|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Bỗng dưng lâm vào thế khốn quẫn, lỗ hơn 1 triệu USD mỗi giờ vì COVID-19, hãng hàng không lớn nhất châu Âu phải chọn giữa tiền và tự do khi cầu cứu chính phủ

07:56 | 06/05/2020
Chia sẻ
Hãng hàng không Lufthansa đang nỗ lực đàm phán với chính phủ Đức về các điều khoản nhận khoản vay giải cứu để tránh thảm kịch phá sản, song không muốn chính phủ can thiệp vào hoạt động điều hành.

Hôm 5/5, hãng hàng không Lufthansa tổ chức đại hội cổ đông trực tuyến đầu tiên trong lịch sử tồn tại của họ. Trong đại hội, ban lãnh đạo hãng công bố khoản lỗ 1,3 tỉ USD, đồng thời cảnh báo về viễn cảnh u ám của ngành hàng không toàn cầu trong thời gian tới, theo CNN.

Hãng cần sự trợ giúp của chính phủ

Lufthansa không trả lời các câu hỏi của cổ đông về cuộc thương lượng giữa hãng và chính phủ về gói vay giải cứu, theo Bloomberg. Tuần trước, Lufthansa nói chính phủ Thụy Sĩ đã đồng ý bảo lãnh 85% trong gói vay 1,5 tỉ USD cho các hãng hàng không của họ. Ngoài Thụy Sĩ, Lufthansa cũng sở hữu các hãng hàng không ở Đức, Áo và Bỉ.

Bloomberg và tuần báo Der Spiegel đưa tin hôm 1/5 rằng Lufthansa đang đàm phán với chính phủ Đức để vay 10,8 tỉ USD. Chính phủ Đức sẽ nắm 25,1% cổ phần của tập đoàn và có một ghế trong hội đồng giám sát.

Lỗ 1 triệu USD mỗi giờ vì COVID-19, hãng hàng không lớn nhất châu Âu khắc khoải chờ chính phủ cứu - Ảnh 1.

Lufthansa có kế hoạch giảm 13% số phi cơ để tái cơ cấu. Ảnh: CNN

Ban lãnh đạo Lufthansa từ chối bình luận về thông tin. Trong một thư dành cho nhân viên hôm 3/5, hãng nhận định cuộc thương lượng sẽ sớm có kết quả.

"Sự hỗ trợ của chính phủ Đức sẽ là yếu tố quyết định đối với khả năng tồn tại của chúng ta trong tương lai", hội đồng quản trị Lufthansa nói trong thư ngỏ. 

Giới phân tích lo ngại sự can thiệp của chính phủ có thể làm giảm khả năng tiến hành chương trình tái cơ cấu của Lufthansa, theo đó hãng sẽ giảm 13% số máy bay và 10.000 nhân viên. Khoảng 2/3 số nhân sự của hãng, tương đương hơn 80.000 người, đã phải giảm giờ làm.

Một người phát ngôn của Lufthansa nói với CNN rằng dịch COVID-19 đang thúc đẩy tiến độ bỏ những phi cơ cũ, có mức tiêu hao nhiên liệu lớn của hãng. Tuy nhiên, các khoản đầu tư trong tương lai - như nghiên cứu nhiên liệu sinh học cho máy bay - sẽ trở nên khó hơn.

"Nếu chúng ta muốn tiếp tục thực hiện cam kết của hội đồng quản trị về bảo vệ bầu khí quyển, chúng ta phải phục hồi sức mạnh tài chính càng sớm càng tốt", người phát ngôn nhận định.

Tiền hay tự do?

Ông Carsten Spohr, Tổng giám đốc Lufthansa, nhấn mạnh rằng hãng muốn bảo toàn sự tự do trong quyết định và hành động.

"Chúng tôi cần sự hỗ trợ của chính phủ, nhưng chúng tôi không cần sự quản lí của chính phủ", ông nói với các cổ đông trong đại hội.

Vị tổng giám đốc thừa nhận Lufthansa đang "đốt" khoản dự trữ tiền mặt với tốc độ 1,1 triệu USD mỗi giờ để duy trì sự tồn tại của hãng.

"Mọi nỗ lực của chúng ta đều tan biến bởi một cuộc khủng hoảng toàn cầu. Không ai có thể lường trước thảm kịch ấy", ông bình luận.

Daniel Roeska, một nhà phân tích cấp cao của công ty nghiên cứu Bernstein, nhận định sự can thiệp của chính phủ vào công việc của hội đồng quản trị Lufthansa sẽ khiến hoạt động của hãng trở nên khó khăn hơn, bởi lịch sử cho thấy quyền tự do quyết định là cách tốt nhất để các hãng hàng không tồn tại trong khủng hoảng.

"Mối lo ngại mang tính chiến lược lớn hơn là khoảng thời gian mà chính phủ sẽ can thiệp vào công việc của Lufthansa. Chúng tôi hi vọng các nhà đầu tư sẽ có cơ hội tăng vốn để thể hiện sự ủng hộ của họ đối với hãng", ông Daniel bình luận.

Nhiều hãng hàng không ở châu Âu và Mỹ muốn nhận vốn đầu tư và khoản vay của chính phủ để chống đỡ cuộc khủng hoảng tài chính bởi lệnh hạn chế di chuyển do các chính phủ ban bố để ngăn COVID-19 lây lan.

Đương nhiên, các chính phủ luôn đề ra điều kiện kèm theo các khoản vay - như yêu cầu các hãng giảm lượng phát thải khí carbon, cấm sa thải nhân sự. Tuần trước, Thủ tướng Đức Angela Merkel tuyên bố các gói kích thích kinh tế của Berlin sẽ gắn với những mục tiêu về bảo vệ khí hậu.

 Nhóm hãng hàng không lớn nhất châu Âu ước tính họ sẽ phải sa thải tới 35.000 nhân sự để thu gọn hoạt động kinh doanh do nhu cầu bay của người dân sẽ giảm trong tương lai. Hôm 4/5, hãng Virgin Atlantic thông báo họ sẽ giảm 3.150 nhân sự.

"Hành vi di chuyển bằng máy bay của người dân sẽ thay đổi, cả về phương diện du lịch và công việc. Do đó, ngành hàng không toàn cầu sẽ phải tự tái cấu trúc để thích nghi với tình hình mới", ông Carsten Spohr lập luận.

Cửu Dương

VDSC: Dự trữ ngoại hối đã hao hụt đáng kể trong năm 2024
Các chuyên gia phân tích của VDSC cho rằng bộ đệm để ứng phó với áp lực tỷ giá là dự trữ ngoại hối đã hao hụt đáng kể trong năm 2024, ước tính khoảng 8-10 tỷ USD. Điều này khiến cho tỷ giá dễ biến động khi có áp lực về luồng ngoại tệ rút ra.