ Giao thông thì Bộ sẽ hoàn toàn chịu trách nhiệm theo đúng quy định pháp luật".

bt nguyen van the khong co that thoat trong dau tu bot
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể. Ảnh: Zing.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, trước đây hệ thống luật chưa hoàn chỉnh, Bộ Giao thông điều hành theo "khung cũ" nên còn thiếu sót, giải pháp lâu dài là điều chỉnh, hoàn thiện thể chế về đầu tư công. "Mong các đại biểu thông cảm", Bộ trưởng Thể nói.

Trả lời chất vấn liên quan đến kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước giảm thu phí BOT hàng chục năm sau kiểm toán, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho rằng, việc giảm thời gian này chủ yếu do "giảm nguồn dự phòng phí chưa sử dụng".

Ông giải thích, giai đoạn 2010 - 2011 lãi suất ngân hàng cao nên khi lập dự án phải căn cứ theo lãi suất ngân hàng. Khi tình hình vĩ mô ổn định, lãi suất giảm, nên phần dự phòng này không sử dụng, dẫn tới giảm thời gian thu phí.

Sau khi nghe Bộ trưởng Thể trả lời, đại biểu Phùng Đức Tiến (Hà Nam) cho biết không đồng tình với diễn giải của Bộ trưởng và chất vấn tiếp: "Nếu chênh lệch lãi suất ngân hàng thì khi quyết toán đã phải cắt rồi, sao phải chờ tới kiểm toán mới phát hiện?".

Giải thích thêm, ông Thể cho rằng, về nguyên tắc sau khi tiến hành nghiệm thu dự án mới quyết toán, sau đó điều chỉnh hợp đồng và cơ quan kiểm toán vào làm việc. Tuy nhiên, với dự án quan trọng như dự án mở rộng Quốc lộ 1 qua Tây Nguyên, năm 2014 Bộ Giao thông đã có văn bản đề nghị Kiểm toán Nhà nước tiến hành kiểm toán trước khi quyết toán.

Khi công việc hoàn thành, Kiểm toán Nhà nước đã báo cáo và Bộ GTVT đã rà soát lại kết quả kiểm toán. Sau khi rà soát Bộ GTVT mới ký quyết toán. “Kiểm toán đáng lẽ kiểm toán sau nhưng chúng tôi đề nghị kiểm toán trước. Hiện quyết toán của Bộ đa số thấp hoặc bằng so với kiểm toán. Việc chênh lệch này hoàn toàn là trừ các khoản dự phòng", ông Thể khẳng định.

Nói thêm về phí qua trạm BOT, ông Thể khẳng định Bộ đã "cố gắng giảm ở mức thấp nhất". Về lâu dài ngành giao thông sẽ thu phí trên đường song hành, đường mới chứ không thu trên đường hiện hữu.

Đại biểu Trần Văn Quý chất vấn Bộ trưởng Thể về vấn đề Cử tri Hưng Yên và Hà Nam cho rằng đang có sự lãng phí tại dự án BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ, Bộ trưởng có đồng tình với đánh giá này không, nếu có sự lãng phí thì giải pháp của Bộ trưởng thế nào?

Trả lời câu hỏi trên, Bộ trưởng Thể nói: "Tôi cho rằng đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng đang từng bước phát huy tác dụng trong lưu thông cũng như phát triển kinh tế. Giai đoạn đầu, người dân không chấp nhận đi cao tốc này vì mức phí cao. Nhưng khi đường 5 tắc, quá tải, nhiều phương tiện xe nhỏ đã chọn cao tốc Hà Nội - Hải Phòng. Có thể bây giờ phương tiện còn thưa nhưng về lâu dài, đây là tuyến cực kỳ quan trọng nối Hà Nội với Hải Phòng, kết nối kinh tế các tỉnh với Cảng Hải Phòng.

Về cầu Hưng Hà, hiện nay các tỉnh đã hình thành tuyến cao tốc dự kiến sẽ đi qua cây cầu này. Chúng tôi đã trực tiếp làm việc với Hưng Yên, Hà Nam. Cầu Hưng Hà nằm trong 10 dự án đã được Bộ trình Chính phủ. Đây là cây cầu quan trọng để phát triển kinh tế khu vực.

Cũng liên quan tới vấn đề bất cập tại các dự án BOT, đại biểu Đinh Duy Vượt chất vấn: Cách đây gần 2 năm, đại biểu Gia Lai đã trình bày bức xúc về quốc lộ 19, 25 có 2 trạm BOT ở 2 đầu quốc lộ 19 kết nối miền trung với Tây Nguyên với các nước trong khu vực. Nhưng đến nay vẫn nguyên bức xúc, xin Bộ trưởng cho biết về vấn đề này.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho hay, trong kế hoạch trung hạn, Bộ GTVT xây dựng với kinh phí cần thiết 952.000 tỷ. Nhưng Quốc hội biểu quyết căn cứ tình hình phát triển kinh tế, chúng ta chỉ bố trí được 292.000 tỷ do đó đường này chưa nằm trong danh mục đầu tư công trung hạn. Để thực hiện con đường này, cũng không thể thực hiện dự án BOT vì BOT chỉ triển khai song hành với kinh phí rất lớn. Tôi nghĩ Bộ GTVT cùng các địa phương sẽ phối hợp chặt chẽ, tham mưu Chính phủ thông qua Bộ KH-ĐT để tranh thủ các nguồn vốn có thể bố trí được trong nhiệm kỳ này vì chúng ta còn gần 10% vốn dự phòng trung hạn.

Chúng tôi nghĩ nếu Chính phủ, Quốc hội và các bộ ngành đồng thuận, có kinh phí thì chúng ta sẽ triển khai con đường này. Và tôi khẳng định, con đường này cần được đầu tư bằng ngân sách Nhà nước, chứ không thể thực hiện dự án song hành.

Xem thêm

Khánh Hà

Quốc hội đề nghị làm rõ thu thuế sàn TMĐT, cơ sở thường trú 'ảo'  nước ngoài bằng cách nào?
Trước đề xuất thu thuế thu nhập doanh nghiệp với sàn thương mại điện tử, cơ sở thường trú 'ảo' của doanh nghiệp nước ngoài, Cơ quan thẩm tra đề nghị làm rõ tính khả thi về phương thức thu thuế và những Hiệp định pháp lý có liên quan.