|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Bốn thách thức cho hệ thống năng lượng bền vững của Việt Nam

16:39 | 24/08/2017
Chia sẻ
Theo dự báo, đến năm 2030, không chỉ Việt Nam mà nhiều nước trên thế giới sẽ phải đối mặt với nguy cơ thiếu năng lượng trầm trọng, vì vậy, việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, thân thiện với môi trường góp phần đảm bảo an ninh năng lượng và phát triển bền vững là yêu cầu cấp bách được đặt ra.
bon thach thuc cho he thong nang luong ben vung cua viet nam
Năng lượng điện gió (nguồn: TTXVN)

Đây cũng là một trong những nội dung được các chuyên gia bàn thảo tại Hội thảo “Năng lượng bền vững - hướng tới một nền kinh tế phát thải thấp” do Bộ Công Thương phối hợp cùng Đại sứ quán Đức tại Việt Nam và Công ty Siemens tổ chức sáng nay (24/8), tại Hà Nội.

Những thách thức trong lĩnh vực năng lượng

Báo cáo của Bộ Công Thương cho thấy, nhu cầu năng lượng của Việt Nam đã tăng rất nhanh trong 15 năm qua với mức tăng trưởng năng lượng thương mại khoảng 9,5%/năm, trong khi nhu cầu tiêu thụ điện năng cũng tăng trung bình 13%/năm trong giai đoạn 2006-2010 và khoảng 11%/năm trong giai đoạn từ 2011-2016.

Ước tính, năm 2015, tổng năng lượng tiêu thụ toàn quốc của Việt Nam khoảng 55 triệu tấn dầu quy đổi (TOE) và nhu cầu này dự báo sẽ tăng lên mức 100-110 triệu TOE vào năm 2020.

Theo Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng, với nhu cầu năng lượng như trên, Việt Nam hiện đang chuyển đổi từ một nước xuất khẩu năng lượng thành nước nhập khẩu năng lượng.

Cụ thể, năm 2017, Việt Nam phải nhập khẩu 10 triệu tấn than phục vụ nhu cầu trong nước và dự tính lượng than nhập khẩu sẽ lên tới 100 triệu tấn vào năm 2030.

"Ngoài than, Việt Nam cũng sẽ phải nhập khẩu khí hóa lỏng và điện năng từ các nước láng giềng," Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng cho hay.

bon thach thuc cho he thong nang luong ben vung cua viet nam
Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng đang phát biểu ý kiến. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Cần đẩy mạnh sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả

Trong khi đó, theo các chuyên gia, nếu sử dụng năng lượng hiệu quả và tận dụng được nguồn năng lượng tái tạo phong phú, Việt Nam có thể giảm được sự phụ thuộc vào nhiên liệu hoá thạch, hoặc nhập khẩu than.

Đề cập đến vấn đề này, ông Wolfgang Manig, Đại biện lâm thời, Đại sứ quán Đức tại Việt Nam cho rằng, hướng tiếp cận mới về năng lượng sạch và năng lượng tái tạo ngày càng có nhiều đóng góp cho việc giảm phát thải và chống biến đổi khí hậu.

Ông Wolfgang Manig nhấn mạnh, cùng với các đối tác mạnh mẽ giống như Việt Nam, Cộng hòa liên bang Đức đang đi tiên phong trong việc hướng tới giảm thiểu phát thải cácbon trong nền kinh tế và đây là một điều thiết yếu trong bối cảnh biến đổi khí hậu hiện nay. ​​

Dù đã có hơn 80% dân số được sử dụng điện nhưng ông Wolfgang Manig cũng lưu ý đến chính sách đối với giá điện hiện nay.

Theo đó, việc ​có một chính sách giá điện hợp lý sẽ là một động lực quan trọng trong việc thu hút đầu tư cũng như phát triển các nguồn điện năng mới, phục vụ nhu cầu sử dụng năng lượng ngày càng cao trong tương lai.

"Việc thay đổi hành vi là cần thiết nhưng giá điện cần phải đủ để hỗ trợ cho phát triển năng lượng tái tạo và khuyến khích tiết kiệm," ông Wolfgang Manig nói.

Thực trạng năng lượng hiện nay của Việt Nam đang đặt ra 4 thách thức cho hệ thống năng lượng bền vững, bao gồm: Cung cấp năng lượng tin cậy; giá cả hợp lý; bảo vệ môi trường và sử dụng hiệu quả tài nguyên.

Trong khi đó, kinh tế Việt Nam đang tăng trưởng nhanh, đòi hỏi nhu cầu năng lượng ngày càng lớn, ngoài việc không ngừng phát huy nội lực, Việt Nam đang quyết tâm giải quyết 4 thách thức nêu trên với sự hợp tác, hỗ trợ của công đồng quốc tế, đặc biệt từ các đối tác phát triển có trình độ công nghệ tiên tiến trong lĩnh vực năng lượng.

Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc khu vực của Tập đoàn Simens Armin Bruck cho biết, để đảm bảo cung cấp năng lượng tin cậy và tối ưu hóa việc sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên năng lượng, Việt Nam cần phát huy cao nhất mức độ sử dụng năng lượng hiệu quả bao gồm các nguồn năng lượng tái tạo, lưới điện thông minh.

Đồng thời, Việt Nam cần thay đổi từ mô hình điện tập trung cho đến mô hình điện phân bố…trong lộ trình đưa Việt Nam trở thành một quốc gia công nghiệp và đạt được các mục tiêu phát triển bền vững./.

Đức Duy