BoJ dự báo duy trì lãi suất siêu thấp vào tuần tới
Kể từ khi kết thúc chương trình kích thích mạnh mẽ kéo dài một thập kỷ vào tháng 3, BoJ đã đánh đi tín hiệu tiếp tục tăng lãi suất. Tuy nhiên, ngân hàng này đã phải cam kết hành động từ từ, hoặc thậm chí tạm dừng, sau khi một đợt tăng lãi suất vào tháng 7 bị chỉ trích là nguyên nhân dẫn đến sự sụt giảm trên thị trường chứng khoán.
Theo các nhà phân tích, dù BoJ không vội tăng lãi suất, bất kỳ sự chuyển hướng lập trường của ngân hàng này sẽ nhấn mạnh mong muốn của BoJ trong việc có thêm không gian cho động thái tiếp theo. Điều này cũng có thể giúp ngăn chặn đà giảm thấp hơn của đồng yen, vốn làm tổn hại đến tiêu dùng khi làm tăng chi phí nhập khẩu nhiên liệu và thực phẩm.
Các chuyên gia dự báo tại cuộc họp từ 30-31/10, BoJ sẽ giữ nguyên lãi suất ở mức 0,25%. Trong một báo cáo hàng quý sẽ được công bố sau cuộc họp, dự kiến BoJ cũng sẽ không thay đổi dự báo lạm phát sẽ dao động quanh mức 2% cho đến đầu năm 2027.
Dữ liệu trong nước gần đây chủ yếu ủng hộ quan điểm của BoJ rằng việc tăng lương và triển vọng tăng lương đang hỗ trợ tiêu dùng, đồng thời thúc đẩy nhiều công ty tăng giá không chỉ cho hàng hóa mà còn cho dịch vụ.
Thiếu hụt lao động ngày càng tăng cũng làm gia tăng đồn đoán các công ty sẽ tiếp tục tăng lương vào năm tới.
Ngày 23/10, Thống đốc BoJ Kazuo Ueda đã cảnh báo về những rủi ro khi tăng lãi suất quá chậm, nhấn mạnh rằng việc cân bằng chính sách một cách phù hợp là rất quan trọng để nền kinh tế Nhật Bản phát triển bền vững.
Tại một sự kiện ở Washington (Mỹ), bên lề các cuộc họp mùa Thu của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB), ông Ueda nói: "Tình trạng bất ổn luôn tồn tại ở mọi nơi, mọi lúc, điều đó khiến BoJ phải hành động một cách thận trọng và từ từ".
Tuy nhiên, ông cũng cảnh báo rằng sẽ có vấn đề "nếu BoJ tiến hành tăng lãi suất quá chậm" và tạo ra khả năng lãi suất sẽ duy trì ở mức thấp trong thời gian dài. Ông nói: "Điều này có thể dẫn đến việc tích tụ những vị thế đầu cơ lớn".