|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Brazil sẵn sàng trở thành đối thủ cạnh tranh với Trung Quốc trên thị trường cá rô phi đông lạnh Mỹ

15:09 | 08/10/2019
Chia sẻ
Các nhà sản xuất cá rô phi Brazil đang mở rộng dây chuyền cung cấp các sản phẩm đông lạnh và có thể vượt qua Trung Quốc trở thành nhà cung cấp hàng đầu cho Mỹ.
1454572728806_7009939

Philê cá rô phi đông lạnh. Ảnh minh họa

Vị thế của Trung Quốc tại thị trường cá rô phi đông lạnh Mỹ trước đây được coi là bất bại. Tuy nhiên, sau khi Mỹ bắt đầu đánh thuế cá rô phi Trung Quốc với mức thuế 25% trong năm 2019, người mua buộc phải tìm kiếm các nhà cung cấp thay thế ở châu Á.

"Tại thời điểm này, chúng tôi gần như đang cạnh tranh với cá rô phi đông lạnh của Trung Quốc", ông Francisco Medeiros, người đứng đầu Hiệp hội những người đánh cá Brazil PeixeBR trả lời Undercurent News.

Trước chiến tranh thương mại Mỹ - Trung hay cả trong điều kiện thị trường hiện tại, cá rô phi Trung Quốc đều có tính cạnh tranh cao, một phần nhờ đồng nhân dân tệ suy yếu, theo nhà xuất khẩu lớn Baiyang Aqual Group.

Tranh chấp thương mại kéo dài có khả năng làm suy yếu vị thế của Trung Quốc trên thị trường.

Các nhà sản xuất cá rô phi Trung Quốc có mối quan hệ chặt chẽ với Walmart và Kroger trong việc định hình chuỗi cung ứng giúp đáp ứng yêu cầu chính xác của hai nhà bán lẻ lớn này của Mỹ.

Tuy nhiên, các nhà nhập khẩu và nhà phân phối lớn đã bắt đầu đàm phán với nhiều nhà cung cấp tiềm năng ở những quốc gia khác, một nhà xuất khẩu nói với Undercurent News.

Điều đó đã đưa Walmart đến Việt Nam, mặc dù những người nuôi cá tra trong nước không muốn chuyển sang nuôi cá rô phi.

Trong khi đó, Regal Springs Group đã vận hành thành công trang trại cá rô phi ở Trung Mỹ và Mexico. Công ty có trụ sở tại Singapore này cũng nắm giữ một hợp đồng cung ứng lớn với Costco - công ty mua cá rô phi đông lạnh từ các trang trại ở Indonesia của Regal Springs.

Brazil sẽ trở thành mối lo ngại lớn đối với các nhà xuất khẩu cá rô phi của Trung Quốc?

Ông Francisco Medeiros cho biết Brazil đang cạnh tranh với Trung Quốc về khối lượng sản phẩm lớn, phân khúc cá rô phi giá rẻ và đưa robot tham gia vào quá trình sản xuất, làm giảm lợi thế chi phí lao động của Châu Á.

C. Vale, nhà sản xuất thị heo và gia cầm hàng đầu Brazil, đang mở rộng qui mô trở lại sau khi xây dựng nhà máy chế biến cá lớn nhất Brazil vào năm 2017 bằng thiết bị chế biến Marel.

Công ty đã chi 110 triệu USD cho cơ sở chế biến có khả năng xử lý 75.000 con cá rô phi/ngày. Bên cạnh đó, công ty cũng lên kế hoạch tăng công suất lên đến 300.000 con cá/ngày, Chủ tịch C. Vale, ông Alfredo Lang cho biết.

Ngành gia cầm trên toàn thế giới đang đầu tư mạnh vào tự động hóa và robot, làm giảm tác động của chi phí lao động trong toàn bộ ngành công nghiệp.

Cụ thể, công ty Tyson Foods đã đầu tư 215 triệu USD vào tự động hóa và robot. Gần đây, công ty này đã xây dựng một trung tâm nghiên cứu ở Arkansas để thúc đẩy nghiên cứu và phát triển về robot và thị giác máy.

Ông Sigurdur Olason, Phó Chủ tịch điều hành của Marel Fish, cho biết công ty đã tăng gấp đôi khoản đầu tư vào phần mềm trong năm 2018 để tăng cường khả năng robot hóa và số hóa.

Theo ông Medeiros, công nghệ sẽ tiếp tục cải thiện chi phí của ngành công nghiệp Brazil. Đặc biệt là C. Vale, một công ty lớn trong thị trường gia cầm toàn cầu với doanh thu 8,56 tỉ real (tương đương 2,05 tỉ USD) vào năm ngoái, theo ấn phẩm công nghiệp Exame của Brazil.

Ngoài ra, Copacol, một công ty gia cầm khác có doanh thu trên 1 tỉ USD, đang tăng cường sản xuất cá rô phi.

GeneSeas, nhà sản xuất cá rô phi được hỗ trợ bởi công ty cổ phần tư nhân Aquasul, đã mở một cơ sở chế biến mới trong năm 2019 với mục tiêu hướng đến thị trường Mỹ, Giám đốc điều hành GeneSeas, ông Roberto Haag cho biết vào đầu năm nay.

Bỏ qua lợi thế về chi phí lao động của châu Á, Brazil có một số lợi thế chiến lược để xuất khẩu cá rô phi. Quốc gia này có nguồn tài nguyên nước ngọt lớn nhất thế giới và cũng là một trong những nơi bán ngũ cốc và hạt có dầu hàng đầu thế giới.

Ngành gia cầm Brazil đã bắt đầu sử dụng những nguồn tài nguyên sẵn có đó để sản xuất protein động vật, cạnh tranh gay gắt với Thái Lan để trở thành một trong những nhà xuất khẩu thịt gà lớn nhất thế giới.

Brazil đang đứng thứ 4 về sản xuất cá rô phi sau Trung Quốc, Ai Cập và Indonesia. Quốc gia này sẽ tăng 12,5% sản lượng cá rô phi trong năm 2019 lên 450.000 tấn.

Ông Ricardo Neukirchner, Giám đốc điều hành của Piscicultura Aquabel - nhà cung cấp cá rô phi giống cho C. Vale, Copacol và GeneSeas cho hay những công ty gia cầm lớn này đang đặt cược họ có thể áp dụng các kiến thức về thị trường protein động vật vào cá rô phi.

Aquabel, được mua lại bởi tập đoàn di truyền học gia cầm EW Group của Đức vào năm 2016, đang xây dựng trang trại cá rô phi giống hiện đại nhất thế giới ở một khu vực nhiệt đới phía bắc Brazil.

Đồng real Brazil suy yếu đã thúc đẩy ngành công nghiệp protein động vật, ông Neukirchner nhận định.

Nguồn cá giống chất lượng, thức ăn giá rẻ và các công ty lớn có nguồn lực để đầu tư sẽ khiến Brazil trở thành mối lo ngại lớn đối với các nhà xuất khẩu cá rô phi của Trung Quốc.

Ngọc Ánh