|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Bốn nguồn vốn phải xây dựng trong khởi nghiệp

07:36 | 01/10/2016
Chia sẻ
“Nguồn vốn về tài chính chỉ là biểu hiện giá trị khi startup xây dựng được 3 nguồn vốn rất quan trọng khác đó là: nguồn vốn giáo dục, nguồn vốn uy tín và nguồn vốn quan hệ” - Th.s Phạm Duy Hiếu, GĐ Quỹ khởi nghiệp doanh nghiệp khoa học và công nghệ Việt Nam (SVF) cho biết.

Th.s Hiếu cho rằng, khi khởi nghiệp, nguồn lực tài chính là điều mà bất cứ một startup nào cũng cần đến. Tuy nhiên, với việc phát triển một sản phẩm, dịch vụ mới mẻ ra thị trường thì việc huy động vốn từ các ngân hàng, quỹ đầu tư sẽ có những hạn chế nhất định. Chính vì thế, mỗi người làm khởi nghiệp cần phải xây dựng ba nguồn vốn còn lại là giáo dục, uy tín và quan hệ để “đánh thức” các nhà đầu tư tài chính.

 3654

Th.s Phạm Duy Hiếu chia sẻ những kiến thức về xây dựng các nguồn vốn trong khởi nghiệp. Ảnh: Hà Thế An.

Nguồn vốn giáo dục

Th.s Hiếu cho rằng, một startup muốn thành công phải biết vận dụng những kiến thức, kỹ năng có được để thực hiện quá trình xây dựng và phát triển sản phẩm, dịch vụ. Xây dựng nguồn vốn giáo dục bằng việc tích lũy kiến thức sẽ giúp đội ngũ khởi nghiệp có những năng lực, phẩm chất, kinh nghiệm để giải quyết những vấn đề xảy ra trong quá trình khởi sự kinh doanh.

Giám đốc Quỹ SVF nhận định "Một người có rất nhiều kiến thức nhưng không khi nào áp dụng vào thực tế sẽ bị biến thành người “béo phì” kiến thức. Điều này dẫn đến hệ quả rất nguy hiểm đó là họ chỉ biết dùng kiến thức để đánh giá và phán xét người khác và không chịu lao động, sáng tạo để tạo ra giá trị cho xã hội".

“Đối với khởi nghiệp, quá trình tích lũy kiến thức phải được xây dựng từ quá trình trải nghiệm thực tế. Những người khởi nghiệp sẽ là những người biết lắng nghe những vấn đề mà khách hàng đang gặp phải. Sau đó, sử dụng sự sáng tạo của mình để tạo ra những giá trị cho xã hội bằng những sản phẩm, dịch vụ mà cộng đồng cần. Điều quan trọng là quá trình thực thi việc đưa ý tưởng, sản phẩm ra thị trường như thế nào mới quan trọng”.

 3654

“Nguồn vốn về tài chính chỉ là biểu hiện giá trị khi startup xây dựng được 3 nguồn vốn rất quan trọng khác đó là: nguồn vốn giáo dục, nguồn vốn uy tín và nguồn vốn quan hệ” - Th.s Phạm Duy Hiếu, GĐ Quỹ khởi nghiệp doanh nghiệp khoa học và công nghệ Việt Nam (SVF) cho biết.

Nguồn vốn uy tín

Th.s Hiếu bắt đầu bằng một câu chuyện rất thực tế. Hiện nay, nhiều hội thảo về khởi nghiệp các nhóm startup thường mắc một “bệnh” đó là thao thao bất tuyệt về dự án, đội ngũ, và ý tưởng của mình. Th.s Hiếu đặt câu hỏi với cả hội trường: “Nếu các bạn đi dự hội thảo mà chỉ nghe các câu chuyện của người khác, liệu các bạn có muốn nghe không? Và đương nhiên câu trả lời sẽ là không”.

Điều đó cho thấy, một số nhóm khởi nghiệp hiện nay chưa thật sự có kỹ năng tạo động lực để người khác lắng nghe mình. Do đó phải xây dựng nội dung, chủ đề để người khác lắng nghe. Ths. Hiếu chỉ rõ, người nói cần phải hướng câu chuyện đến với người nghe, hoặc kể những nội dung có liên quan đến người nghe.

“Khi đã thuyết phục người khác lắng nghe mình thì hãy làm cho họ tin tưởng mình. Việc xây dựng chữ tín khi khởi nghiệp là vấn đề rất quan trọng. Điều này sẽ quyết định đến thị trường, khách hàng của sản phẩm, dịch vụ. Một sản phẩm dịch vụ dù có tốt đến đâu nhưng lại không được đảm bảo chất lượng bằng uy tín thì sẽ không thể nào phát triển bền vững” - Th.s Hiếu nhìn nhận.

Uy tín được xây dựng từ quá trình nỗ lực làm việc luôn lắng nghe, quan tâm đến những vấn đề của khách hàng đang gặp phải để nỗ lực giúp đỡ khách hàng bằng những giải pháp cụ thể với những sản phẩm, dịch vụ sáng tạo. Quá trình xây dựng uy tín phải được xây dựng từ từ, thông qua quá trình tích lũy những cam kết, thực hiện nghiêm túc nó.

Nguồn vốn quan hệ

Ths. Hiếu kể về câu chuyện những tấm danh thiếp khi ông tham gia làm việc trong lĩnh vực ngân hàng. Ông có thói quen sưu tập những tấm danh thiếp người khác trong quá trình làm việc và coi đó là tài sản lớn nhất, giá trị nhất mà mình có.

Ông chia sẻ, lý do nó là tài sản lớn nhất là khi ông nghỉ việc tại ngân hàng An Bình vào tháng 5/2015, có đến 7 doanh nghiệp mời ông tham gia làm việc. Đó là thành quả của quá trình xây dựng quan hệ nhiều năm trước đó.

“Tôi muốn chia sẻ rằng, việc xây dựng các mối quan hệ sẽ luôn mở ra các cơ hội kinh doanh, cơ hội nghề nghiệp cho chúng ta khi khởi nghiệp” - Th.s Hiếu khẳng định.

Việc xây dựng nguồn vốn quan hệ bắt buộc mỗi người phải rất chủ động. Với mỗi người khi xây dựng mối quan hệ, hãy đặt mục tiêu rõ ràng là học hỏi được ở người bạn của mình điều gì, lĩnh vực gì.

“Nếu muốn mình là người hài hước hãy làm bạn với người hài hước. Nếu muốn khởi nghiệp hãy gặp gỡ nhiều với những doanh nhân… Với mỗi người bạn, hãy góp nhặt những thế mạnh của họ để học hỏi và bạn sẽ trở nên toàn năng hơn. Hãy để mối quan hệ tạo ra giá trị bền vững chứ không phải là mối quan hệ thuần túy” - Th.s Hiếu nhấn mạnh.

Theo Hà Thế An

Khám Phá